Xử 'tập đoàn' massage kích dục: Những màn tranh luận nảy lửa

Pháp luậtThứ Năm, 04/09/2014 07:32:00 +07:00

(VTC News) - Chiều 4/9, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử "tập đoàn" kích dục Tân Hoàng Phát với phần xét hỏi, tranh luận, truy tố tội danh của VKS và các luật sư.

(VTC News) - Chiều 4/9, TAND TPHCM tiếp tục xét xử "tập đoàn" kích dục Tân Hoàng Phát với phần xét hỏi, tranh luận, truy tố tội danh của VKS và các luật sư.

Các bị cáo trong vụ "tập đoàn" kích dục Tân Hoàng Phát được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2 về hai tội 'Cưỡng đoạt tài sản' và 'Bắt giữ người trái pháp luật'. 

Các bị cáo gồm: Phan Cao Trí (SN 1973, chủ doanh nghiệp Tân Hoàng Phát), Phan Việt Hậu (SN 1985, Giám đốc Công ty Tân Hoàng Phát), Phan Quốc Cường (SN 1977, Giám đốc Cơ sở Kim Thu, chi nhánh Tân Hoàng Phát), Nguyễn Hoài Nhanh (SN 1985) và Nguyễn Minh Phương (SN 1974, quản lý các tiếp viên). 

Cùng ra tòa với tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 2 điều 135 Bộ Luật hình sự còn có Phan Thị Yến (SN 1979, vợ Trí) và Trí, Hậu, Cường. Tại phiên tòa xét xử sáng nay, tất cả các bị cáo đều không thừa nhận hành vi phạm tội như trong cáo trạng đã nêu. 

 Bị cáo Phan Cao Trí (thứ hai từ phải sang) được cho là chủ mưu vụ án cùng đồng bọn trong phiên xét xử ngày 4/9/2014

Buổi chiều cùng ngày, đến phần xét hỏi, bị cáo Hậu vẫn một mực cho rằng mình vô tội. Trong khi đó, các bị cáo Phương, Nhanh đều thừa nhận cáo trạng vụ án là chính xác và mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật. 

Tại phiên tòa, bị hại Cẩm H. cho biết sau khi vào làm việc một tuần lễ, thấy công việc không phù hợp nên xin nghỉ. Người của Tân Hoàng Phát yêu cầu đưa 25 triệu mới được về. Yến chính là người yêu cầu đưa tiền
Thế nhưng, khi được mời lên trả lời, Yến khẳng định không hề biết chị H.. “Cô này ở đâu xuất hiện vu oan cho tôi thôi”, Yến nói.
“Chị Yến nói là không đúng. Tôi viết đơn thưa kiện, chị Yến gọi lên đưa cho tôi 10 triệu. Nếu chị Yến không biết thì tại sao lại giải quyết, trả tiền cho tôi”, H. nói.
Trong phần luận tội, VKS nhận định, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm. Dù các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng dựa vào lời khai các bị cáo, bị hại vẫn đủ bằng chứng, chứng cứ khẳng định sáu bị cáo là có tội. Trong đó, Trí là người cầm đầu. Các bị cáo cưỡng đoạt 184 triệu của các nạn nhân.
"Hành vi này là có tổ chức, nhiều lần, phạm tội với nhiều người. Đây là tình tiết tăng nặng. Bị cáo Nhanh và bị cáo Phương thành khẩn khai báo nên cần được xem xét giảm án" - VKS nhận định.
VKS đề nghị truy tố mức phạt bị cáo Phan Cao Trí từ 7 đến 8 năm tù về hành vi "bắt giữ người trái pháp luật", 5 đến 6 năm về tội "cưỡng đoạt tài sản", tổng cộng từ 12 đến 14 năm tù; Bị cáo Yến từ 4 đến 5 năm tù về tội "cưỡng đoạt tài sản".
 Các bị cáo tại phiên tòa
Luật sư (LS) Phạm Thanh Bình - bào chữa cho bị cáo Trí, đưa ra ý kiến không đồng tình với đề nghị của VKS. LS Bình cho rằng, việc cho các nhân viên ở trong công ty là một điểm tích cực. Nhiều nhân viên khẳng định không có chuyện bắt giữ hay cưỡng đoạt. Các nhân viên được các công ty cho đi du lịch mỗi năm. 
"Trí chỉ là người giúp việc chứ không phải là người cầm đầu. Tân Hoàng Phát là một doanh nghiệp, có doanh thu, nộp thuế... chứ không phải là doanh nghiệp trá hình. Ông cũng khẳng định Trí không cưỡng đoạt tài sản. Bản cam kết được hai bên đồng ý, không có sự ép buộc" - LS Bình nói.
Bên cạnh đó, LS Bình cho rằng vai trò của bị cáo Yến rất mờ nhạt trong vụ án. "Yến chỉ là người nhận tiền, cất tiền. Bị cáo Yến cũng đã bồi thường cho các bị hại. Hiện bị cáo đang nuôi ba con nhỏ, chồng đang bị tù tội, có người thân có công với cách mạng. Do đó, mong HĐXX giảm nhẹ cho Yến", LS Bình phân tích.

Phần bào chữa của LS Đỗ Hải Bình cho bị cáo Nhanh và bị cáo Phương, LS này cho rằng hai bị cáo này chỉ mang tính giúp sức. Hai bị cáo đang là nhân viên, quản lý tại cơ sở Hoàng Thành, thừa nhận có một số bị hại được người thân đến giải cứu. Nếu các bị cáo không làm theo chỉ thị cấp trên sẽ bị phạt, thậm chí đuổi việc. Trong suốt phiên tòa, cả hai đều thừa nhận hành vi mình đã gây ra. 
"Họ luôn mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Đối với Nhanh, sau khi phiên phúc thẩm lần 1 kết thúc đã thực thi xong mức án, đến nay đã có công ăn việc làm, không hề có vi phạm gì thêm. Đối với Phương, từ năm 2008 tính đến nay không hề có sai phạm gì, gia đình có công cách mạng", LS Đỗ Hải Bình phân tích.
Luật sư cho rằng mức án đề nghị với hai bị cáo này là quá cao. Ông đề nghị nên phạt Nhanh bằng 1 năm tù, còn bị cáo Phương đề nghị mức án treo để tạo điều kiện cho các bị cáo làm lại cuộc đời.
Nạn nhân Kim L. cho biết, chị vào công ty làm được 6 tháng, đến nay chưa nhận được đồng nào. Tất cả các lời của luật sư là không đúng với sự thật. Đi làm, tiền mặt L. không được nhận mà phải cấn trừ nợ cho công ty, và chịu nhiều đòi hỏi lý do không chính đáng từ phía chủ doanh nghiệp.
Riêng chị Cẩm H. "tố", vì muốn chuộc con ra ngoài, cha mẹ chị phải mượn tiền để đưa con về, tổng cộng tiền "chuộc con" là 14 triệu đồng. Đến nay, Yến đã trả 10 triệu, còn nợ lại gia đình chị H. 14 triệu đồng. 
"Tôi mong muốn Yến trả hết số tiền còn lại cho gia đình và bản thân" - chị H. nói.
Dự kiến ngày mai phiên tòa xét xử tiếp.


Phan Cường
Bình luận
vtcnews.vn