Xử mũ bảo hiểm 'dỏm': Vì sao khó thực hiện?

Thời sựThứ Bảy, 05/07/2014 11:35:00 +07:00

(VTC News) - Việc xử lý người vi phạm đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn đang có nhiều bất cập từ các ngành chức năng.

(VTC News) - Việc xử lý người vi phạm đội mũ bảo hiểm (MBH) không đạt chuẩn đang tồn tại nhiều bất cập từ các ngành chức năng.

Ngày 1/7, quy định xử phạt về MBH không đạt chuẩn chính thức có hiệu lực trên toàn thành phố nhưng ngành chức năng chỉ có chủ trương nhắc nhở, tuyên truyền là chính. 
Điều này thể hiện, việc xử phạt vẫn có quá nhiều vướng mắc lẫn bất cập, trong khi cơ quan chức năng vẫn rất lúng túng trong việc phân biệt thế nào là MBH đạt chuẩn và không đạt chuẩn.

Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM
Để nhận biết MBH không đúng quy chuẩn và trách nhiệm của ngành chức năng trong việc xử phạt người vi phạm, phóng viên VTC News đã có phỏng vấn ông  Nguyễn Ngọc Tường – Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM.
- Thưa ông, MBH như thế nào được coi là đạt chất lượng?
MBH đạt chuẩn phải có 3 bộ phận gồm: Vỏ mũ, lớp xốp bên trong và quai mũ. Ngoài ra, phải có tem hợp quy CR và nhãn trên mũ ghi: “MBH cho người đi xe mô tô, gắn máy”.  
- Hiện trên địa bàn TP.HCM còn khoảng bao nhiêu MBH không đạt chất lượng, thưa ông?
Qua 2 ngày vừa qua, Ban ATGT thành phố đã đi kiểm tra thực tế trên địa bàn thì tỷ lệ chấp hành đội MHB của người dân rất cao, từ 99 đến 100%. Tuy nhiên, trong số này vẫn còn 5 đến 7% người dân đội MBH chưa đạt chuẩn theo quy định.
- Vì sao cơ quan chức năng TP.HCM vẫn chưa xử phạt người đội MBH không đạt chất lượng?
Thực hiện kế hoạch số 69 của UB ATGT Quốc gia và kế hoạch của Ban ATGT thành phố, từ ngày 30/6, Ban ATGT đã tiến hành kiểm tra về việc chấp hành đội MBH của người dân trên địa bàn thành phố.

Ngành chức năng vẫn còn nhiều bất cập khi áp dụng xử phạt người vi phạm đội MBH không đạt chuẩn 
Mục đích lớn nhất là kiểm tra và nhắc nhở người tham gia giao thông để làm sao chuyển đổi ý thức đội MBH đúng chất lượng khi tham gia giao thông nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng cho người đi đường. 
Bên cạnh đó, việc đội MBH đúng chất lượng không phải vì mục đích kéo giảm TNGT mà là giảm thiểu tối đa rủi ro cho người tham gia giao thông. Do đó, việc cần làm ngay là phải tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao ý thức về việc đội mũ đúng chất lượng.
Trong thời điểm này, Ban ATGT và Công an thành phố cũng chưa xác định sẽ xử phạt những trường hợp đội MBH rởm mà chủ yếu xử phạt những trường hợp không đội MBH, đội không cài quai, cài không đúng quy định và đội mũ mà không phải MBH (như mũ thời trang, mũ bảo hộ cho công nhân, người lao động…) như thời gian qua đã làm.  
- Liệu việc kiểm tra và nhắc nhở người đội MBH không đạt chuẩn có mang lại hiệu quả hay không, thưa ông?
Thực tế, thời điểm này, việc kiểm tra, nhắc nhở vẫn là biện pháp phù hợp nhất, bởi để đơn vị chức năng độc lập tiến hành xử phạt, cụ thể như lực lượng công an thì cũng chưa ổn vì ngành công an chỉ có chức năng xử phạt nhưng việc phân biệt MBH thế nào là không đạt chuẩn thì thuộc về đơn vị khác.

Do đó, lực lượng công an cũng không thể phát hiện và chứng minh được bất cứ người tham gia giao thông nào đội MBH không đạt chất lượng. 
- Cơ quan chức năng phải có những biện pháp như thế nào để hướng người dân chấp hành đội MBH đúng chất lượng?
Trước hết, phải phân định rõ chức năng của từng cơ quan chức năng liên quan. Như ở TP.HCM, UBND thành phố phải giao cho Sở Khoa học – Công nghệ thành lập tổ liên ngành kiểm tra và xử lý MBH không đạt chất lượng. 
Cụ thể, Sở Khoa học – Công nghệ sẽ kiểm tra chất lượng sản xuất MBH; lực lượng quản lý thị trường (Sở Công thương) cùng cơ quan chức năng quận, huyện (địa điểm kinh doanh thuộc phạm vi địa bàn) sẽ kiểm tra thị trường mua bán MBH; Sở Tài chính kiểm soát giá cả; Ban ATGT TP sẽ phổ biến, tuyên truyền việc đội MBH cho người dân; lực lượng Công an thành phố sẽ kiểm tra và xử lý.
Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ và đồng bộ các cơ quan chức năng trên để rà soát, kiểm tra, phát hiện và xử lý những trường hợp sản xuất MBH giả; nhập khẩu những loại MBH không đảm bảo chất lượng; kinh doanh, mua bán các loại MBH không phải là MBH trên địa bàn...  
Đặc biệt lưu ý, chúng ta cần phải làm ngay từ đầu chứ không phải đợi tới khi người dân mua và đội MBH trên đầu rồi lực lượng công an mới xử lý.
- Thưa ông, dự kiến chương trình đổi MBH có trợ giá kéo dài trong bao lâu? Trung bình trợ giá bao nhiêu?
Theo dự kiến, chương trình đổi MBH chất lượng có trợ giá sẽ tiến hành trong vòng 1 tháng (từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8), với khoảng trên 20 điểm đổi MBH rải rác hầu khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Mức giá hỗ trợ dao động từ 30 đến 40%/mũ so với giá chuẩn niêm yết và được bán ra trên thị trường của doanh nghiệp này. 
- Xin cảm ơn ông.

Tuấn Hưng
Bình luận
vtcnews.vn