Xin phép 'nhấn chìm' 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển

Thời sựThứ Sáu, 04/11/2016 10:26:00 +07:00

Ngày 3/11, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, Sở đã có văn bản gửi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xin ý kiến thẩm định hồ sơ cấp phép "nhấn chìm" 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển.

Theo hồ sơ dự án xin cấp phép đổ thải của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), sau khi nạo vét với khối lượng khoảng 1,5 triệu m3 chất thải, đơn vị thi công sẽ dùng sà lan mở đáy tự hành chở đi đổ thải ở khu vực cách nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân khoảng 13 km, cách đảo Cù Lao Câu khoảng 8km và cách ranh giới Khu bảo tồn biển Hòn Cau 500m.

Đánh giá tác động môi trường của dự án, chính Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 cũng thừa nhận rằng việc nạo vét sẽ tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản, làm cho môi trường trầm tích bị xáo trộn, gây hại cho động vật đáy và khu vực đánh bắt cá.

nhiet dien

 Một góc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân

Hoạt động nạo vét cũng làm đảo nước, tăng độ đục dầu mỡ,… ảnh hưởng xấu đến nơi cư trú của các loài động vật nước dẫn tới sự di trú của các loài tôm cá trong khu vực.

Khu vực dự kiến đổ thải có diện tích khoảng 30 ha, cách ranh giới Khu bảo tồn biển Hòa Cau ( hay đảo Cù Lau Câu ) chỉ 500m. Trong khi đó, đây là nơi được bảo vệ nghiêm ngặt về hệ sinh thái, bảo tồn và đa dạng sinh học với gần 234 loại san hô, hơn 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng.

Ông Huỳnh Quang Huy (Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận) cho biết: "Đối với điều kiện môi trường biển, nếu nói bãi đổ thải chỉ cách khu bảo tồn biển 500m không ảnh hưởng gì thì phải xem lại". Theo ông Huy, việc đổ thải với số lượng lớn dễ gây chết san hô và các loại thủy sinh khác. Hệ quả là Khu bảo tồn biển Hòn Cau nguy cơ bị xóa sổ.

Được biết, hồ sơ xin cấp phép đổ thải của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã được gửi đến Bộ Tài nguyên và môi trường và đang triển khai lấy ý kiến thẩm định của các bộ ngành tỉnh Bình Thuận.

Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị góp ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và môi trường, ngày 31/10, ông Hồ Lâm (Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận) đã ký văn bản gởi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khuyến cáo rằng, tác động của dự án đối với khu bảo tồn biển Hòn Cau là có thể xảy ra, và tác động mạnh nếu để xảy ra sự cố.

Do đó Sở Tài nguyên mà môi trường tỉnh Bình Thuận đề nghị nghiên cứu tận dụng tối đa vật liệu nạo vét để san lấp các khu vực lấn biển của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân và Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân. Đồng thời, lưu ý vị trí đổ thải nằm trên tuyến vận tải ven biển cho tàu VR-SB nên sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của luồng, tuyến hàng hải ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận.

Bàn luận về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Thải (Trưởng BQL Khu bảo tồn biển Hòn Cau) cho biết: "Nếu không có giải pháp lâu dài để bảo vệ môi trường, thì nguy cơ đe dọa đến khu bảo tồn từ các dự án của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân là điều khó tránh khỏi. Do đó, đối với dự án đổ thải, sau khi nạo vét, các cơ quan chức năng cần xem xét thận trọng nếu có phương án khác thì nên lựa chọn”.

Video: Chất thải Formosa ở Thiên Cầm, thẩm định một năm vẫn chưa có kết quả

(Nguồn: Vietnam+)
Bình luận
vtcnews.vn