Xét xử Trịnh Xuân Thanh: Tranh luận gay gắt, HĐXX mời luật sư ra ngoài

Pháp luậtThứ Sáu, 26/01/2018 11:22:00 +07:00

Khi luật sư của bị cáo Trịnh Xuân Thanh đọc một bút lục về dòng tiền trong vụ án liền bị chủ tọa yêu cầu dừng nhưng luật sư phản ứng và HĐXX tiếp tục nhắc nếu không dừng sẽ bị mời ra ngoài.

Sáng 26/1, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và 7 đồng phạm về hành vi tham ô tài sản tại Cty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).

Tại phiên tòa sáng nay, các luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) đã đưa ra những viện chứng để chứng minh bị cáo Thanh không tham ô tài sản, và không có vai trò trong việc bán đất.

273352021020851259317184464992462o-1516936090370

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (áo trắng) tại phiên tòa.

Luật sư Ngô Thị Thu Hằng (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh) cho rằng việc chuyển nhượng đất của PVP Land – tương đương với bán đất không liên quan đến vai trò của bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Bà Hằng cho rằng bị cáo Thanh không có quyền can thiệp.

Theo luật sư Hằng, dựa vào căn cứ, lời khai của bị cáo Đào Duy Phong - nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land tại phiên tòa, không có cơ sở chứng minh việc bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo việc bán đất.

“Bị cáo Phong khai, tháng 3/2010, Phong điện cho Thanh có khách đến mua cổ phần nhưng không có chứng cứ chứng minh mà chỉ là lời khai mồm từ bị cáo Phong.

Hơn nữa, lời khai của bị cáo Thái Kiều Hương cũng hoàn toàn khác. Bị cáo Hương cho biết “không truyền đạt ý kiến của Trịnh Xuân Thanh…”. Chúng tôi khẳng định bị cáo Thanh không chỉ đạo việc bán đất”, luật sư Hằng nói.

Luật sư Hằng cũng cho rằng, không có cơ sở để buộc bị cáo Trịnh Xuân Thanh biết dự án Nam Đàn plaza có giá thực tế 52 triệu đồng/m2, không có cơ sở khẳng định bị cáo Trịnh Xuân Thanh Tham ô tài sản nên đề nghị HĐXX xem xét tội tham ô tài sản đối với bị cáo Thanh.

phien_toa-19_49_02_008 3

 Luật sư Ngô Thị Thu Hằng (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh).

Tiếp đó, nêu quan điểm bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh về tội tham ô tài sản, luật sư Nguyễn Quốc Hùng cho rằng ban đầu, bị cáo Đinh Mạnh Thắng - nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà khai số tiền 14 tỷ đồng đựng trong thùng, tuy nhiên sau đó tại tòa, bị cáo Thắng lại thay đổi lời khai nói tiền đựng trong vali.

Luật sư Hùng nói: “Bỗng nhiên bị cáo Thắng nhớ ra như vậy, bỗng nhiên hai lái xe của bị cáo Thanh, Thắng cũng nhớ ra nhận vali. Tuy nhiên tại phiên tòa, bị cáo này lại thay đổi lời khai rằng số tiền đựng trong vali. Như vậy rất mâu thuẫn”.

Luật sư Nguyễn Quốc Hùng không loại trừ việc số tiền 14 tỷ đồng bị Đinh Mạnh Thắng và bị cáo Thái Kiều Hương “rút ruột”.

Theo luật sư Hùng, tại thời điểm số tiền 14 tỷ đồng đến được nhà bị cáo Thắng (vợ bị cáo Thắng nhận) thì quyền kiểm soát thuộc về bị cáo Thắng và Hương.

Trong khi đó, chính HĐXX cũng đặt câu hỏi tại sao bị cáo Hương lại nôn nóng làm việc cho PVP Land để bán cổ phần, mặc dù bị cáo Hương chỉ làm việc cho Vietsan cũng bán cổ phần cho công ty 1/5. Như vậy không loại trừ động cơ số tiền 14 tỷ đồng bị chiếm hưởng riêng.

Ngoài ra, luật sư Hùng cho rằng đến thời điểm có thể bị phát giác (khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án lừa đảo đối với Lê Hòa Bình), bị cáo Hương và Thắng đã lập tức trả lại. Lúc này, số tiền này vẫn nằm trong vùng kiểm soát của họ, đề nghị HĐXX thực nghiệm số tiền 14 tỷ đồng ngay tại tòa.

“Đồng nghiệp tôi cũng trình bày mâu thuẫn trong vụ án nên phải tiến hành thực nghiệm điều tra tại tòa. Số lượng tiền rất lớn không thể nhét vào vali…” - luật sư Hùng nói.

Luật sư Hùng cũng đề nghị HĐXX tuyên án bị cáo Thanh vô tội.

Trường hợp HĐXX còn phân vân, đề nghị cho thực nghiệm điều tra ngay tại tòa để tránh trường hợp có bản án oan sai cho bị cáo Thanh.

Tiếp tục phiên toà, luật sư Nguyễn Văn Quynh (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh) bổ sung, qua quá trình nghiên cứu hồ sơ, thẩm vấn công khai tại tòa cho thấy, thời điểm PVP Land chuyển nhượng cổ phần, HĐTV của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có chủ trương từ năm 2009 để thoái vốn ở PV Power (chủ sở hữu 28% vốn của PVP Land trước khi chuyển cho PVC). Chủ trương này đến năm 2010 được giao cho PVC thực hiện.

Luật sư Quynh nói: “Tôi khẳng định bị cáo Trịnh Xuân Thanh không chỉ đạo thoái vốn việc cáo buộc bị cáo Thanh biết giá trị 52 triệu/m2 đất.

Tôi cho rằng việc biết hay không cũng không ảnh hưởng đến việc thoái vốn vì Trịnh Xuân Thanh – người đại diện phần vốn cho Nhà nước chỉ nắm 28% vốn của PVP Land. Bị cáo Thanh không thể chi phối Hội đồng quản trị của PVP Land trong việc thoái vốn tại dự án Nam Đàn Plaza”.

Trong quá trình bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, luật sư Quynh đã đọc một bút lục trong vụ án nhưng chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu dừng lại. Sau đó, luật sư Quynh phản ứng gay gắt.

Chủ tọa phiên tòa tiếp tục nhắc, nếu luật sư không dừng lại sẽ mời ra bên ngoài. Luật sư Quynh ngay sau đó đề nghị đại diện VKS thực hành quyền kiểm sát xét xử của mình. Kiểm sát viên đề nghị luật sư tuân thủ điều hành của chủ tọa.

Cả phiên tòa đã phải im lặng gần 1 phút khi luật sư Quynh phản ứng.

Trong khi đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh ngồi vắt chân chữ ngũ và tập trung ánh mắt nhìn sang phía các luật sư đang bào chữa cho mình.

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn