Xót thương cụ già 80 tuổi sống trong ngôi nhà đầy rác

Thời sựThứ Năm, 10/01/2013 12:16:00 +07:00

(VTC News) – Sống trong một ngôi nhà thuê đầy rác, con của cụ đã bỏ đi vì chê cụ nghèo, già.

(VTC News) – Sống trong một ngôi nhà đầy rác, cụ có con, nhưng con của cụ đã bỏ cụ mà đi vì chê cụ nghèo, già, chỉ khi nào cụ chết thì con mới quay về để đem đi chôn.

 

Chúng tôi tìm đến một căn phòng nhỏ (290/59/5 Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh), tồi tàn nằm ngay giữa nội thành TP.HCM trong những ngày giáp tết Qúy Tỵ 2013 để tìm gặp cụ già Phan Thị Nở chuyên đi làm nghề lượm ve chai.

 

Năm nay, dù đã 80 tuổi, da đã nhăn nheo gần như hết toàn bộ cơ thể, nhưng đều đặn mỗi ngày, từ 6h – 10h sáng, cụ vẫn đi lượm ve chai, từ giấy vụn, nilon, lon bia, thùng carton hay bất cứ vật gì mà người ta thải ra, có thể bán lại được là cụ lại mang về, đem bán để kiếm lấy 20.000 – 30.000 đồng sinh sống qua ngày.

 

Đi nhặt nhạnh từ sáng sớm tinh mơ, trưa về phòng nghỉ lưng trước khi đem tất cả những đồ lượm được đi bán vào buổi chiều. Cụ Nở cho biết, vì tuổi cao, sức yếu, đau ốm liên miên nên cụ không thể đi lượm ve chai vào buổi chiều.

 

Căn phòng tràn đầy các loại rác của cụ già 80 tuổi ngay giữa nội thành TP.HCM. 

Nói với chúng tôi trong nước mắt, cụ ước “giá tôi khỏe hơn một chút, tôi cũng sẵn sàng đi làm buổi chiều ngay chú à, chứ bây giờ tôi yếu quá rồi”.

 

Trong căn phòng rộng chừng hơn 12m2 hôi hám, chất đầy rác, cụ Nở nói trước đây cụ thuê căn phòng này với giá 700.000 đồng/tháng, vài tháng gần đây, do tình hình giá cả vật chất leo thang, chủ nhà đã tăng giá lên 1.000.000 đồng/tháng.

 

Hơi mắc so với thực tế kiếm sống của một cụ già năm nay đã 80 tuổi, song cụ Nở bày tỏ: “Được cái ở đây, hàng xóm thương tôi lắm. Khi tôi bệnh, nằm liệt giường, họ giúp tôi tiền thuốc thang, đồ ăn, thức uống. Nói chung là họ tốt với tôi lắm, chứ không như những nơi trước đây tôi thuê, họ đuổi tôi đi vì sợ chết ở ngay phòng trọ của họ…”

 

Cụ bảo: “Mỗi ngày đi lượm ve chai, tôi ráng đi lượm thật nhiều đồ, rồi các cô chú ở trên đường đi thấy thương tình, cho thêm ít tiền, gom góp lại chắc cũng đủ trả tiền nhà. Còn đồ ăn thì tôi xin, hoặc mua với giá chỉ vài ngàn, cũng ít tốn kém”.

 

Nhắc đến cuộc đời bất hạnh, gia cảnh con cái của mình, cụ Nở tủi thân khóc, rồi lại vội lau nước mắt của mình, nhoẻn miệng cười méo xệch. Cụ Nở kể: “Tôi cũng có con, mà con trai hẳn hoi đấy chứ. Hồi còn con gái, tôi đi ở đợ (làm thuê, mướn – PV) để nuôi chồng con. Khi chồng chết thì cũng là lúc con cái bỏ bê tôi.

 

Nó nghe lời vợ nó, đuổi tôi ra khỏi nhà. Nói với tôi là nó và tôi sống không hợp, nên muốn đi đâu sống thì kệ. Tôi đã ở đây 4 năm rồi, mà nó có về thăm phút nào đâu. Người ta đi kiếm, nhắn nó về lúc tôi ốm đau thì nó trả lời là khi nào tôi chết nó mới về để đi chôn thôi. Nghe vậy coi có đau xót không chú?”

