Xóm nghề lạ: Đổ máu để kiếm tiền

Thời sựThứ Hai, 20/05/2013 03:00:00 +07:00

Đã có người mất hẳn một mắt vì nghề này, còn chuyện đổ máu thì diễn ra thường xuyên.

Trên con hẻm đầy ổ voi, ổ gà thuộc ấp Tân Hiệp, Tân Bình, Dĩ An, Bình Dương, từ nhiều năm nay đã hình thành một xóm nghề “lạ”: nghề nhặt kiếng vỡ - một công việc không nhiều người dám làm vì dễ đổ máu…

Đứt tay, chân như cơm bữa

Hai bên con đường trong xóm không khó bắt gặp kiếng vỡ vương vãi trên đường và những bao kiếng vỡ được xếp chồng đống lên nhau. Đi gần những chỗ đó không ít người phải nhẹ nhàng nhấc chân.

Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Tình (29 tuổi) quê Nghệ An cho biết, chị mới vào Bình Dương được 4 tháng nay, đi xin việc chưa được nên chị theo chồng làm nghề này. Thời gian đầu chưa quen, chuyện bị kiếng cứa vào tay, chân diễn ra liên tục, sau này chị đã chú ý hơn nhưng thi thoảng vẫn bị kiếng cứa.

 Chị Tình đang mải mê cắt kiếng
Chị Tình đang mải mê cắt kiếng 

Giơ đôi bàn tay của mình lên chị Tình cho biết: “Đây là vết sẹo kiếng cứa vào tay làm em phải khâu 3 mũi, còn những vết nhỏ hơn thì nhiều vô kể”.

Kế bên cạnh vựa kiếng của chị Tình, chị Nguyễn Thị Lan (36 tuổi) cho biết “Hai tháng trước mình cũng bị kiếng cứa vào bắp chân phải khâu mất 7 mũi, giờ thành sẹo dài lắm”.

Chị Lan chỉ vào vết sẹo ở cổ tay, vết thương còn ứa máu nói: “Kiếng rất sắc, chỉ một mảnh nhỏ vào tay là đổ máu ngay, khi mới bị chảy máu thì rất ngứa, mọi người nói chắc là do kiếng độc nên gây ngứa”. Rồi chị kéo ống quần cho chúng tôi xem những vết sẹo lớn, nhỏ chằng chéo ở chân. Chị Lan đang mang thai tháng thứ 7 nhưng ngày nào cũng ngồi đập kiếng, cắt kiếng từ sáng tới chiều. Chị cho biết: “Cũng muốn nghỉ ngơi chờ sinh lắm nhưng nghỉ thì biết lấy gì chi trả sinh hoạt hàng ngày”.

Được biết, xóm nhặt kiếng có gần 20 hộ làm nghề. Người làm lâu năm nhất cũng gần chục năm, người ít thì hơn một năm. Thường ngày, khoảng 7h30 sáng, những người đàn ông sẽ bắt đầu công việc đi tìm kiếng vỡ, đến chiều tối họ chở kiếng về trên những chiếc xe ba gác cũ kỹ. Những người phụ nữ ở nhà sẽ chọn lọc các loại kiếng để phân loại, lau chùi, cắt kiếng, đập kiếng…

Chị Trần Thị Tâm chia sẻ: “Phụ nữ bọn em ngồi đây đập kiếng, cắt kiếng là còn nhàn, chứ như chồng em và những người đàn ông trong xóm mới cực khổ, họ phải đi 30 - 40 km vào thành phố tìm kiếng vỡ. Người đi nhặt kiếng phải tìm đến những bãi rác thải ở các khu dân cư mới kiếm được kiếng vỡ đem về, có hôm chồng em về bị bệnh mấy ngày vì ngửi quá nhiều ô nhiễm ở những bãi rác”.

>> Xem cảnh mưu sinh xóm nghề lạ: Đổ máu lấy tiền


Anh Ngọc, chồng chị Trần Thị Tâm cho biết: “Nghề này nguy hiểm nhưng cũng không còn cách nào khác, vì mình không có trình độ, đi làm công ty họ không nhận”.


“Có người đã mất hẳn một mắt vì nghề này, đó là  anh Linh, đồng hương với gia đình em. Cuối năm ngoái, trong khi đang đập kiếng, anh Linh bị mảnh kiếng nhỏ bắn vào mắt, đến nay anh vẫn còn ở ngoài quê để chữa trị, nhưng tôi nghe người ta nói, mắt đó của anh gần như đã hỏng rồi…”, chị Tâm giọng trầm buồn kể.

Thu nhập bấp bênh

Hầu như những gia đình hành nghề nhặt kiếng vỡ nơi đây đều gửi con về quê cho ông bà chăm sóc, bởi gửi con vào nhà trẻ thì không đủ tiền, còn để ở nhà sợ trẻ đụng vào kiếng vỡ. Bởi thế trong xóm hầu như không có bóng dáng trẻ con.

Làm vất vả là thế nhưng thu nhập của những gia đình nơi đây cũng chẳng đáng là bao. Chị Tâm chia sẻ: “Ngày nào kiếm được nhiều kiếng vỡ thì hai vợ chồng cũng được hơn trăm ngàn, có hôm chồng đi cả ngày kiếm kiếng vỡ cũng chỉ được bốn, năm chục ngàn đồng, coi như không đủ tiền xăng và ăn uống”. Cùng tâm trạng, chị Nguyễn Thị Lan cho biết: “Có những tuần mưa liên tục, cả tuần cũng chỉ làm được hai đến ba ngày”.

Anh Nguyễn Văn Quý, quê An Giang cho biết ở quê làm ruộng không có tiền, anh tìm đến Bình Dương lập nghiệp với nghề này, trung bình mỗi ngày đập được khoảng 15 - 20 bao kiếng vỡ, mỗi bao có giá khoảng 5.000 đồng, trừ chi phí sinh hoạt, anh chỉ dư mỗi ngày khoảng 30.000 đồng. Anh tâm sự: “Với từng ấy tiền, chỉ mong sao không bị đau ốm gì để dành ít tiền gửi về quê cho con cái ăn học”.

Gia đình chị Tâm, anh Ngọc cho biết: “Nhiều hôm nghĩ đến mấy đứa nhỏ mà thương chúng quá, nhiều khi muốn cho con vào trong này học để gần bố mẹ hơn, nhưng với thu nhập thế này, hàng tháng có tiền để gửi về cho con đã là tốt lắm rồi”.


Theo Khám Phá
Bình luận
vtcnews.vn