Xét xử cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga: Các công ty không trả lại tiền

Pháp luậtThứ Tư, 11/04/2018 19:26:00 +07:00

Nhiều đơn vị thi công đồng loạt từ chối thực hiện theo phán quyết của tòa sơ thẩm về việc hoàn lại tiền công đã nhận khi triển khai dự án B5 Cầu Diễn.

Sáng 11/4, tòa Cấp cao tại Hà Nội xét kháng cáo của các công ty liên quan vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan cựu đại biểu quốc hội Châu Thị Thu Nga 

Theo bản án sơ thẩm, bà Nga lừa đảo chiếm đoạt 377 tỷ đồng của 726 khách hàng mua chung cư B5 Cầu Diễn thông qua 752 hợp đồng góp vốn. Trừ 28 tỷ đã cho một số khách hàng, bà bị cáo buộc đã sử dụng, hưởng lợi toàn bộ số tiền còn lại.

Bản án cũng buộc 36 công ty đã nhận trước 72 tỷ đồng thông qua 68 hợp đồng kinh tế với Housing Group phải nộp trả vào tài khoản tạm giữ của nhà chức trách. Không đồng ý với phán quyết này, nhiều công ty kháng cáo.

IMG-2814-JPG-2918-1523418714

Bị hại trong vụ án Châu Thị Thu Nga tại tòa. (Ảnh: Phạm Dự)

Trình bày tại tòa sáng nay, hơn chục người đại diện công ty đều quả quyết nhận tiền từ bà Nga hoặc Housing Group vì được thuê làm việc chứ không chiếm đoạt. Vì thế tiền họ có được là hợp pháp, không thể trả lại.

Đại diện Công ty Licogi 12 trình bày, năm 2010-2011, công ty ký với Housing Group ba hợp đồng thi công trị giá hơn 13 tỷ đồng và mới được thanh toán 8 tỷ đồng. Licogi 12 còn đang đòi Housing Group trả nốt số nợ gần 4 tỷ đồng.

Trước câu hỏi "có biết tính pháp lý dự án B5 Cầu Diễn không" mà vẫn nhận làm, vị này nêu quan điểm: "Chúng tôi chỉ là bên làm thuê, phía chủ đầu tư phải lo về tính hợp pháp của dự án".

“Sau khi biết bà Nga sử dụng tiền do phạm tội mà có để chi trả hợp đồng thi công, ông nghĩ thế nào? Bản án sơ thẩm dành quyền khởi kiện cho Licogi đòi tiền Housing Group trong vụ án khác thì sao?”, một thẩm phán hỏi. Vị đại diện nói nếu tách ra thành vụ kiện dân sự thì không khách quan.

Video: Cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga bị tuyên án chung thân

“Cứ cho rằng Housing chi những đồng tiền bất hợp pháp nhưng chúng tôi lao động bằng mồ hôi công sức, kiếm tiền hợp pháp. Tòa tuyên như vậy thì chúng tôi lấy đâu tiền bù lại?”, ông nói.

Đại diện Ligogi 12 lập luận: "Nếu số tiền đó sử dụng vào mục đích riêng của công ty chúng tôi thì bắt chúng tôi nộp lại là đương nhiên. Nhưng đây dùng chính tiền đó làm dự án cho bà Nga, chúng tôi có chiếm hưởng gì đâu?".

Chủ tọa phiên tòa sau đó giải thích bản án sơ thẩm tuyên là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị hại, còn quyền lợi của các công ty liên quan đã được dành quyền khởi kiện dân sự độc lập.

“Quyền lợi không đi đâu mà mất nhưng phải theo đúng trình tự luật tố tụng dân sự là bảo đảm quyền lợi cho người bị hại trước, chứ không phải không nghĩ đến quyền lợi của người liên quan", chủ tọa nói và cho rằng đây cũng là giải thích cho các công ty liên quan khác có kháng cáo.

