Xúc phạm nhau: ĐB quốc hội có dễ bị bãi nhiệm?

Thời sựThứ Năm, 21/02/2013 05:45:00 +07:00

(VTC News) – Đại biểu quốc hội sẽ bị bãi nhiệm nếu nhân dân kiến nghị và 2/3 quốc hội đồng ý.

(VTC News) –  Đại biểu quốc hội sẽ bị bãi nhiệm nếu nhân dân kiến nghị và 2/3 quốc hội đồng ý.

Liên quan tới bài viết xúc phạm đại biểu Dương Trung Quốc của đại biểu Hoàng Hữu Phước, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Đức Tiết, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thời gian qua, hẳn ông đã nghe báo chí và dư luận đề cập tới việc đại biểu quốc hội (ĐBQH) Hoàng Hữu Phước có bài viết xúc phạm đến ĐBQH Dương Trung Quốc. Xung quanh câu chuyện gây ầm ĩ này có nhiều vấn đề đáng bàn về văn hóa tranh luận. Ông có bình luận gì về sự việc trên?

Luật sư Lê Đức Tiết, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 
Sự việc xảy ra thật đáng tiếc. Tuy nhiên, đó chỉ là sự việc do cá nhân thôi. Ở quốc hội các nước cũng lắm chuyện lắm.

Ở nước ngoài, khi các đại biểu, nghị sĩ bất đồng quan điểm với nhau, họ thường phản ứng thế nào? Và theo ông cách ứng xử của đại biểu Hoàng Hữu Phước đã phù hợp với văn phong mỹ tục của người Việt hay chưa?

Theo tôi được biết, ở nước ngoài, đại biểu bất đồng chính kiến thậm chí còn đấm đá, tạt nước, phỉ nhổ vào mặt nhau…Nói chung là đánh nhau ngay trên nghị trường. So với họ, vụ việc trên ở mình đã ăn thua gì.

Tôi thấy hành động vừa qua của đại biểu Hoàng Hữu Phước là không được tốt lắm, nhưng dư luận cũng không nên vì chuyện đó mà đánh giá tư cách đại biểu quốc hội của ông Phước. Tôi cho rằng, đại biểu quốc hội là phải ăn nói từ tốn, chứ đừng theo quốc hội các nước đánh nhau trên nghị trường hay thóa mạ, nhổ nước bọt, tạt nước vào mặt nhau.

Những đại biểu quốc hội như thế nào sẽ bị bãi nhiệm?

Luật Quốc hội của Việt Nam đã nêu rõ, đại biểu quốc hội sẽ bị bãi nhiệm nếu nhân dân kiến nghị và 2/3 quốc hội đồng ý.

Khi đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tuỳ mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm (điều 56). Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam, Uỷ ban MTTQ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu Quốc hội đó.

Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.

Đại biểu quốc hội có những “đặc quyền” gì thưa ông?

Đại biểu quốc hội có một số quyền bất khả xâm phạm. Đại biểu quốc hội được pháp luật bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Những hành vi cản trở đại biểu quốc hội thực hiện nhiệm vụ sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội.

ĐB Hoàng Hữu Phước. (Ảnh: Tiền Phong) 

Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ, thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội xét và quyết định.


Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó. Đại biểu Quốc hội bị Toà án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật. Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, đơn vị nơi đại biểu làm việc cách chức, buộc thôi việc, nếu không được Uỷ ban thường vụ Quốc hội đồng ý.

Hình thức kỉ luật nặng nhất mà đại biểu Hoàng Hữu Phước có thể sẽ phải chịu là gì? Trước đây, Việt Nam đã từng kỉ luật trường hợp nào như trên chưa?

Chưa hề có trường hợp nào như thế bị kỉ luật. Quốc hội chỉ mới bãi nhiệm những đại biểu khai man lý lịch hay từng phạm tội hình sự, còn phê bình trong nội bộ thì chỗ nào cũng có thôi. Hình thức kỉ luật với ông Phước nặng nhẹ ra sao là quyền của Quốc hội. Chúng ta chưa thể biết trước được điều này.

 

Quốc hội chỉ mới bãi nhiệm những đại biểu khai man lý lịch hay từng phạm tội hình sự, còn phê bình trong nội bộ thì chỗ nào cũng có thôi. Hình thức kỉ luật với ông Phước nặng nhẹ ra sao là quyền của Quốc hội.

Luật sư Lê Đức Tiết, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
 
Theo ông, mục đích thực sự đằng sau bài viết 'gây chuyện' đến ĐBQH Dương Trung Quốc của đại biểu Hoàng Hữu Phước là gì?


Chắc là họ bất đồng chính kiến với nhau nên muốn chứng minh ai phải, ai trái thôi chứ không phải ông Hoàng Hữu Phước chống đối chế độ, chống đối nhân dân. Vấn đề chỉ là hai vị đại biểu này có ý kiến khác nhau.

Ở đây không có vấn đề gì gọi là chống đối ai cả, chỉ là một sự bất đồng quan điểm và cách thể hiện quan điểm như thế là bình thường.

Dư luận đang chia thành hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Nhiều người cho rằng cần xem xét lại tư cách đại biểu quốc hội của ông Phước. Quan điểm của ông thế nào?

Mỗi người có quyền phát biểu ý kiến của mình. Còn theo tôi, nếu ông Hoàng Hữu Phước đã nhận lỗi rồi thì thôi. Còn vấn đề bãi nhiệm thì hơi quá. Trừ phi ông Hoàng Hữu Phước phạm tội phản quốc, phạm tội hình sự…thì mới bãi nhiệm chứ.

Ông ấy đã xin lỗi, rồi đây quốc hội kiểm điểm, ông ấy tự nhận lỗi trước quốc hội là được chứ chẳng cần phải bãi nhiệm.

Bạn đọc bức xúc đòi truy tố, bãi nhiệm ông ấy là tùy vào mỗi người. Nhưng nên nhớ quyền quyết định là của quốc hội.

Xin cảm ơn ông!






Minh Quân (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn