Xuất hiện ánh sáng lạ ở HN: 3 nhà khoa học vào cuộc

Thời sựThứ Sáu, 05/11/2010 02:21:00 +07:00

(VTC News) - Khác với quan điểm chỉ có thể giải thích bằng lý thuyết vật lý như TS Nguyễn Văn Khải, hai nhà khoa học khác đã có những nhận định khác...

(VTC News) – Trước khi chưa có ý kiến kết luận của các cơ quan chức năng về luồng ánh sáng bí ẩn tại nhà anh Chu Minh Hoài, VTC News xin đăng tải tiếp những ý kiến có phần “trái chiều” và tranh luận giữa 3 nhà khoa học mà VTC News đã mời đến tận hiện trường để khảo nghiệm.

Khác với quan điểm của như TS Nguyễn Văn Khải mà VTC News đã đăng tải, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, đây là một đề tài về những vòng tròn ánh sáng đặc biệt mà ông đã có giới thiệu với báo chí vào khoảng tháng 4/2010. Hiện tượng này ông chụp bằng phương pháp chụp liên tiếp trong những điều kiện môi trường ánh sáng nhất định và đã xuất hiện những vòng tròn đó. Còn đối với trường hợp nhà anh Hoài thì chúng ta sẽ nói sau.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã nêu lên những căn cứ: Ví dụ ngày 23/10 vừa qua, sau khi dự một hội thảo về Thăng Long - Hà Nội, người giới thiệu chương trình là tiến sĩ Hoàng Sơn lên trình bày thì lập tức có một vòng tròn mờ đã hiện lên khi được chụp lại, nhưng cũng chụp các diễn giả khác trong điều kiện môi trường ánh sáng như vậy thì lại không có những vòng tròn ánh sáng trên.

Vào hôm mùng 2/11/2010, khi nghệ sĩ Văn Vượng biểu diễn ghi ta tại cung văn hóa Việt Xô cũng đã có những vòng tròn ánh sáng xuất hiện trên ảnh. Và khi ta phóng to lên thì thấy rằng vòng tròn này không phải là bụi và cũng không phải là hơi nước mà nó có một cấu trúc đặc biệt bên trong.

Các nhà khoa học tiến hành cuộc thử nghiệm tại nhà anh Hoài đêm 3/11.

Ngoài ra, ông Hải còn lấy dẫn chứng về những vòng tròn lấp sau những đám lá cây, bị đám lá che khuất một phần và rõ ràng vòng tròn đó to hơn cả đám lá, như vậy chắc chắn không phải là bụi và cũng không phải ánh sáng thường.

Các nhà khoa học phân tích lại những luồng ánh sáng mà camera nhà anh Hoài ghi lại được

Khi phân tích kỹ về vấn đề này ông Hải cho biết, khi chụp liên tiếp thì bức ảnh trước không thấy vòng tròn xuất hiện nhưng ảnh sau thì lại có và ảnh sau nữa thì lại không có, có nghĩa không phải nó thường trực để xuất hiện. Sử dụng phương pháp chụp liên tiếp để thấy rằng không phải có một luồng ánh sáng nào đó lọt vào môi trường cần chụp.

Ông Hải cũng đưa ra một bức ảnh khác về một luồng ánh sáng và bên trong có những vòng tròn chuyển động tạo thành những vệt ánh sáng giống như ánh sáng đèn ô tô mà chúng ta đi ban đêm như những ống ánh sáng. Ở đây chúng ta có thể liên hệ với những luồng ánh sáng nhà anh Hoài.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đưa ra những bức hình mà ông đã chụp được những đốm sáng tương tự.

Tại nhà anh Hoài, ông Hải đã dùng camera thường để ghi hình và chụp song song thì không thấy luồng sáng xuất hiện. Nhưng camera hồng ngoại nhà anh Hoài thì lại thu được những đốm sáng bay lên. Phân tích về những luồng sáng trên màn hình tivi anh Hoài ghi lại được, TS vật lý Nguyễn Văn Khải cũng phải thừa nhận đây không phải là luồng ánh sáng bình thường vì nó không bị phản xạ ánh sáng hay tán sắc nào cả khi có người đi qua. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đặt câu hỏi: Vậy nếu không phải là hiện tượng vật lý bình thường thì nó là cái gì? Và ông tự trả lời rằng: Đây là một vấn đề nhạy cảm!

Trước hết có thể thấy rằng đây là một hiện tượng quang học đặc biệt, và để giải thích rõ thì vật lý phải nghiên cứu. Luồng ánh sáng tại nhà anh Hoài cũng là một những đóng góp đáng kể trong việc thu được những luồng ánh sáng không phải là hiện tượng quang học bình thường.

Bức ảnh về cuộc thí nghiệm về sự di chuyển của các đốm sáng.

Tại nhà anh Hoài chúng ta cũng đã thấy được nhiều hình ảnh có những vệt sáng mà ở trong đó lại có các vòng tròn và không chỉ là một vệt mà có còn có rất nhiều vệt sáng khác.

Ông Hải cho biết, cần phải tiếp tục nghiên cứu tính chất của những vòng tròn này, bởi chúng ta sẽ phải tìm và “săn” nó, để thấy các bằng chứng thấy nó lấp sau các vật khác, thấy nó bị các vật khác che khuất, nhưng nó lại đè lên các vật, hoặc nó trong suốt để cho có thể thấy các vật sau nó, nhưng có những trường hợp mà nó đủ sáng để nó làm át cái vật đằng sau không thể nhìn được.

Có mặt trong chuyến thực nghiệm do VTC News tổ chức, theo PGS.TS Ngô Ngọc Cát, nghiên cứu viên cao cấp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và biến đổi khí hậu, Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật và xã hội VN, đây là một hiện tượng rất đặc biệt, và nó cũng gần giống với một luồng ánh sáng lạ khác mà ông đã từng nghiên cứu tại Long An trước đây nhưng chưa được công bố.

Quan điểm của PGS.TS Ngô Ngọc Cát vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng, để có thể lý giải một cách thấu đáo, khoa học nhất thì cần có những dự án nghiên cứu dài hạn với sự hỗ trợ của những dụng cụ đo đạc đặc biệt. Vậy nên, các ý kiến của ông Nguyễn Phúc Giác Hải và Nguyễn Văn Khải mới chỉ là những nhận định mang tính riêng rẽ về hai lĩnh vực vật lý và nghiên cứu tiềm năng con người và tự nhiên.

Dương Lãng Hoàng

Bình luận
vtcnews.vn