Sốc phản vệ ở Hòa Bình: Nỗi hoang mang từ 'xóm chạy thận'

Sức khỏeThứ Năm, 01/06/2017 07:15:00 +07:00

Sau sự cổ sốc phản vệ khiến 7 người bị chết khi chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, 128 bệnh nhân “xóm chạy thận” gần bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội bày tỏ sự đồng cảm với nỗi đau của các nạn nhân; đồng thời tỏ ra rất lo lắng.

Chỉ cần đến đầu ngõ 121 Lê Thanh Nghị, trước cửa Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hỏi “xóm chạy thận” ai cũng biết, nơi đây toàn những bệnh nhân chạy thận, không có tiền nên phải bám lại chốn này để kiếm tiền chữa trị, sinh sống.

Thông tin về vụ sốc phản vệ ở BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 29/5 vừa qua khiến cả "xóm chạy thận" choáng váng.

Bác Vi Thị Lành, 58 tuổi, ở Yên Thế, Bắc Giang, bệnh nhân quen thuộc của khoa thận nhân tạo bệnh viện Bạch Mai được 8 năm nay chia sẻ về vụ sốc phản vệ ở BVĐK tỉnh Hòa Bình rằng: “Tôi cũng cảm thấy bất an. Mình đã là bệnh nhân thì như là cá nằm trên thớt”.

z674421426043_08ee8fcef2321ef7721f3162baf4b804

Bác Lành (ngoài cùng bên trái) cùng nhiều bệnh nhân khác tại 'xóm chạy thận". (Ảnh: Quỳnh Chi) 

8 năm làm bệnh nhân với bác Lành cũng có nhiều chuyện xảy ra khi đi chạy thận, như tụt huyết áp hay bị đông quả lọc. Thậm chí, bác từng chết lâm sàng cách đây chưa lâu.

Bác Lành kể, đận đó khi mới chạy thận xong, bác cảm thấy bị hụt hẫng rồi đơ ra mấy phút. Sau khi tỉnh lại, bác mới biết mình vừa chết lâm sàng và may mắn là được các bác sĩ hô hấp nhân tạo, kịp thời cứu chữa, mang bác trở lại với cuộc sống.

Cũng bằng kinh nghiệm là bệnh nhân suốt gần một thập kỷ, bác Lành chia sẻ, những người cao huyết áp thường dễ bị tai biến hơn. Còn về sốc phản vệ, bác nói như chuyên gia: “Cũng có thể là do nguồn nước hay quả lọc không được vệ sinh cẩn thận”.

Một vài người cho rằng, đây khó có thể là sơ suất, bởi 1 hay 2 người chết thì có thể hiểu là như vậy nhưng tới 7 người chết thì chắc chắn là có vấn đề từ phía bệnh viện. Tuy nhiên, với bác Lành, bác vẫn nghĩ rằng đó là do sơ suất không ai mong muốn cả, như bệnh viện Bạch Mai cũng đã làm rất tốt nhưng đó là điều không may. 

Một bệnh nhân khác là anh Mai Anh Tuấn, 42 tuổi ở Cố Đô, Ba Vì, Hà Nội, người có thâm niên chạy thận lâu hơn bác Lành, tới hơn hai thập kỷ, phát hiện ra bị thận khi anh mới ngoài 20 tuổi.

IMG_0065 5

Anh Tuấn đã điều trị căn bệnh suy thận được 22 năm. (Ảnh: Nguyên Hoàng) 

Sau 22 năm, anh Tuấn nay được gọi là “Tổ trưởng xóm chạy thận” với tổ viên lên tới 128 người. Anh đã chứng kiến không ít người đến vì bệnh rồi cũng đi vì bệnh.

Anh chia sẻ, cũng như bác Lành, người bị cao huyết áp có thể bị tai biến khi chạy thận rồi dẫn tới tử vong. Có người chết ngay trên giường bệnh, có người thì về nhà nửa tiếng rồi chết.

Theo những gì anh nhớ, kể từ khi anh đến “xóm chạy thận” này, chưa có trường hợp nào chết bởi sốc phản vệ, chỉ có những người do tai biến mà không qua khỏi.

Gần nhất cũng có vài người tại xóm đã ra đi cũng bởi do tai biến. Anh nói, thời tiết giao mùa, những bệnh nhân chạy thận thường hay bị tai biến.

Với anh hay những bệnh nhân thận, nhất là những người bị cao huyết áp, phải luôn luôn phải để ý tới huyết áp của mình, phải đo huyết áp trước khi bắt đầu và ngay sau khi chạy thận xong.

“Luôn phải có máy đo huyết áp, luôn để ý đến mình nếu có tình trạng váng đầu, hay sầm mặt. Cái máy đo huyết áp đã phải trở thành vật bất ly thân luôn bên người mình”, anh Tuấn nói. Một bệnh nhân lớn tuổi khác cũng đồng tình, nói rằng đi đâu hay về quê ăn giỗ cũng phải luôn mang theo thuốc huyết áp trong túi.

IMG_0066 6

 Bác Lành và một tổ viên trong 'xóm chạy thận' với những 'đặc điểm' của người chạy thận. (Ảnh: Nguyên Hoàng)

Đa số họ là những bệnh nhân nghèo, chi phi cho một lần chạy thận lên tới cả triệu đồng, nếu không có bảo hiểm hộ nghèo, họ khó có thể tiếp tục bám trụ và chữa bệnh.

Có bảo hiểm để chữa bệnh, họ vẫn phải lao động để nuôi gia đình lẫn bản thân mình. Người thì chở hàng, người bán quán nước chè nho nhỏ, người buôn bán đồng nát, sắt vụn..., nhưng tất cả đều có chung căn bệnh suy thận bên mình. 

Bất cứ ai khi hỏi cũng có thể chìa ra cánh tay hay chân chằng chịt những vết có thể coi là “đặc điểm nhận dạng” của những bệnh nhân thận, người thì có những vết lồi lên của động mạch, người thì thành những vết sẹo hằn rõ lên da thịt.

Video: Biết thông tin này, bệnh nhân suy thận sẽ không phải lọc máu

Khổ là vậy, khổ từ cuộc sống hằng ngày đến sức khỏe của bản thân, ấy vậy mà họ ai cũng cười, vẫn luôn lạc quan về cuộc sống của mình. Hằng ngày, họ đều tập trung nhau lại để bàn chuyện, để hỏi thăm nhau, xem lịch khám rồi để đi cùng nhau vào bệnh viện.

Chia sẻ về tình cảm của những người trong xóm đối các các nhân viên y tế tại bệnh viện, anh Tuấn nói đúng với vai trò của “tổ trưởng” và cũng là tâm tình chung của hơn trăm con người đang ngày đêm chiến đấu với bệnh tật: “Ở đây tuần ba lần vào viện gặp các y, bác sĩ, có khi còn gặp nhiều hơn người thân. Chính vì vậy, bác sĩ với bệnh nhân chúng tôi cứ như người nhà, thân thiết lắm”.

Nguyên Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn