Xót xa những đứa trẻ đãi vàng trên dòng Pôkô

Thời sựThứ Ba, 15/03/2011 04:04:00 +07:00

(VTC News) - Ngay từ lúc mặt trời chưa ló dạng, dưới lòng sông Pôkô đã lần lượt xuất hiện nhiều tốp người. Già có, trẻ có, nam nữ thanh thiếu niên cũng có...

(VTC News) - Nước sông Pôkô đang cạn trơ đáy, nhiều gia đình người dân tộc Rơ Ngao thiểu số ở tỉnh Kon Tum kéo nhau xuống lòng sông để đãi vàng sa khoáng. Hiểm nguy luôn rình rập, bệnh tật thì sẵn chực chờ, nhưng vì cái ăn, họ bất chấp hiểm nguy.


Cả trẻ con cũng ra bãi vàng


Ngay từ lúc mặt trời chưa ló dạng, dưới lòng sông Pôkô đã lần lượt xuất hiện nhiều tốp người. Già có, trẻ có, nam nữ thanh thiếu niên cũng có và hầu hết là những gia đình với đầy đủ các thành viên. Đó là bố mẹ, con cái, hay thậm chí là cả ông bà…


Cô bé này mới 6 tuổi nhưng đã phải địu em theo bố mẹ ra sông đãi vàng. Chuyện học với em xa vời lắm.


Đầu để trần giữa cái nắng chang chang của mùa khô Tây Nguyên, mình ngâm nhiều giờ liền dưới dòng nước đục ngầu, tay thoăn thoắt đào đào, đãi đãi, những con người dù thân hình bên ngoài được cho là cao to, tuổi thì cao nhưng trước dòng sông mênh mông, cũng như thiên nhiên hùng vỹ, trông họ rất nhỏ bé. Và khi trải lòng ra thì ước mơ của họ cũng như vậy.


Những người phụ nữ dầm mình dưới dòng nước đục ngầu bất chấp bệnh tật 


Họ bộc bạch rằng, không dám mong sẽ tìm được những hạt vàng cám có giá trị cao, chỉ cầu làm sao đãi được tí bụi vàng cám để đổi được chừng 50.000 - 60.000 đồng mỗi ngày lo cái ăn cho cả gia đình, thế là được rồi. Chẳng ai biết cái nghề này xuất hiện từ lúc nào nhưng họ nói chưa thấy ai khá giả từ nó, cao lắm cũng chỉ giải quyết được cái ăn tạm thời.


Giới thiệu mình được 40 mùa rẫy nhưng chúng tôi trông chị Y Hon (xã Kroong, TP. Kon Tum) già hơn rất nhiều so với phụ nữ nơi khác. Lưng thì vẫn địu đứa con chừng 30 tháng tuổi, nửa người dầm mình dưới dòng nước đục ngầu vừa đãi vừa nói chuyện. 


 Mới 40 mùa rẫy nhưng chị Y Hon đã 12 lần sinh nở. Đây là đứa con chưa đầy 3 tuổi của chị

Chị cho biết, nhà chị cách nơi này mấy quả đồi nên phải dậy đi làm từ rất sớm. Chị đã sinh tổng cộng 12 lần. Trong số này, 3 đứa đã về với Yang vì bệnh tật không có tiền thuốc thang chạy chữa. Công việc này trước đây chỉ là tranh thủ làm thêm khi nước cạn, rỗi việc nương rẫy. Năm vừa rồi trời hạn, vụ mì trồng từ tháng tư đã chết gần hết nên giờ đây đãi vàng gần như là cần câu cơm quyết định sống còn với gia đình.


Chỉ tay về nơi có 1 thanh niên đang đứng gần đó, chị Y Hon thở dài, thằng con trai thứ 2 của mình đấy, nó được 20 tuổi rồi. Vợ và con nó cũng đang đãi ở đây. Con nó cũng bằng tuổi con mình. Vợ chồng nó cũng khổ quá nên mới kéo nhau ra đây kiếm cái ăn.


Một gia đình với đầy đủ thành viên tại bãi vàng 

Khi chúng tôi hỏi sao không gửi con ở nhà cho đỡ vướng bận, chị Y Hon bảo rằng, làng mình nghèo lắm, ai cũng có chuyện để lo, cả người già cũng phải làm túi bụi. Không ai rảnh trông giúp nên mang chúng ra đây vừa làm vừa chăm sóc tốt hơn.


Cụm từ “tốt hơn” của chị Y Hon chúng tôi chẳng biết nên hiểu như thế nào vì lúc nào cũng thấy chị chăm chú công việc, may là thằng bé cũng dễ. Được biết tại bãi vàng này, không chỉ có gia đình chị Y Hon mang con nhỏ theo mà hầu hết những gia đình khác đều như vậy, có gia đình mang đến 3, 4 đứa. Những đứa trẻ mới chừng 2 - 6 tuổi, lúc thì dầm mình dưới nước quan sát bố mẹ làm, lúc thì túm tụm chơi đùa trên bờ.


