Xin kính cẩn nghiêng mình trước các anh, những ANH HÙNG NGHĨA HIỆP

Pháp luậtThứ Hai, 14/05/2018 08:11:00 +07:00

Sự hi sinh quả cảm của những hiệp sĩ đường phố khiến tất cả phải kính cẩn nghiêng mình, xin gọi tên các anh là những ANH HÙNG NGHĨA HIỆP.

Chắc chắn sự hi sinh quả cảm của những “hiệp sĩ đường phố” khi đương đầu với nhóm tội phạm trộm cắp, cướp giật trên đường Cách mạng tháng Tám (Quận 3 - TP.HCM) tối 13/5 là thông tin gây đau đớn nhất cho cộng đồng xã hội những ngày này.

Xót xa ở chỗ, ngay khi những hiệp sĩ quên thân mình vì bình yên xã hội kia vừa nằm xuống, lập tức có những luồng ý kiến trái chiều được đưa ra bàn luận sôi nổi.

hiep si

 8 hiệp sĩ Tân Bình (TP.HCM) tổ chức đuổi bắt cướp thì bị chúng đâm khiến 2 người thiệt mạng, 3 người thương nặng.

Không hiểu sao, cách đây khoảng chục ngày, khi xem một phóng sự ngắn trên VTV nói về nhóm hiệp sĩ đường phố, tôi lại có dự cảm xấu sẽ xảy ra với các anh.

Quả thật khi nghe thành viên cốt cán của nhóm xuất hiện trên ti vi với gương mặt được đặc tả rõ nét, có đầy đủ tên tuổi, trong tôi đã xuất hiện những nỗi lo. Việc này quá nguy hiểm.

Nhưng thấy anh hào hứng kể về việc mình tham gia tuần tra, bắt cướp, coi đó như một nhiệm vụ cao cả đầy tự nguyện, thậm chí có lần chở vợ bụng mang bầu sắp đẻ vẫn đuổi theo bắt cướp, tôi hiểu, có lẽ định mệnh đã gắn chặt các anh với công việc đầy nguy hiểm nhưng cũng rất đáng ngưỡng mộ ấy rồi.

Đau đớn là đoạn phóng sự ngợi ca các anh vừa được chiếu trên ti vi khoảng chục ngày, thì bi kịch đã ập đến.

Hai người đàn ông đầy nghĩa khí, quả cảm ấy đã nằm xuống, 3 người khác trọng thương trước đòn thù dã man, khát máu của đám tội phạm đường phố.

Cách đây vài ngày, tôi có chuyến công tác gần một tuần tại TPHCM. Đoạn đường nơi các anh ngã xuống, chính là nơi mà tôi thường xuyên qua lại nhiều nhất, kể cả vào buổi tối. Khi xong việc, tôi thường mượn chiếc xe máy của cậu em công tác tại nhà khách, đi thăm người thân.

Và lần nào thấy tôi dắt xe ra, cậu em cũng lo lắng dặn dò: “Anh đi lại cẩn thận nhé, trong này cướp nhiều lắm, tuyệt đối không nên vừa đi đường vừa nghe điện thoại kẻo bị giật mất ngay”.

Không chỉ cậu em ấy, mà đến thăm nhà người thân nào, tôi cũng được nghe những lời cảnh báo như vậy. Nói vậy để thấy nạn trộm cắp, cướp giật tại đây đang ngang nhiên và liều lĩnh đến mức nào.

“Hiệp sĩ đường phố” là cụm danh xưng xuất hiện một cách tự giác để chống lại sự hoành hành kia. Cái tên nghe đầy nghĩa hiệp, bụi bặm nhưng cũng thừa sự hiểm nguy.

Các anh là những người “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Các anh là người từ nơi khác đến, đang làm ăn sinh sống tại đây, mang theo dòng máu nghĩa hiệp trong người.

Các anh cũng có thể là người bản địa, vì yêu thành phố này, muốn bảo về người dân nơi này mà chẳng thể ngồi yên khi thấy kẻ xấu hoành hành.

Các anh giống nhau ở chỗ xuống đường với phương tiện tự có, chẳng có vũ khí, công cụ hỗ trợ gì trong tay. Ngay cả cái tên “hiệp sĩ đường phố” cũng chỉ là danh xưng người ta gọi lâu mà thành, chứ thực tế đâu có tổ chức, biên chế chính danh gì.

Nhiều người suốt đời mang ơn những hiệp sĩ đường phố ấy, khi được các anh giúp đỡ bắt được kẻ cướp, lấy lại tài sản. Một số người nhìn các anh với sự ngao ngán lắc đầu, cho rằng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, thậm chí là dại dột liều lĩnh.

Còn đương nhiên, những tên tội phạm đường phố, chúng luôn coi các hiệp sĩ này là cái gai trong mắt, cần phải được nhổ bất cứ lúc nào.

Điều đáng trân trọng là, dù biết hết những lời xì xào, dị nghị, ý kiến trái chiều của dư luận về mình; biết mình là những người yếu thế, không có nhiều sự trợ giúp tích cực và biết mình đang là kẻ thù của nhiều băng nhóm tội phạm; song những hiệp sĩ đường phố kia vẫn bỏ qua tất cả, bất chấp tất cả, vẫn lặng lẽ xuống đường với tâm niệm duy nhất trong đầu: Không thể ngồi yên khi nhìn trộm cướp lộng hành.

Chẳng ai mong mình sinh ra để trở thành anh hùng. Chẳng ai muốn có cướp để phải xuống đường tuần tra, truy bắt, đối diện với cái chết rình rập trên đầu.

Họ là những “hiệp sĩ bất đắc dĩ”, họ làm công việc nhiều người sợ hãi không dám làm, chỉ là bởi vì họ có máu nghĩa hiệp trong người, có chút thân thủ phi phàm hơn người và lối sống vì cộng đồng.

Video: Chuyện người công dân ưu tú khuất phục hàng trăm tên cướp

Họ làm đâu vì lợi ích, vì muốn được tung hô hay để mang lại sự vẻ vang, danh giá gì cho bản thân, gia đình. Chỉ biết cống hiến và cống hiến, hi sinh và hi sinh. Để rồi... họ đã hi sinh thật sự.

Họ thừa hiểu đối mặt với phạm tội, với cái ác, là cuộc đối đầu một mất một còn, họ có thể bị hi sinh bất cứ lúc nào, nhưng họ vẫn không hề e ngại, chùn bước.

Số các hiệp sĩ tham gia nhóm ngày càng tăng. Chiến công của những người hùng ấy ngày càng nhiều. Chỉ có điều, mất mát kia là quá lớn.

 Tôi tin rằng sự ngã xuống của các anh là không hề vô nghĩa. Các anh đã sống và ngã xuống đầy nghĩa khí và rất đáng tự hào. Khi cái ác hoành hành, thì việc có những anh hùng là công dân bình thường xuất hiện để chung tay diệt trừ cái ác là điều dễ hiểu.

Từ xưa đến nay và ở bất cứ xã hội nào cũng vậy: Ở đâu có cái ác, cái xấu, ở đó có những anh hùng. Mà đã là anh hùng, hiệp sĩ, thì có bao giờ phải phân vân có đáng hay không.

Kính phục các anh là thế, bàng hoàng tiếc thương trước sự hy sinh của các anh là vậy, nhưng quả thực tôi vẫn muốn ngày nào đó cái tên “hiệp sĩ đường phố” kia hoàn toàn biến mất. Bởi vì, khi nào còn những hiệp sĩ, khi ấy đường phố còn chưa bình yên.

Khi nào những hiệp sĩ còn phải lặng lẽ xuống đường, khi ấy những người công an vì nhân dân phục vụ vẫn chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Trước khi chờ đợi cái ngày danh xưng “hiệp sĩ đường phố” kia biến mất, tôi chỉ biết cầu mong cho các anh luôn bình an. Mong sao, những lần đối mặt với kẻ ác, các anh không hề đơn độc, luôn nhận được sự trợ giúp tích cực của lực lượng công an và những người dân xung quanh.

Tôi tin, các anh không hề đơn độc. Bởi, cuộc chiến với kẻ xấu, cái ác đâu phải cuộc chiến của riêng ai. 

Chiến Văn
Bình luận
vtcnews.vn