Xử phạt An toàn thực phẩm: Quan trọng là ý thức người kinh doanh

Sức khỏeThứ Sáu, 21/12/2018 11:13:00 +07:00

Sau gần 2 tháng Nghị định 115/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt an toàn thực thực phẩm (ATTP) có hiệu lực, tại nhiều địa phương, việc áp dụng Nghị định này mới dừng lại ở khâu tuyên truyền, phổ biến.

Để đưa loại hình kinh doanh thức ăn đường phố vào khuôn khổ, nhất là với những gánh hàng rong vẫn còn nhiều vướng mắc nếu ý thức của người kinh doanh không được nâng lên.

Giật mình khi nghe tiền phạt

Khu vực chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) nổi tiếng ở đất Hà thành là “thiên đường ăn vặt” cho giới trẻ với hàng loạt món ăn nổi tiếng như nộm bò khô, chè, bánh giò, bún, phở, miến…

 
"Việc áp dụng Nghị định 115 hướng đến mục tiêu bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời phải hợp tình, hợp lý, tổ chức và cá nhân phải tâm phục, khẩu phục. Vì vậy, trước mắt phải tuyên truyền cho người kinh doanh biết được các vi phạm sẽ bị xử phạt nặng để dần thay đổi hành vi. Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các sản phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội năm 2019. Chắc chắn rằng, khi áp dụng Nghị định 115, các hành vi vi phạm ATTP sẽ được khắc phục rõ rệt."

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung

Theo quy định tại Nghị định 115, thực phẩm bày bán tại chợ phải có bàn, tủ, kệ, thiết bị, dụng cụ để bày bán, nếu không đảm bảo, mức xử phạt có thể lên tới 3 triệu đồng. Vậy nhưng, không ít hàng quán tại chợ vẫn bày thức ăn lộ thiên.

Tại một hàng chè nằm giữa chợ, hàng chục bát chè đủ màu sắc đựng trong âu thủy tinh bày la liệt trên bàn, che đậy hờ bằng miếng vải màn, thỉnh thoảng chủ hàng lại lấy quạt để phe phẩy đuổi ruồi. Khi trò chuyện với phóng viên, nhắc về mức xử phạt tới 3 triệu đồng vì hành vi này, chủ hàng giật mình: “Tôi cũng nghe nói mức xử phạt tăng lên nhưng chỉ nghĩ áp dụng cho mấy nhà hàng lớn mặt phố. Nếu thế này phải đầu tư thêm cái tủ, không thì phạt một lần là lỗ vốn”.

Thực tế, việc áp dụng mức xử phạt theo Nghị định 115 gấp 5 - 7 lần mức xử phạt cũ của Chính phủ chưa chính thức được áp dụng tại nhiều quận, huyện. Tại quận Nam Từ Liêm, Trưởng phòng Y tế Nguyễn Anh Tuấn cho biết, quận đang hướng dẫn các phường thực hiện và thông báo tới các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dự kiến sẽ chính thức áp dụng mức xử phạt này vào thời điểm tăng cường kiểm tra ATTP dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội 2019.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, khi nghe thông báo về nâng mức xử phạt, nhiều chủ cơ sở kinh doanh, buôn bán thực phẩm cũng tỏ ra lo ngại vì chỉ cần thiếu cẩn trọng là số tiền phạt có thể gấp vài lần tiền vốn bỏ ra.

Còn tại quận Cầu Giấy, với gần 1.500 cơ sở thức ăn đường phố, việc áp dụng xử phạt theo Nghị định mới không phải thực hiện ngay trong “một sớm, một chiều”. Trưởng phòng Y tế quận Nguyễn Đức Viên chia sẻ, quận đang hoàn thiện hồ sơ quyết định thành lập các đoàn liên ngành với căn cứ xử phạt theo Nghị định mới, dự kiến từ tuần tới sẽ áp dụng xử phạt theo Nghị định 115.

Ông Viên cũng bày tỏ băn khoăn, giữa Nghị định Quy định xử phạt hành chính về ATTP 115 và Nghị định 155 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc vi phạm quản lý Nhà nước của Bộ Y tế về lĩnh vực ATTP có nhiều điểm còn mâu thuẫn, gây khó khăn cho công tác xử phạt ở cấp dưới.

Khó xử lý hàng rong

Đánh giá sau gần 2 tháng Nghị định 115 có hiệu lực, Chi cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho rằng, ở đâu lực lượng chức năng có trách nhiệm, thực hiện quyết liệt thì ở đó, công tác quản lý ATTP tiến triển rõ nét.

Việc áp dụng Nghị định 115 về xử lý vi phạm ATTP với những cơ sở kinh doanh thực phẩm lớn hay những nhà hàng có địa điểm cố định mang lại hiệu quả rõ rệt. Thế nhưng, khi áp dụng với những gánh hàng rong, nhất là áp dụng mức phạt tiền 500.000 - 1.000.000 đồng với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay… lại không đơn giản.

xuphatantoanthucpham1

Thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm quận Nam Từ Liêm kiểm tra mẫu thịt tại chợ Mỹ Đình.Ảnh: Hà Ngân 

Thêm vào đó, quá trình thanh tra, xử lý còn gặp khó khăn do nhiều viên chức ở địa phương chưa có kiến thức, kinh nghiệm về công tác thanh tra... Thực tế, tại các khu vực cổng trường học, hay các hàng rong bên vỉa hè, tình trạng người bán không sử dụng găng tay vẫn đang diễn ra hàng ngày.

Đồng quan điểm, Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục ATTP (Bộ Y tế) Trần Văn Châu khẳng định, để đưa loại hình kinh doanh dịch vụ này vào khuôn khổ không hề đơn giản, song không vì thế mà bỏ ngỏ việc quản lý.

Theo ông Châu, để người dân hiểu và thực hiện các quy định về kinh doanh ATTP, trước hết cần tuyên truyền, vận động người bán hàng tuân thủ quy định, sau đó là vận động người tiêu dùng có ý thức tẩy chay thực phẩm bẩn.

Song, để tránh bỏ sót trường hợp đã bị nhắc nhở, lại tiếp tục vi phạm, phải không ngừng tăng cường nhân lực, thường xuyên giám sát, kiểm tra chặt chẽ bảo đảm tính khả thi của quy định. Cùng với đó, phải tập huấn kiến thức ATTP; vận động tuyên truyền thông qua nhiều hình thức, đặc biệt với sự phối hợp của các thành viên hội liên hiệp phụ nữ, MTTQ, vận động trang bị các phương tiện như kẹp gắp thức ăn, găng tay, đồ đựng một lần, khẩu trang cho một số điểm kinh doanh thức ăn đường phố.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn