Ý nghĩa và những kiêng kỵ khi xông đất đầu năm

Chuyện bốn phươngThứ Hai, 31/01/2022 19:00:00 +07:00
(VTC News) -

Xông đất đầu năm là một trong những phong tục cổ truyền của dân tộc, người Việt tin rằng tục xông đất ảnh hưởng đến vận mệnh gia chủ cả năm.

Người Việt Nam tin rằng nếu ngày mùng 1 Tết mọi chuyện suôn sẻ thì cả năm sẽ được an lành, may mắn. Chính vì vậy, người xông đất được coi là người đại diện mang tới cho chủ nhà sự tốt đẹp cho một năm.

Nguồn gốc tục xông đất đầu năm

Phong tục xông đất đầu năm xuất phát từ mong muốn của mọi người về năm mới nhiều may mắn và hạnh phúc, tránh xui xẻo.

Theo truyền thống, gia chủ sẽ chọn một người hợp tuổi với mình để bước vào nhà đầu tiên trong năm mới, vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết, mang theo chút quà nhỏ như bánh mứt, chè, thuốc và tiền lì xì cho trẻ nhỏ. Người xông đất sẽ chúc gia chủ một năm phát lộc, phát tài và gặp nhiều may mắn.

 Ý nghĩa và những kiêng kỵ khi xông đất đầu năm - 1

Gia chủ cũng niềm nở đón tiếp người xông đất và chúc tụng lại, mời những món ăn, bánh mứt ngon nhất và cùng nhau nâng ly. Việc ăn uống này cũng chỉ mang tính tượng trưng cho có lệ, có thể chỉ ăn vài miếng bánh, miếng mứt, uống một ly rượu hay chén trà. 

Về việc chọn người xông đất, người xưa quan niệm, ai xởi lởi hồn nhiên, vô tư, thật thà, mặt mũi sáng sủa, không có tang và con cái đủ cả trai lẫn gái là vía tốt. Đặc biệt, người xông đất phải có tuổi hợp với chủ nhà và con vật đại diện của năm đó, tránh tuổi “tứ hành xung”. Tuổi người xông đất nên có thiên can, địa chi, ngũ hành tương sinh với gia chủ và của năm đó. Được những người có tên hay, đẹp như Cát, Lộc, Kim, Ngân, Phúc, Thọ, An, Khang… xông đất cũng là một niềm vui với gia chủ.

Ý nghĩa tục xông đất ngày Tết

Trong quan niệm của người Việt, những người được lựa chọn xông đất đầu năm "hợp mệnh" sẽ đem đến những điều an lành cho gia chủ. Người đi xông đất có niềm vui vì đã làm được việc phước. Người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo sẽ tốt lành trong suốt năm tới.

Ở hầu hết các địa phương, phong tục xông đất tương tự nhau. Người đến xông đất thường đem theo những phong bao lì xì để mừng tuổi trẻ con, người già và chúc mừng năm mới đến toàn thể gia đình. Sau đó, người xông đất sẽ được gia chủ chúc Tết. Khách ngồi chơi nói chuyện chỉ khoảng 5 đến 10 phút rồi xin cáo từ chứ không nên ở lại lâu. Tục xông đất thể hiện tinh thần hướng đến những điều tốt lành, may mắn và cầu mong một năm mới mọi sự đều thuận lợi.

 Ý nghĩa và những kiêng kỵ khi xông đất đầu năm - 2

Người xông đất phải là người tốt vía, tính tình vui vẻ, khỏe mạnh, sự nghiệp thành công.

Theo thời gian, những phong tục tập quán xa xưa dần mất đi hoặc trở nên mờ nhạt dần giữa những thay đổi trong cuộc sống hiện đại. Tục xông đất bây giờ đã không còn đặt nặng về sự may mắn, hậu vận, cũng không còn nhiều quy tắc như trước. Người ta coi đây là một niềm vui nho nhỏ mỗi khi Tết đến, xuân về. Nhưng vẫn có điều không thay đổi, đó là chúng ta vẫn đi xông đất nhà bà con bạn bè với niềm vui và cầu một năm bình an may mắn.

Những kiêng kỵ khi đi xông đất đầu năm

Dân gian quan niệm người được chọn xông đất cần phải hợp với gia chủ ở ngũ hành, thiên can, địa chi. Đồng thời 3 yếu tố này của năm cũng phải tương sinh với người được chọn. Tránh chọn những người khắc tuổi với gia chủ, xung khắc với năm. Người có tiền án, công danh chậm tiến, đạo đức không tốt thì không nên tới xông đất. 

Người đến xông đất đầu năm không nên mặc đồ trắng hoặc đồ đen. Nam giới xông đất được cho là tốt hơn vì có nhiều dương khí hơn, năm mới cần có dương khí vào nhà. Trường hợp cả hai vợ chồng cùng đến xông nhà thì chồng nên bước vào trước.

Ngoài ra, người xông đất phải là người tốt vía, tính tình vui vẻ, khỏe mạnh, sự nghiệp thành công. Những người đang có tang nên tránh đến nhà người khác vào ngày đầu năm mới.

Hạ Vy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn