Xét xử ông Đinh La Thăng: Nhân chứng đặc biệt tòa mới triệu tập liên quan gì tới vụ án?

Pháp luậtThứ Tư, 09/05/2018 16:59:00 +07:00

Ông Hồ Công Kỳ với tư cách chánh văn phòng, người xử lý toàn bộ văn bản gửi tới PVN, sẽ giúp HĐXX làm rõ nhiều nội dung quan trọng liên quan đến vụ án.

Sáng nay, sau khi nghe lời khai của Đinh La Thăng, lúc 9h30, chủ tọa bất ngờ tuyên bố tạm dừng phiên tòa.

HĐXX cho biết, để làm rõ lời khai của ông Thăng và các bị cáo, tòa sẽ triệu tập ông Hồ Công Kỳ (nguyên Chánh văn phòng PVN giai đoạn 2010-2011) vào 14h ngày 9/5.

Ông Hồ Công Kỳ - hiện là chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), công ty con của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). 

dsc0426-1525854460708357864680

 Ông Hồ Công Kỳ. (Ảnh: Website Công đoàn dầu khí)

Ông Kỳ, nguyên là chánh văn phòng PVN vào thời điểm vụ án cố ý làm trái diễn ra tại tập đoàn này (2011).

Trong phần thẩm vấn tại tòa, ông Thăng một lần nữa muốn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, khẳng định mình không phạm tội. 

Ông Thăng cho rằng phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 1 chưa xem xét toàn diện bối cảnh dự án Thái Bình 2 trong hoàn cảnh chung. Lúc đó, các tập đoàn kinh tế được phép đầu tư, phát triển kinh tế đa ngành. Giai đoạn đó, các dự án trọng điểm như thế được phép vừa thiết kế, vừa thi công để đảm bảo tiến độ.

Bên cạnh đó, ông Thăng cũng cho rằng, tòa sơ thẩm không xem xét toàn diện bối cảnh Dự án Nhà máy Nhiệt  điện Thái Bình 2.

Bị cáo Thăng cho rằng, việc PVN chỉ định thầu (Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC) đã được Thủ tướng đồng ý. Tiếp đến là Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án trọng điểm của nhà nước và được vừa thiết kế vừa thi công.

pvc_phuc_tham

 Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: TTXVN)

Nguyên Chủ tịch PVN nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu tuy nhiên mong muốn trách nhiệm, chức năng hội đồng thành viên phải được làm rõ.

Tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Thăng cho rằng tổng thầu PVC tham gia dự án là không trái quy định và doanh nghiệp này đã thực hiện đúng ý kiến của Văn phòng Chính phủ khi được chọn làm nhà thầu thi công. Lựa chọn này, PVN đã thực hiện đúng theo chỉ đạo.

Tuy nhiên, cựu Chủ tịch tập đoàn lý giải vai trò của ông ta là đôn đốc các đơn vị thành viên thực hiện chủ trương khởi công dự án. Còn thực hiện dự án thế nào là việc của nhà đầu tư, tức là PVC và PVPower.

Về  quy kết của tòa sơ thẩm, việc bị cáo biết rõ năng lực tài chính của PVC không đủ nhưng vẫn chỉ định làm tổng thầu, ông Thăng giải thích, theo báo cáo của đơn vị này, các chỉ tiêu tài chính đều đạt. Các năm 2009, 2010 và 2011 PVC đều có lãi. Thậm chí, năm 2011 lãi khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sáng nay, ông Thăng cho biết, ban đầu, tập đoàn tìm liên danh tổng thầu. Tuy nhiên, sau đàm phán, một nhà thầu nước ngoài không đồng ý nên PVN đã giao PVC làm tổng thầu duy nhất.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo các thuộc cấp phải ứng tiền cho đơn vị này dù biết hợp đồng số 33 chưa đủ pháp lý. Giải thích trước tòa phúc thẩm, Đinh La Thăng nói bản thân không được cấp dưới báo cáo về nội dung hợp đồng số 33 trong các cuộc họp.

Ông Thăng cho rằng việc ép tiến độ khởi công dự án là điều đương nhiên, giám sát đẩy nhanh tiến độ là việc bắt buộc. 

"Tuy nhiên, việc ký hợp đồng là quyền của các đơn vị PVC và PVPower, lãnh đạo tập đoàn không ai chỉ đạo 2 đơn vị này phải ký theo nội dung nào", bị cáo Thăng khai và cho biết, 2 đơn vị đó đã tự bịa ra các hợp đồng khống.

Minh Khánh
Bình luận
vtcnews.vn