 Những đứa trẻ ăn quà bánh một cách ngon lành dù tay chân lấm lem

Mắt đứa nào cũng tròn xoe nhìn chúng tôi, dường như những yếu tố khắc nghiệt, điều kiện thiếu thốn nơi đây chẳng ảnh hưởng gì mấy đến chúng. Chẳng đứa nào cảm thấy buồn bực gì cả, vẫn ngây thơ hồn nhiên.


Cái vòng luẩn quẩn


Khi được người lớn cho bánh kẹo (lâu lâu mới được như vậy), những đứa trẻ liền chìa đôi tay dính đất cát ra nhận rồi nhanh chóng bỏ vào miệng thưởng thức một cách ngon lành.


Cha mẹ chúng thấy thế nhưng cũng chẳng buồn nhắc nhở sao con không rửa tay sạch sẽ rồi hẳn ăn. Có lẽ vì quá khổ nên họ cũng chẳng nhận thức được bệnh tật sinh ra phần lớn là do ăn bẩn, hay họ đang nghĩ rằng con mình sẽ mãnh liệt như cây le trên rừng, dù điều kiện sống có khó khăn thế nào cũng chẳng hề gì, họa chăng chỉ khi nào Yang có ý định bắt đi. 


Bữa ăn ngay tại bãi vàng của một gia đình. Thức ăn chỉ có cà đắng và ít nước mắm 

Nói đến chuyện ăn, mặt trời lúc này đã đứng bóng, những người đang dầm mình dưới nước lật đật kéo nhau lên bờ í ới gọi nhau ăn trưa. Gọi là bữa trưa cho sang chứ nhìn vào số thức ăn của một gia đình bày ra, chúng tôi thấy chỉ có cơm trắng là coi được nhất, còn lại là món cà đắng nấu nhuyễn với ớt hiểm và một gô nước mắm thật cay.


Bữa ăn kham khổ là thế nhưng trông ai cũng ăn rất ngon lành. Dường như với họ, lao động dù nặng nhọc đến mấy nhưng có cái ăn là may lắm rồi. Điều làm cho chúng tôi băn khoăn đó là cả ngày lao động cực nhọc nhưng bữa ăn như thế này những người phụ nữ có con nhỏ lấy đâu ra sữa cho trẻ bú. Không đủ chất để cơ thể hồi phục năng lượng đã tiêu hao thì làm sao tái tạo sức lao động, mà chuyện này lại diễn ra trong một thời gian dài. 

Cậu bé con chị Y Dươi đang học lớp 1 nhưng được cha mẹ cho phép nghỉ học hơn một tuần nay 

Chỉ về phía cô bé dáng người nhỏ thó đang địu em, chị Y Hon cho biết, trẻ con ở đây có đứa cũng đi học, nhưng hễ rảnh lúc nào là chúng theo cha mẹ ra bãi vàng. Phụ giúp được việc gì thì giúp còn không thì có nhiệm vụ trông em nhỏ.Có đứa được cha mẹ chấp nhận cho nghỉ học hẳn để ra đây. Điển hình như con trai chị Y Dươi đang học lớp 1 nhưng đã được cho phép nghỉ học hơn một tuần nay để phụ cha mẹ đãi vàng.


Được biết, trước đây việc đãi vàng ở nơi này phụ thuộc rất nhiều vào lịch xả nước của nhà máy thủy điện Plei Krông cách chỉ chừng vài cây số. Mỗi khi nước về, người dân chạy lên bờ, nước rút lại tranh thủ xuống sông. Thỉnh thoảng khi nước xả về bất ngờ, nếu ai ở giữa lòng sông mà không nhanh chân chạy hoặc bơi vào bờ thì rất nguy hiểm. Cũng có người đã gặp nguy nhưng may mắn là nước chảy không xiết nên đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.


Những đứa trẻ theo gia đình ra sông bất chấp nguy hiểm luôn rình rập và tương lai mờ mịt 

Những đứa trẻ nơi đây, dù đang ở lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới nhưng chúng đã phải có trách nhiệm quán xuyến một phần công việc gia đình. Còn những đứa đang nằm trên lưng mẹ thì từ thuở mới lọt lòng đã thường xuyên chứng kiến cảnh vất vả, lam lũ trong việc kiếm cái ăn của gia đình, liệu lớn lên chút nữa, chúng có giống cha mẹ, anh chị, có thoát nổi được… cái vòng luẩn quẩn (?).


Yến Viễn


Bình luận
vtcnews.vn