Hoi-dong-xet-xu-JPG-6871-1523418714

HĐXX phiên phúc thẩm. (Ảnh: Phạm Dự)

Ông Lưu Tuấn Hùng, đại diện cho một công ty xây dựng, cho rằng luật xây dựng cho phép đơn vị thi công không cần biết dự án có hợp pháp không bởi họ chỉ là đơn vị làm thuê. Tiền do phía bà Nga chi trả, công ty cũng không thể biết "đó là tiền sạch hay không".

Ông Bùi Kiến Quốc, đại diện Công ty Liên danh tư vấn và xây dựng, khẳng định các hợp đồng thi công cọc khoan nhồi đã ký tại dự án này là "hợp đồng hợp pháp". Ông này cho rằng án sơ thẩm tuyên vậy tức là "trừng phạt người làm ăn chân chính". 1,7 tỷ đồng công ty ông được trả là tiền hợp pháp chứ không phải là tang vật vụ án, bởi luật cho phép người lao động, kinh doanh hợp pháp có quyền sở hữu tài sản hợp pháp kể từ thời điểm nhận được.

Tòa giải thích án sơ thẩm không có chữ nào tuyên hợp đồng giữa công ty này với Housing Group là bất hợp pháp. Tuy nhiên tiền Housing Group trả cho công ty là tiền phạm pháp vì vậy công ty phải trả lại để bảo đảm quyền bị hại. 

Ông Quốc ngay lập tức phản bác, cho rằng: "Tòa nói thế là sai bản chất". Công ty ký với pháp nhân Housing Group chứ không phải ký với bà Nga. Bà Nga phạm pháp chứ không phải pháp nhân Housing phạm pháp. Người đại diện này sau đó còn viện dẫn nhiều quy định chứng tỏ tiền của công ty thu được là hợp pháp.

Đại diện một công ty tư vấn kiến trúc khác lập luận rằng tiền thanh toán hợp đồng thi công với Housing Group được thanh toán qua tài khoản ngân hàng, không phải nhận từ bà Nga. Hơn nữa, họ cũng phải thuê bên thứ ba thi công, đã phải trả tiền. Vì thế, tòa không thể buộc công ty phải trả lại tiền cho Housing Group.

Chồng bà Nga cũng là một trong những người liên quan kháng cáo án. Nếu ở quá trình điều tra, ông đồng ý dùng tài sản chung của hai vợ chồng để khắc phúc hậu quả do vợ gây ra thì giờ ông từ chối. Người đại diện của ông này nói hiện ông sống khó khăn, phải thuê nhà nên đòi lại một nửa các tài sản đã bị kê biên. Ông tự nguyện nộp tiền để lấy lại căn chung cư hơn 3 tỷ đồng đã mua cùng vợ trước đó.

Khách hàng vẫn tha thiết mong được trả nhà

Nhiều bị hại khi trình bày chiều nay vẫn nói ‘tha thiết’ mong cấp phúc thẩm kiến nghị với UBND TP Hà Nội cho phép công ty Housing Group tiếp tục xây nhà ở dự án B5 Cầu Diễn để họ có chỗ ở.

Tuy nhiên, HĐXX giải thích tòa không có thẩm quyền kiến nghị về việc cho phép hay không việc thực hiện dự án nhà ở.

Trong khi đó Công ty Housing Group xin rút một phần kháng cáo nêu rằng bà Nga chiếm đoạt thì phải tự bồi thường. Ông Lê Sáu, hiện là Tổng giám đốc Housing Group, cho biết vẫn đang đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho thực hiện dự án B5. Công ty tiếp tục kiếm tìm đối tác có tiềm năng.

Ông Sáu còn nói sau phiên tòa này, Hà Nội sẽ có buổi làm việc lại với công ty Housing Group về việc kiến nghị tiếp tục được thực hiện dự án B5. Song với câu hỏi "bây giờ bị hại muốn rút vốn thì có tiền trả không", ông Sáu nói vòng vo, lúc sau mới nói "sẽ trả".

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn