Xin lốt xe giá trăm triệu đồng: Đã đủ cơ sở để công an vào cuộc

Thời sựThứ Sáu, 30/10/2015 08:00:00 +07:00

Xin lốt xe với giá hàng trăm triệu đồng là thông tin được bộ trưởng thăng cung cấp. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho biết có tình trạng xin lốt xe ở HN.

(VTC News) – Luật sư khẳng định, với việc Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu đích danh một trường hợp “chạy lốt xe” mất 130 triệu đồng, đã đủ cơ sở để cơ quan công an vào cuộc điều tra.

Hé lộ vụ chạy lốt xe giá trăm triệu đầu tiên

Câu chuyện về thông tin “xin lốt xe mất đến 500-600 triệu đồng” lại tiếp tục “nóng” lên khi mới đây báo chí đưa tin ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội chỉ đích danh một nhà xe đã phải bỏ tiền để “chạy lốt”.

Cụ thể, sáng 28/10, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã họp với các doanh nghiệp và Hiệp hội vận tải để triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT về công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định trên địa bàn.

Tại cuộc họp này, ông Bùi Danh Liên cho biết, vào năm 2007, nhà xe Tiến Bộ tại Thái Bình (một thành viên của Hợp tác xã vận tải Thăng Long do ông Liên làm chủ nhiệm) đã phải bỏ ra 130 triệu đồng tiền “đi đêm” để được chuyển lốt từ Bến xe Mỹ Đình về Bến xe Giáp Bát.

 Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.
Trước đó, chiều 21/10, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã ký văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT về việc kiểm tra, xác minh thông tin "xin một lốt xe vào Bến xe Mỹ Đình mất đến 500 - 600 triệu" và việc chấn chỉnh công tác quản lý vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ trên địa bàn thành phố.

Tại văn bản này, Sở GTVT khẳng định thông tin xin cơ quan quản lý Nhà nước lốt xe vào Bến xe Mỹ Đình mất 500 – 600 triệu đồng là chưa có căn cứ.

Cũng trong ngày 21/10, phóng viên VTC News đã phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.

Một lần nữa, ông Linh khẳng định, không có chuyện xin cơ quan quản lý Nhà nước lốt xe vào Bến xe Mỹ Đình mất 500 – 600 triệu đồng. Theo ông Linh, vấn đề liên quan đến tiền nong có thể xuất hiện trong quá trình doanh nghiệp tự thỏa thuận mua bán, chuyển nhượng lốt xe cho nhau.

“Chắc là Bộ trưởng có nhận được thông tin. Nhưng thông tin đó từ đâu thì tôi không rõ. Thông tin đó có thể là việc chuyển nhượng giữa nội bộ doanh nghiệp, hoặc của doanh nghiệp này với doanh nghiệp kia.

Có thể chỉ có một số trường hợp xảy ra liên quan đến tiền nong là như vậy thôi. Còn đối với quản lý Nhà nước thì tôi khẳng định là không có. Kể cả trên hay ngoài giấy tờ không bao giờ có chuyện mua bán đối với quản lý Nhà nước cả”, ông Linh khẳng định.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên thực tế có nhiều trường hợp chuyển nhượng lốt xe cho nhau. Sở GTVT không có quyền can thiệp vào vấn đề này. Khi chuyển nhượng, doanh nghiệp chỉ cần thay đổi số đăng ký xe, không cần phải báo cơ quan quản lý.  

“Chắc chắn là có việc chuyển nhượng rồi, chuyển nhượng nhiều chứ. Nhưng việc đó Sở không được phép kiểm soát. Nếu kiểm soát là sai. Đó là việc của nội bộ doanh nghiệp, nằm trong Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã. Sở chỉ quản lý về số lượng lốt, về chất lượng dịch vụ bao gồm chất lượng xe, chất lượng người lái, lộ trình, luồng truyến, giá vé…Việc doanh nghiệp bán, chuyển nhượng cho ai thì không thuộc thẩm quyền kiểm soát của sở”, ông Linh nói.

