Xử 4 công an đánh chết dân: Trả hồ sơ, điều tra lại

Pháp luậtThứ Năm, 08/05/2014 01:00:00 +07:00

HĐXX phiên toà xử vụ 4 công an dùng nhục hình ở Hà Nội đã bất ngờ quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại do có dấu hiệu vi phạm tố tụng.

Sáng nay 8/5, HĐXX phiên toà xử vụ 4 công an dùng nhục hình ở xã Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) đã bất ngờ quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại do có dấu hiệu vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra vụ án.

Tại phiên xét hỏi 4 bị cáo nguyên là cán bộ Công an xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội) sáng nay 8/5, một tình tiết bất ngờ đã xảy ra khi chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Lê Thị Hợp đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra vụ án.

Cả 4 bị cáo lần lượt cho biết trong quá trình cơ quan điều tra lấy lời khai không lần nào có sự hiện diện của luật sư bào chữa cho quyền lợi của mình.


Theo bà Lê Thị Hợp, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng và cả 4 bị cáo đều bị truy tố về tội Giết người với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Chính vì thế, bắt buộc trong suốt quá trình điều tra, lấy lời khai phải có ít nhất một lần có luật sư đại diện cho quyền lợi của các bị cáo tham dự, chứng kiến để đảm bảo tính khách quan.
Người nhà nạn nhân Nguyễn Mậu Thuận mang theo di ảnh và ảnh chụp những vết thương của nạn nhân tại phiên toà 

Mặc dù hồ sơ, tài liệu cơ quan điều tra cung cấp đều có chữ ký của luật sư tại một bản khai nhưng tại tòa cả 4 bị cáo đều khẳng định và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không hề có một luật sư nào đại diện quyền lợi hợp pháp cho mình được mời tham dự.


Sau khi hội đồng xét xử hội ý, bà Lê Thị Hợp đã kết luận: với lời khai của 4 bị cáo đã đủ cơ sở cho thấy quá trình điều tra vụ án này đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng theo Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự. Chính vì thế, hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ điều tra lại để đảm bảo công bằng, khách quan cho các bị cáo.

Trao đổi với báo chí sau phiên tòa, luật sư Lê Đình Sen (Đoàn luật sư Hà Nội), đại diện cho gia đình bị hại, cho rằng cần phải làm rõ việc bản cung lấy lời khai của các bị cáo đều có chữ ký của luật sư.

“Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với các tội nghiêm trọng thì bắt buộc phải có sự tham gia của luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bị can.

Nếu gia đình bị cáo không mời luật sư thì để đảm bảo khách quan, cơ quan điều tra phải chỉ định luật sư bảo vệ cho các bị can ngay từ đầu. Đây là vụ án rất nghiêm trọng nhưng lại vi phạm quy định này thì những cán bộ điều tra phải chịu trách nhiệm kỷ luật” - ông Sen nói.

 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự

Lựa chọn và thay đổi người bào chữa

1. Người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn.

2. Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình:

a) Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự;

b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.

3. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình.

Theo NLĐ
Bình luận
vtcnews.vn