Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo, không có mặt ở tòa

Pháp luậtThứ Hai, 07/05/2018 09:03:00 +07:00

Thư ký HĐXX thông báo bị cáo Trịnh Xuân Thanh xin rút kháng cáo trước phiên tòa phúc thẩm sáng nay.

Sáng nay (7/5), Tòa án Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm theo kháng cáo của 15/22 bị cáo người trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) khi đầu tư vào Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Phiên tòa phúc thẩm do Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn làm chủ tọa, dự kiến kéo dài trong 10 ngày.

HĐXX tuyên bố bắt đầu làm việc. Thư ký HĐXX thông báo, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã xin rút kháng cáo trước phiên tòa phúc thẩm này. Tòa án Cấp cao đã chấp nhận đơn xin rút kháng cáo, bị cáo Thanh không có mặt tại phiên tòa.

trinh xuan thanh

 Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo, không có mặt ở tòa sáng nay 7/5.

HĐXX sau đó cho tiến hành các bước kiểm tra căn cước với bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm. Bị cáo Thăng mặc áo kẻ xanh, ngồi hàng thứ 2 trong khu vực dành cho bị cáo. Ông Thăng thể hiện tinh thần thoải, trả lời rõ ràng các câu hỏi của chủ tọa phiên tòa.  

Trước đó, sau phiên sơ thẩm vào tháng 1/2018, 15 bị cáo gửi đơn kháng cáo đến cấp phúc thẩm, đa phần xin giảm nhẹ hình phạt. Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh kêu oan toàn bộ kết luận của tòa sơ thẩm và mong TAND Cấp cao xem xét lại tội danh, mức án.

Nguyên Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ, toàn diện, khách quan và giới hạn phạm vi trách nhiệm của bị cáo.

Kết quả giám định thiệt hại của vụ án chưa đảm bảo căn cứ pháp lý, dẫn đến việc Hội đồng xét xử (HĐXX) đánh giá về vai trò, trách nhiệm của bị cáo chưa phù hợp, chưa công bằng, quyết định mức hình phạt quá nghiêm khắc.

Bị cáo Đinh La Thăng đề nghị Tòa án phúc thẩm xem xét lại tội danh, hình phạt và mức liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự đối với mình.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng mình không tham gia vào các hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và “Tham ô tài sản” như bản án sơ thẩm (ngày 22/1) đã tuyên.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại cho bị cáo về cả hai tội danh nói trên và xem xét lại toàn bộ trách nhiệm hình sự, dân sự cho bị cáo.

Các bị cáo khác có đơn kháng cáo xin Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết theo trình tự phúc thẩm để giảm nhẹ hình phạt tù, giảm nhẹ mức bồi thường dân sự, xem xét áp dụng bổ sung các tình tiết giảm nhẹ.

Trước đó, tại phiên toà sơ thẩm, TAND TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng mức án 13 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên 14 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", tù chung thân về tội “Tham ô tài sản". Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội danh là tù chung thân.

Video: Ông Đinh La Thăng bị tuyên án 13 năm tù

Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo trong nhóm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" buộc phải bồi thường thiệt hại cho PVN số tiền hơn 119 tỷ đồng, trong đó bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh mỗi bị cáo bồi thường số tiền 30 tỷ đồng.

Các bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản” phải liên đới bồi thường cho PVC số tiền hơn 11,8 tỷ đồng, trong đó Trịnh Xuân Thanh bồi thường gần 4,4 tỷ đồng...

Minh Khánh
Bình luận
vtcnews.vn