Trước câu hỏi của phóng viên rằng, Sở GTVT có nắm được trường hợp mua bán, chuyển nhượng lốt xe cụ thể nào hay không, ông Linh cho biết: “Nói thật là, kể cả nắm được thì tôi cũng không quan tâm. Bởi đó không phải là việc của tôi. Chúng tôi còn có nhiều vấn đề phải nghĩ chứ đâu phải nghĩ tới việc họ chuyển nhượng cho nhau”.


Liên quan đến thông tin tiêu cực do Bộ trưởng Thăng cung cấp, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết thêm: “Bản thân tôi cũng nhận được rất nhiều tin nhắn như vậy. Nhưng khi gọi lại để xác minh thì họ không nghe máy, hoặc số máy đó không liên lạc được.”

Đủ điều kiện để công an vào cuộc điều tra

Liên quan đến vấn đề mua bán lốt xe nói trên, phóng viên VTC News đã phỏng vấn Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng Luật sư Interla.

- Theo luật sư, tới thời điểm này đã đủ cơ sở để khẳng định, thông tin “xin một lốt xe mất đến 500 - 600 triệu” là sai hay chưa?

Thời gian vừa qua, báo chí đăng tải rất nhiều bài viết liên quan tới phát ngôn của Bộ trưởng Đinh La Thăng về việc xin lốt xe ở các bến xe trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, theo tôi tới thời điểm này cũng chưa có đủ căn cứ để xác định thông tin của Bộ trưởng có chính xác hay không.

Bởi vì, về phía Bộ trưởng Đinh La Thăng, ngoài thông tin ông cung cấp thì không đưa ra các chứng cứ hoặc văn bản nào liên quan tới nội dung này. Về phía Sở GTVT Hà Nội chưa tiến hành điều tra kỹ lưỡng về vấn đề Bộ trưởng đưa ra mà chỉ có quan điểm cho rằng thông tin Bộ trưởng đưa ra có thể liên quan tới việc chuyển nhượng mua bán các lốt xe ở Bến xe Mỹ Đình giữa các doanh nghiệp.

Để khẳng định được vấn đề này cần tiến hành rà soát các hợp đồng chuyển nhượng lốt xe, triệu tập, lấy lời khai của những cá nhân, doanh nghiệp tại bến xe...Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội chưa tiến hành thanh tra các nội dung Bộ trưởng cung cấp do đó chưa có căn cứ khẳng định thông tin chính xác về việc này.

- Việc để Sở GTVT tiến hành xác minh thông tin tiêu cực trong việc cấp lốt xe liệu có khách quan hay không, bởi đây chính là đơn vị có quyền cấp lốt, trực tiếp liên quan đến thông tin tiêu cực?

Sở GTVT thành phố Hà Nội là cơ quan chủ quản, trực tiếp quản lý hoạt động tại Bến xe Mỹ Đình. Vì vậy, khi có thông tin về việc xảy ra sai phạm tại Bến xe Mỹ Đình, Sở GTVT phải là cơ quan trực tiếp xác minh, điều tra về thông tin đó.

Việc tiến hành xác minh thông tin của Sở GTVT có khách quan hay không phụ thuộc vào những người thực hiện việc thanh tra, xác minh liệu có khách quan, vô tư hay không. Nếu có dấu hiệu không khách quan, tiêu cực trong vấn đề xác minh thông tin của Sở GTVT HN, Bộ GTVT có thể vào cuộc để kiểm tra mà ở đây là Thanh tra bộ GTVT sẽ tiến hành xác minh, điều tra về vấn đề trên.

 Đã có cơ sở để công an vào cuộc điều tra thông tin "chạy lốt xe giá hàng trăm triệu".

