Xử lý môi trường mùa lũ là nhiệm vụ cấp bách của nhiều địa phương

Đời sốngThứ Sáu, 20/11/2020 11:26:00 +07:00
(VTC News) -

Bão, lũ đi qua khiến nhiều tỉnh đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn, do vậy, nhiều địa phương đã chủ động lên phương án xử lý môi trường ngay sau lũ.

Quảng Bình là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ. Ngay từ đầu mùa mưa lũ, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị chủ động nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng triển khai các hoạt động thu gom, vệ sinh môi trường, nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống của người dân tại các địa phương trong trường hợp có mưa bão bất thường xảy ra. 

Sở cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã bố trí lực lượng theo dõi diễn biến môi trường trong và sau lũ, đặc biệt là những cơ sở tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm và sự cố môi trường cao như nhà máy, xí nghiệp, trang trại, bãi rác, bệnh viện; bảo đảm cung cấp nước sạch, an toàn, ổn định cuộc sống cho người dân.

Giống như Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị cũng phải gánh chịu thiệt hại liên tiếp 5 trận lũ lụt và cơn bão số 9 hoành hành. Nhằm đảm bảo vệ sinh nguồn nước, hạn chế dịch bệnh, tỉnh Quảng Trị triển khai tập trung xử lý nguồn nước đảm bảo phục vụ sinh hoạt đời sống cho nhân dân. Tỉnh cũng cấp lượng lớn các loại hóa chất khử nước cho các địa phương để xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường.

Trong khi đó, tại Quảng Nam, sau khi lũ rút, chính quyền tỉnh lập tức vận động người dân thu gom rác trên sông, chỉ đạo các đơn vị vớt hàng trăm tấn bèo rác từ khu vực thượng nguồn, đưa về điểm tập kết, nhằm khơi thông dòng chảy, đảm bảo an toàn cho các cây cầu, cùng với đó là xử lý nhanh hơn 30 cây ngã đổ, thu gom rác thải, cành lá cây, góp phần tạo cảnh quan đô thị xanh sạch sau mưa bão.

Xử lý môi trường mùa lũ là nhiệm vụ cấp bách của nhiều địa phương - 1

Huy động học sinh, người dân thực hiện công tác dọn dẹp vệ sinh sau lũ.

Tại Huế, UBND tỉnh ban hành công văn yêu cầu các Bộ, ban, ngành liên quan triển khai các biện pháp xử lý vệ sinh môi trường tại trường học như thu gom rác thải, khắc phục hư hỏng cơ sở vật chất để đảm bảo an toàn cho học sinh đi học lại sau khi nước rút.

Tại Hà Tĩnh, sau khi kết thúc các đợt mưa, lũ lần 2, tỉnh đã khẩn trương xử lý vệ sinh môi trường tại các hộ gia đình, xử lý 10.540 giếng nước, 10.612 công trình vệ sinh, 13 trạm y tế, 51 trường học và 16 UBND xã, vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng sau lũ.

Tại Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai rà soát thống kê, đánh giá các khu vực bị ảnh ảnh hưởng và tổ chức khắc phục ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng của bão, lũ, lụt gây ra; hướng dẫn các tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện các phương án thu gom, xử lý đảm bảo vệ sinh đối với xác động vật chết trên địa bàn,... hướng dẫn triển khai các biện pháp thu gom rác thải, bùn đất đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm.

Tỉnh cũng yêu cầu phối hợp với cơ quan y tế địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân về các biện pháp đảm bảo vệ sinh, sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, áp dụng các biện pháp y tế để khử trùng nguồn nước, ngoài ra chỉ đạo các đơn vị thu gom và xử lý chất thải trên địa bàn tăng cường hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý triệt để rác thải phát sinh trên địa bàn, không để rác thải ứ động lâu ngày gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn