Xử 'đại án' tham nhũng ở Đăk Nông: Phải thận trọng với số tiền lớn của Nhà nước

Pháp luậtThứ Sáu, 26/09/2014 06:30:00 +07:00

(VTC News) – Tranh luận tại tòa, các luật sư đều đề nghị HĐXX phải rất thận trọng nếu không sẽ gây ra sự thất thoát tài sản đặc biệt lớn của Nhà nước.

(VTC News) – Tranh luận tại tòa, các luật sư đều đề nghị HĐXX phải rất thận trọng nếu không sẽ gây ra sự thất thoát tài sản đặc biệt lớn của Nhà nước.

Chiều 26/9, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Đưa, nhận hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng” tại tỉnh Đắk Nông đã diễn ra với phần tranh tụng.
Phiên xét xử phúc thẩm ngày 25/9.

Đại diện VKS Tối cao tại phiên tòa đãkết luận về các kháng cáo của bị cáo, tiếp tục giữ nguyên quan điểm vềmức án đã tuyên đối với các bị cáo.

Liênquan đến trách nhiệm bồi thường dân sự, vị đại diện VKS vẫn giữ nguyênán tuyên tại phiên tòa sơ thẩm nhận định số tiền 529 tỉ đồng tạm giữ tạiVDB Đắk Lắk - Đắk Nông và 50 tỉ đồng tạm giữ tại Ngân hàng TMCP Nam Álà vật chứng của vụ án và buộc VDB phải trả cho Ngân hàng Phương Đông(OCB) 529 tỉ đồng, trả cho Ngân hàng Nam Á 50 tỉ đồng, khấu trừ vào phầnbồi thường thiệt hại của từng bị cáo.

Trình bày quan điểm trước tòa, luật sư Bùi Văn Thấm, văn phòng luật sư Thủy Nguyên, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đánh giá: Việc các doanh nghiệp cam kết và rút tiền trong hợp đồng tiền gửi để thanh toán nợ cho Ngân hàng phát triển, luật sư Thấm cho rằng các bản tự cam kết không rút tiền của doanh nghiệp, tuy được gửi đến chi nhánh Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng cổ phần Phương Đông, nhưng không có xác nhận của Ngân hàng cổ phần Phương Đông. Do đó đây chỉ là ý kiến đơn phương của doanh nghiệp gửi chi nhánh Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng OCB.


Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm và xác định số tiền tại tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra ở Ngân hàng phát triển Việt Nam, thuộc quyền quản lý và sử dụng của Ngân hàng phát triển Việt Nam. Vì số tiền trên đã được 3 Công ty và HTX Sông Cầu thanh toán nợ bằng hình thức rút tiền tại HĐ tiền gửi hợp pháp để trả nợ chi nhánh Ngân hàng phát triển bằng các giấy ủy nhiệm chi chuyển tiền của doanh nghiệp.
Luật sư Bùi Văn Thấm bào chữa tại phiên tòa.

“Đối với các hợp đồng vay tiền của các doanh nghiệp và ngân hàng OCB có yếu tố lừa dối là thuộc trường hợp giao dịch vô hiệu theo quy định tại điều 132 Bộ Luật Dân sự. Do đó, tôi đề nghị tách ra để giải quyết vụ án riêng theo tố tụng dân sự.” – luật sư Thấm nói.

Đồng tình với quan điểm của luật sư Thấm, luật sư Trần Viết Hưng thuộc Công ty Luật TNHH Trường Sa - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích, nguyên nhân dẫn đến việc các bị cáo Cao Bạch Mai, Nguyễn Thị Vân, Trần Thị Xuân, Nguyễn Thị Kim Loan, Đặng Thị Ngân thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt 530 tỷ đồng của Ngân hàng Phương Đông là do trong quá trình thực hiện các hoạt động cho vay tín dụng của Lâm Hữu Hạnh, Võ Tiến Đạt - nguyên Giám đốc Ngân hàng Phương Đông - Sở giao dịch TP HCM (OCB - Sở GDHCM) đã không thực hiện đúng các quy định của nhà nước về thẩm định hồ sơ cho vay, cố ý làm trái với các quy định của nhà nước về cho vay tín dụng.

Cụ thể, quá trình thẩm định hồ sơ cho vay vốn của các bị cáo trên, OCB – Sở GDHCM biết rõ các doanh nghiệp trên không có năng lực tài chính, không có phương án vay vốn nhưng các cán bộ OCB - Sở GDHCM vẫn cho các doanh nghiệp này vay với số tiền đặc biệt lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Hội đồng xét xử phúc thẩm

“OCB cho các doanh nghiệp trên vay hàng trăm tỷ đồng mà không có bất kỳ một tài sản đảm bảo tiền vay nào theo quy định của pháp luật. OCB cũng đã thực hiên việc thu lãi hàng tỷ đồng trước khi giải ngân các khoản vay cho các khách hàng là không đúng với các quy định của pháp luật, trong khi lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước ban hành ngay tại thời điểm Ngân hàng Phương Đông cho các doanh nghiệp trên vay chỉ là 9%/năm, nhưng các cán bộ của OCB cố tình làm trái với khi ký hợp đồng vay tín dụng với lãi suất lên đến 20,21% năm, thậm chí có hợp đồng lên đến 28.5%/năm.” – luật sư Hưng dẫn chứng.

“Những ngày qua, thông qua những phần xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử xem xét một cách toàn diện, thận trọng, vì đây là số tiền đặc biệt lớn của nhà nước, do đó cần phải xem xét theo trình tự tố tụng chặt chẽ, nếu không sẽ gây ra sự thất thoát tài sản đặc biệt lớn của Nhà nước, chính vì vậy tôi đề nghị HĐXX cần phải tách phần dân sự này để giải quyết bằng một vụ án khác theo trình tự tố dụng dân sự, được quy định tại điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự ‘‘  luật sư Hưng đề nghị.

Về phần bào chữa cho bị cáo Vũ Việt Hùng, luật sư Tô Ngọc Minh Tuấn – thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng hành vi của bị cáo Hùng không đủ căn cứ để cấu thành tội nhận hối lộ.

Theo như lời khai của bị cáo Mai và Xuân, việc mua xe cho bị cáo Hùng là để được bị cáo Hùng giữ nguyên hạn mức tín dụng (HMTD) cho vay, tiếp tục cho vay để trả các khoản nợ đến hạn và tăng HMTD cho mỗi công ty (công ty Minh Nhật và công ty Nhật Tân) thêm 100 tỷ đồng.
Bị cáo Vũ Việt Hùng

"Theo yêu cầu của người đưa hối lộ (bị cáo Mai và Xuân), bị cáo Hùng sẽ giữ nguyên hạn mức tín dụng cho vay, tiếp tục cho vay thêm để trả các khoản nợ đến hạn và tăng HMTD cho mỗi công ty (công ty Minh Nhật và công ty Nhật Tân) thêm 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế sau khi mượn xe bị cáo Hùng không hề thực hiện bất cứ sự hứa hẹn nào theo yêu cầu của Mai và Xuân, thậm chí bị cáo Hùng còn giảm HMTD của công ty Minh Nhật và Nhật Tân, do đó không thể quy buộc bị cáo Hùng nhận xe.

Cũng cần nói thêm, trong trường hợp chiếc xe BMW biển số 56N – 7080 được bà Vũ Thị Hồ mua xe trong thời kỳ hôn nhân thì chiếc xe này là tài sản chung của vợ chồng bà Hồ. Việc một mình bà Hồ định đoạt việc bán, tặng, cho xe khi không có sự đồng ý của chồng bà Hồ là trái với quy định pháp luật.

Mặt khác, cho đến thời điểm hiện tại, chiếc xe BMW biển số 56N – 7080 (của hối lộ) vẫn thuộc quyền sở hữu của bà Vũ Thị Hồ điều đó cho thấy bị cáo Vũ Việt Hùng chưa hề nhận được của hối lộ." - luật sư Tuấn nói.

Cũng theo luật sư Tuấn, bản án sơ thẩm tuyên tử hình bị cáo Vũ Việt Hùng về tội “Nhận hối lộ” là chưa đủ căn cứ và có các sai phạm vì theo hợp đồng mua bán xe thì giá trị xe tại thời điểm bà vũ Thị Hồ mua (năm 2009) là 1.850.000.000 đồng nhưng theo Thông báo Định giá tài sản của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự thì tại thời điểm mua bán tháng 11/2009 thì xe ô tô BMW – X6 biển kiểm soát 56N – 7080 có giá trị là 2.037.420.000 đồng. Vì vậy, Hội đồng xét xử chỉ căn cứ vào thông báo định giá để xác định giá trị của nhận hối lộ là không khách quan.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Vũ Việt Hùng phạm tội Nhận hối lộ với mức án án tử hình đã không xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ (như: Gia đình đình liệt sĩ, có công cách mạng, bản thân Vũ Việt Hùng cũng có nhiều cống hiến trong suốt quá trình công tác) mà còn áp dụng 2 tình tiết tăng nặng tại điểm k (phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng) và điểm o (có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm) Khoản 1 Điều 48 Bộ Luật hình sự.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 48 BLHS thì: những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng. Việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng những tình tiết tăng nặng nêu trên đã làm xấu đi tình trạng của bị cáo Vũ Việt Hùng, vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 9 Bộ Luật TTHS): mọi nghi ngờ phải được giải thích theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo. Nếu có sự nghi ngờ mà không thể bổ sung gì hơn được về chứng cứ thì phải tuyên là bị cáo vô tội.

Dự kiến, hôm nay (27/9) HĐXX sẽ tuyên án.

Nam Minh
Bình luận
vtcnews.vn