- Mới đây, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội đã nêu đích danh một nhà xe cụ thể đã phải bỏ ra 130 triệu đồng “đi đêm” để được chuyển lốt xe từ bến Mỹ Đình về Giáp Bát. Với thông tin này, đã đủ cơ sở để cơ quan công an vào cuộc điều tra hay chưa?

Theo báo chí đưa tin thì thông tin tiêu cực này được ông Bùi Danh Liên -  Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội nêu ra công khai tại cuộc họp. Ông Liên đã chỉ đích danh nhà xe đã phải bỏ tiền để xin lốt xe và cả thời gian xảy ra tiêu cực. Với những thông tin do ông Liên cung cấp khá rõ ràng như vậy, hoàn toàn đã đủ cơ sở để cơ quan công an vào cuộc điều tra. 

- Luật sư có nhận định gì về việc, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hoàng Linh khẳng định ông không quan tâm tới việc mua bán, chuyển nhượng lốt xe của doanh nghiệp?

Quy trình cấp lốt xe ra vào bến là thuộc thẩm quyền của Sở GTVT, khi các doanh nghiệp mua bán, chuyển nhượng lốt xe cho nhau thì sẽ dẫn tới việc thay đổi tên của chủ xe ra vào bến. 

Vì vậy, các chủ xe sẽ phải đăng ký lại với Sở GTVT về tên nhà xe, loại xe… thì mới được cấp phép hoạt động, nên việc Phó giám đốc sở GTVT Nguyễn Hoàng Linh khẳng định ông không quan tâm tới việc mua bán, chuyển nhượng lốt xe của doanh nghiệp là câu trả lời bao biện, rũ bỏ trách nhiệm quản lý của Sở GTVT.

Doanh nghiệp mua bán lốt xe là sai luật

- Nếu có tình trạng mua bán, chuyển nhượng lốt xe giữa các doanh nghiệp, cá nhân với giá 600 triệu đồng/lốt, thì những giao dịch này có phải nộp thuế cho Nhà nước hay không? Ông nghĩ sao khi một giao dịch phát sinh số tiền lớn như vậy mà Sở GTVT lại không quan tâm?

Hiện nay theo quy định thì các doanh nghiệp, nhà xe có quyền chuyển nhượng, mua bán sản phẩm, phương tiện kinh doanh….Tuy nhiên, do việc kinh doanh vận tải theo tuyến cố định phải đáp ứng những điều kiện nhất định theo Điều 11 thông tư Số: 63/2014/TT-BGTVT nên việc lốt xe đã được cấp cho một doanh nghiệp có đủ điều kiện thì không được phép chuyển nhượng, mua đi bán lại.

Những lốt hoạt động không hiệu quả, mua đi bán lại trái với quy định, những xe chạy không đủ biểu đồ chuyến theo hợp đồng, xe bị hành khách phản ánh nhiều thường xuyên vi phạm “bến cóc” “xe dù”…đều bị thu hồi lốt để đấu thầu.

Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng lốt xe giữa các doanh nghiệp, cá nhân với nhau là vi phạm pháp luật vì vậy hợp đồng trên vô hiệu. Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu được giải quyết theo Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo đó hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

Trong trường hợp này, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu được giải quyết theo Điều 137 Bộ luật dấn sự năm 2005. Theo đó, hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

Trong trường hợp này, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Về việc một giao dịch như trên phát sinh với số tiền lớn nhưng Sở GTVT lại không quan tâm theo tôi là Sở một phần chưa quản lý tốt công việc của mình trong việc để tình trạng đăng ký thay đổi số xe diễn ra thiếu sự kiểm soát, tạo điều kiện cho việc chuyển nhượng những lốt xe diễn ra tràn lan, đẩy mức giá lên quá cao so với ban đầu.

Tuy nhiên, chức năng chính của Sở là quản lý hoạt động vận tải chứ Sở cũng không thể kiểm soát được hoạt động mua bán dân sự phát sinh bên ngoài giữa những cá nhân doanh nghiệp với nhau. Vì vậy, để chấm dứt tình trạng trên theo tôi thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn