Xót xa gia cảnh người thủ lĩnh đảo Trường Sa

Thời sựChủ Nhật, 28/07/2013 04:20:00 +07:00

(VTC News) - Bên cạnh trọng trách lớn lao của một người lính, Chủ tịch huyện đảo Trường Sa đang ngày ngày phải vật lộn với hai căn bệnh trọng của vợ con.

(VTC News) - Bên cạnh trọng trách lớn lao của một người lính, Chủ tịch huyện đảo Trường Sa đang ngày ngày phải vật lộn với hai căn bệnh trọng của vợ con.

Người thủ lĩnh đó là anh Nguyễn Viết Thuân (49 tuổi), Phó Lữ đoàn trưởng Đoàn 146, thuộc Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân, đồng thời là Chủ tịch huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

Hiện con trai anh, cháu Nguyễn Viết Khuê (18 tuổi) đang bị bệnh u trung thất chèn phổi và tim gây khó thở, cơ thể suy nhược; còn vợ anh - chị Phan Thị Huyền (46 tuổi) đang bị bệnh ung thư vú và ung thư tuyến giáp trái hành hạ.

Bi đát gia cảnh người thủ lĩnh

Chúng tôi tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy - Khoa ngoại lồng ngực (lầu 7B1), thì chỉ có mình vợ anh Thuân, cùng con trai đang nằm trên giường bệnh phía hành lang bệnh viện. Riêng anh Thuân thì dường như vắng mặt thường xuyên. Hỏi ra mới biết, anh bận rộn với việc đi công tác khi vừa lên đất liền, chỉ ghé thăm vợ con vào buổi tối, có khi không về kịp nên ở lại đơn vị. 
Qua nhiều lần điện thoại mới hẹn gặp được anh. Với vẻ bề ngoài cứng cỏi người của người lính biển đảo, anh chăm sóc con trai bên giường bệnh nhưng vẫn không che giấu được nỗi lo thường nhật hiện trên nét mặt.

"Lúc mới cho cháu nhập viện, tôi phải thuê phòng trọ bên ngoài 200.000 đồng/ngày đêm, ăn uống, di chuyển tốn kém nhiều. Vừa rồi lãnh đạo bệnh viện Chợ Rẫy biết tin báo chí đăng tải đã cho vợ chồng một phòng công vụ trong bệnh viện, cơm ăn ngày 3 bữa nên cũng đỡ vất vả" - anh Thuân nói.

Anh cũng cho biết, lần này vào đất liền, anh được nghỉ phép 1 tháng, đơn vị, lãnh đạo cấp trên cũng tạo điều kiện cho anh có cơ hội chăm con trai sắp mổ và vợ bị bệnh nan y.

"Việc nước, việc nhà mình cũng cố gắng để làm tròn trọng trách của người lính, người chồng, người cha" - anh Thuân nói.

 Anh Thuân ân cần chăm sóc giấc ngủ cho con. Ảnh: Phan Cường
Anh Thuân là chỉ huy trưởng, lại là chủ tịch huyện nên không thể về thăm nhà thường xuyên, chưa kể những chuyến đi tuần tra, làm nhiệm vụ trên biển.

Đầu tháng 7, sau khi kết thúc chuyến công tác ngoài biển gần một tháng, về đến đơn vị anh mới biết vợ nhập viện. Vậy là anh vội vàng đưa cậu con lớn Nguyễn Viết Khuê lên TP.HCM dự thi đại học, đồng thời chăm sóc vợ đang nằm điều trị trong bệnh viện.
"Lúc đầu tôi cứ nghĩ là do cháu học thi nhiều quá nên bị vậy. Đến khi đi khám thì bác sĩ cho biết có một khối u lớn đang nằm trong lồng ngực nên vợ chồng con cái tôi lại mang nhau vào TP.HCM...", giọng anh Thuân buồn rượi.
Hơn một tháng nay, anh vừa phải quán xuyến công việc ở đảo, vừa tất bật chạy qua chạy lại giữa Bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh) và Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) để lo cho vợ và con.
"Là người lính đảo, cuộc sống của tôi gắn liền nơi đầu sóng ngọn gió, đã quen với những tình huống khó khăn. Thậm chí có những lúc tính mạng con người như nghìn cân treo sợi tóc cũng có thể bình tĩnh xử lý. Nhưng giờ, thấy vợ con mình đau đớn thế này...", anh Thuân bỏ lửng câu nói.
Được biết, anh Thuân nhập ngũ từ năm 1983, sau hơn một năm công tác ở biên giới phía Bắc, anh quay về làm giảng viên ở Trường Sĩ quan lục quân sau đó chuyển công tác ra Trường Sa. Hơn 30 năm là người lính, cuộc đời anh gắn với từng mảnh đất của huyện đảo tổ quốc, đầy sóng gió, bão tố.