 

Theo lời kể lại của cụ Nở, có lần đi lượm ve chai ở ngoài đường, nghe thấy con trai gọi một tiếng “Má”, chưa kịp nhìn thấy mặt mũi đâu, ngước lên thì cụ đã thấy con trai chạy mất hút. Lúc đó, cụ Nở chỉ biết đứng lại khóc vì nhớ con, và cảm thấy đau lòng vì bị con bỏ rơi.

 

Hỏi về gia cảnh của người con trai duy nhất của mình, cụ Nở kể: “Tôi nghe người ta nói nó sống ở huyện Củ Chi, làm ở Công ty bảo vệ nào đó, đã có tới 2 con trai cũng đã lớn, đi làm rồi. Vậy mà nó cứ để tôi ở đây riết, chẳng thèm về thăm giây phút nào”.

 

Gương mặt khắc khổ, nhăn nheo của cụ Nở trong căn phòng trọ hôi hám, ẩm thấp. 

Một người hàng xóm, cùng thuê phòng trong xóm trọ với cụ Nở bức xúc với chúng tôi: “Tội cho bà lắm, quanh năm chỉ sống một mình ở đây mà không có bất kì người thân nào đến thăm nuôi. Có một lần cách đây vài tháng, bà đi lượm ve chai, bị xe tải tông, móc vào người và kéo đi. May thay, bà không chết, nhưng nằm viện đến mấy tháng. Hàng xóm cùng chia nhau đi kêu người con trai về, mà hắn nào có về đâu. Thế là hàng xóm chúng tôi, “của ít lòng nhiều”, quyên góp, giúp đỡ cho bà có thêm tiền thuốc, bó rau, con cá, miếng thịt nhỏ, chứ cũng chẳng thể giúp đỡ nhiều vì chúng tôi ở đây ai cũng là lao động nghèo cả”.

 

Một người hàng xóm khác cho chúng tôi biết thêm: “Bà cụ tội lắm. Nhiều lúc ở ngay sát bên, thấy bà ốm đau, ho liên miên mà không dám đi khám, mà chỉ mua thuốc linh tinh uống. Tôi mới chạy sang hỏi thì bà bảo đi khám bác sĩ tốn tiền quá. Có những lần bà uống nhầm thuốc, người bị sưng hết cả lên, đi còn không nổi”.

 

Tuổi cao, sức yếu, trong người lại mang đủ thứ bệnh nguy hiểm cho người già, nhưng vì quá nghèo, cụ Nở chưa một lần dám tự đi khám bác sĩ một mình. Nói về việc này, cụ Nở thanh minh: “Tiền ăn còn không đủ, lấy tiền đâu ra đi bệnh viện đây chú. Mỗi lần ốm đau, tôi ra tiệm mua đại thuốc để uống là được rồi. Bây giờ mỗi ngày tôi chỉ mong có cơm ăn là vui sướng lắm rồi, chứ chẳng mong gì hơn đâu”.

 

Nói tới đây, cụ Nở rưng rưng khóc tiếp với chúng tôi: “Người ta có con trai là chỉ mong được nương nhờ lúc tuổi già, còn con trai của tôi có lần đã nhờ người nhắn lại với tôi rằng “Sao không chết đi, sống làm gì cho khổ dữ vậy”. Tôi nghe thấy đau lòng lắm, mà cũng chẳng thể làm gì hơn được cả”.

 

Khi chúng tôi đề cập đến sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương đối với trường hợp người già cả, hoàn cảnh neo đơn, đại diện cho khu phố nơi cụ Nở đang thuê nhà giải thích: Vì hiện trong người cụ Nở không có bất kì loại giấy tờ tùy thân, hộ khẩu ở bất kì nơi đâu nên địa phương không thể làm khác được. Nếu có thi địa phương sẵn lòng giúp đỡ ngay.

 

Về việc này, cụ Nở nói: “Có lần, tôi nhờ người nhắn con trai mang sổ hộ khẩu về cho tôi mượn để đem ra phường để làm hồ sơ, nhưng nhắn hoài, nhắn hoài mà chẳng thấy hồi âm nên dần dần rồi thôi. Chắc có lẽ nó sợ bị tôi làm phiền. Thôi thì đành chịu vậy. Chỉ mong tới lúc nào chết được gặp lại con lần cuối cùng mà thôi…”

 

Bài, ảnh: Việt Dũng

 

 

 

 

 

Bình luận
vtcnews.vn