Nhìn cơ thể ốm yếu, gầy gò, dáng đi xiêu vẹo của Khuê, anh Thuân đau đớn khi người con trai đầy ước mơ, hoài bão đang mang trong mình trọng bệnh. Đợt thi Đại học - Cao đẳng vừa qua, với mong muốn trở thành kỹ sư công nghệ thông tin nên Khuê dự thi vào Trường Đại học Công nghệ Thông tin TP.HCM và Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Cho đến thời điểm này, Khuê vẫn chưa biết kết quả thi tuyển thế nào nhưng vẫn chờ đợi và hy vọng.
Trước đó, vào tháng 3, một vụ nạn giao thông khiến chân trái của Khuê bị nứt xương, gót chân bị rách, mất một phần thịt, phải di chuyển bằng cách nhảy lò cò. Thời gian đó chị Huyền phải túc trực đưa đón con đi học, ôn thi cho đến khi sức khỏe ổn định hẳn.

Theo bác sĩ Vĩnh, Bệnh viện Chợ Rẫy, cháu Khuê chuyển đến đây khoảng hơn 10 ngày nay. Hiện đang theo dõi sức khỏe, bởi cháu đang mắc phải khối u rất lớn, một chiều 12cm, một chiều 17cm chèn giữa tim và phổi gây chèn ép, khó thở, cơ thể thường xuyên đau nhức, uể oải, biếng ăn. Sau nhiều lần hội chẩn của đội ngũ bác sĩ và các chuyên gia đầu ngành y, dự kiến Khuê sẽ được mổ trong thứ Tư tuần tới.
"Đây là một ca phẫu thuật phức tạp. Lâu nay chúng tôi vẫn gặp một số trường hợp tương tự nhưng khối u không lớn, không chèn ép nhiều bộ phận ở lồng ngực, tim như của Khuê” - bác sĩ Vĩnh cho biết.
Nỗi đau vợ người lính đảo
Túc trực thường xuyên trong bệnh viện, chị Huyền trông già hơn so với tuổi của mình. Đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ chăm con, da dẻ chị vàng nhạt do căn bệnh ung thư vú hành hạ.

Vốn là giảng viên trường Cao đẳng y tế Khánh Hòa, hơn một năm nay, chị phải rời bục giảng để chống chọi với căn bệnh này. Sau những lần xạ trị, tóc rụng ngày một nhiều, chiếc mũ vải luôn gắn bó với chị.
Đôi mắt đượm buồn nhưng luôn ánh lên niềm hy vọng, chị Huyền tâm sự: "Sau gần 20 năm làm vợ người lính đảo, thời gian của anh Thuân ở nhà với vợ con cộng lại chỉ được khoảng 2 năm. Nhưng biết làm sao được, mỗi người gánh một việc mà..."
Chị Huyền là con của một cán bộ hải quân gốc Bình Định, sau đó tập kết ra Bắc rồi quay về lại Cam Ranh, Nha Trang đóng quân. Là con gái của người lính hải quân, chị Huyền đã hiểu hết phần nào sự thiệt thòi của người vợ, người mẹ có chồng đi biển đảo quanh năm suốt tháng.

  Mang trong mình căn bệnh ung thư, chị Huyền vừa chăm sóc con vừa chạy bệnh cho mình. Ảnh: Phan Cường
Làm vợ người lính Trường Sa, chị Huyền phải tự thích nghi với việc thường xuyên sống cảnh một mình chăm lo các con, quán xuyến, cáng đáng việc gia đình, từ cái nhỏ nhất đến lớn nhất, vì vậy chị buộc phải mạnh mẽ, rắn rỏi để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. 
Tất cả mọi chuyện ở nhà mình chị lo liệu. Điều khiến anh chị tự hào là hai đứa con rất ngoan, chăm học. Cô em Trà My (15 tuổi) đang chuẩn bị vào lớp 10, học giỏi hơn cả anh. Năm 2010, bé được học bổng du học hè tại Pháp. Vừa rồi Trà My chỉ thi thử vào Trường chuyên Lê Quý Đôn đậu với số điểm cao.
Thời gian anh Thuân làm chỉ huy trưởng đảo Nam Yết, những lần bé Khuê khó thở phải cấp cứu trong đêm, không có điện thoại liên lạc, một mình chị đưa con đi bệnh viện.

"
Anh cũng như những người lính hải quân khác mỗi năm chỉ có một lần phép, từ 20-25 ngày/lần, nhưng chưa lần nào anh được nghỉ phép trọn vẹn. Không ít lần mới về được một tuần đã có lệnh ra Trường Sa công tác" - chị Huyền trầm giọng.
Về căn bệnh của mình, chị Huyền tâm sự: "Dù phát hiện bệnh đã hơn một năm, nhưng chồng vẫn phải đi công tác ngoài đảo xa, trong khi con lớn chuẩn bị thi đại học, đứa nhỏ thi lên lớp 10 nên tôi vẫn chưa đi điều trị. Mãi đến đầu tháng 6, không thể chịu đựng nổi những cơn đau, tôi đành phải gửi con, thuê người đưa vào TP.HCM nhập viện".
Sau vài lần vào thuốc xạ trị nhìn hình ảnh vợ hiền tiều tuỵ và yếu đi nhiều, đứa con trai thì sức khỏe yếu, ăn uống không nổi, lòng người lính đảo như muối xát. Anh Thuân cảm thấy như mình có lỗi trong những cơn đau mà vợ và con phải chịu đựng.

Được nghỉ phép một tháng, như để bù đắp, anh Thuân mong muốn ân cần lo từng giấc ngủ, miếng ăn cho vợ và con nhưng dường như trách nhiệm đối với tổ quốc của người thủ lĩnh biển đảo luôn đặt trên tình cảm riêng tư, cá nhân.

Những ngày này, lãnh đạo UBND TPHCM, các Sở, ban ngành TPHCM cũng đã đến bệnh viện, gọi điện thoại chia sẻ, động viên đến anh và gia đình. Đáp lại tấm chân tình đó, anh Thuân cảm động bày tỏ, anh rất biết ơn đến tình cảm của người dân và lãnh đạo TPHCM quan tâm chia sẻ, hỗ trợ tinh thần và vật chất đối với gia đình những người lính biển đảo Trường Sa như anh.
PGS - TS Nguyễn Văn Khôi - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, khẳng định: "Về chủ trương của Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, trường hợp con trai anh Thuân đang điều trị tại bệnh viện sẽ chúng tôi sẽ hết lòng quan tâm, chữa trị, hỗ trợ cho những khó khăn mà phía gia đình anh Thuân gặp phải. Cũng nhằm để anh Thuân và vợ yên tâm công tác, hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giao phó".
Mặc dù cũng có vài cơ quan, đơn vị, đoàn thể Nhà nước đến chia sẻ, động viên nhưng với hoàn cảnh gia đình anh Thuân hiện nay phải nói rằng hết sức bi đát. Rất mong sự chung tay, góp sức của bạn đọc, nhà hảo tâm, các vị Mạnh Thường Quân quan tâm chia sẻ, giúp đỡ cho gia đình anh Thuân.




Phan Cường
Bình luận
vtcnews.vn