Xét nghiệm nhanh COVID-19 với khách bay nội địa: Nên hay không?

Thị trườngThứ Tư, 15/12/2021 15:32:00 +07:00
(VTC News) -

COVID-19 phức tạp với ca F0 liên tục tăng, nhiều khuyến cáo đưa ra nhằm kiểm soát dịch bệnh, trong đó có ý kiến cho rằng cần xét nghiệm khách bay nội địa.

Để tạo "thông thoáng", giảm áp lực tâm lý cho khách bay, giảm bớt chi phí xét nghiệm cũng như giúp hàng không hồi phục sau thời gian đóng băng vì COVID-19, nhiều điều kiện hành khách được bay đã được nới lỏng. Trong đó có quy định khách bay nội địa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 không phải xét nghiệm, trừ khách bay từ TP.HCM, Cần Thơ.  

Tuy nhiên, trên thực tế, có hiện tượng qua xét nghiệm tại sân bay, không ít hành khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2 mà không có triệu chứng nào. Chính điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: có nên xét nghiệm nhanh COVID-19 với khách bay nội địa không?

Trả lời VTC News về vấn đề này, chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định: “Việc bỏ hay giữ quy định xét nghiệm với khách bay nội địa là một bài toán nan giải của cả ngành hàng không và y tế”.

Tuy nhiên, theo bà Lan, việc bỏ quy định bắt buộc xét nghiệm là hợp lý, phù hợp cho quá trình phục hồi kinh tế. Nếu cứ đi là phải xét nghiệm, đến là bị “dòm ngó”, cách ly thì sẽ làm giảm đi đáng kể lượng khách đáng lẽ là có thể đi lại được bình thường.

Xét nghiệm nhanh COVID-19 với khách bay nội địa: Nên hay không? - 1

Nhiều chuyên gia cho rằng, với diễn biến COVID-19 ngày càng phức tạp, cần áp dụng xét nghiệm nhanh với khách bay nội địa. (Ảnh minh họa: Báo Giao thông).

Bà Lan cho rằng, việc xét nghiệm, test nhanh nên được khuyến khích một cách linh động chứ không nên bắt buộc. Để vừa đảm bảo giảm thiểu sự lây lan của COVID-19, vừa tạo sự thoải mái dễ chịu cho khách bay, nút thắt nằm ở chỗ làm thế nào để việc xét nghiệm có chi phí thấp hơn. Đồng thời, làm thế nào để khách bay nội địa không quá ngần ngại vấn đề này: “Tốt nhất, Bộ Y tế vẫn nên quy định là không bắt buộc xét nghiệm đối với khách hàng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Nhưng hàng không có thể tổ chức xét nghiệm thêm tại sân bay, chấp nhận chi 100% hoặc hạ một phần chi phí xét nghiệm cho khách hàng”, bà Lan tư vấn.

Trong khi đó, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống cho biết, ông khá quan ngại trước quy định không xét nghiệm đối với những hành khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Ông Tống đánh giá cao việc xét nghiệm trước mỗi chuyến bay và khẳng định điều này là thực sự cần thiết. Với tình hình dịch diễn biến có chiều hướng phức tạp hơn “dữ dội” hơn, vẫn phải cần có quy định bắt buộc xét nghiệm. Diễn giải cho nhận định này, ông nói: “Những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine rồi khi nhiễm COVID-19 thì nguy hại cho bản thân họ thấp, nhưng rõ ràng sự nguy hại cho cộng đồng là vẫn rất lớn. Ví dụ tôi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đi chung máy bay với F0 khác cũng đã tiêm 2 mũi. Tôi sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm COVID-19. Và dù cả tôi và F0 kia ở thể nhẹ, hoàn toàn không nguy hại đến tính mạng, nhưng tôi lại mang COVID-19 về lây cho gia đình tôi và cho cộng đồng. Như vậy là không được”.

Ông Tống nêu quan điểm, phiền toái cho khách bay nội địa không phải đến từ việc xét nghiệm. Thậm chí điều này còn là việc làm cần thiết, tạo sự an tâm cho khách hàng khi chọn phương thức di chuyển này. Chi phí này cũng không cao đến mức trở thành vấn đề cản trở khách bay, dù vậy, cách tích cực để giải quyết vấn đề này đó là các hãng bay chịu chi phí xét nghiệm.

Xét nghiệm nhanh COVID-19 với khách bay nội địa: Nên hay không? - 2

Xét nghiệm nhanh ở sân bay Nội Bài. (Ảnh: VNE).

Cũng theo ông Tống, sự phiền toái nằm ở chỗ các địa phương (điểm đến) có những quy định ngặt nghèo về cách ly. “Quan trọng là đừng có gây phiền hà cho hành khách ở những nơi đến, đừng bắt người ta cách ly là được, bởi họ đã tiêm 2 mũi vaccine và có xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay rồi”.

Chung quan điểm ủng hộ việc xét nghiệm với hành khách bay nội địa, PGS - bác sĩ Đỗ Văn Dũng, Trường đại học Y dược TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn chính sách phục hồi kinh tế của TP.HCM, phát biểu trên báo chí rằng, trong giai đoạn này, tất cả khách bay nội địa cần phải xét nghiệm COVID-19. Ông Dũng cho rằng, trong bối cảnh này, yêu cầu xét nghiệm và cần có kết quả âm tính mới được bay đối với tất cả khách bay nội địa là phù hợp với tình hình hiện nay. "Nếu không làm tốt công tác kiểm soát dịch cho khách bay, dịch lại bùng phát, hậu quả sẽ khôn lường và việc xử lý F0 tại sân bay hoặc trên tàu bay sẽ phức tạp và tốn kém. Đó là chưa kể việc mang F0 từ nơi này đến nơi khác sẽ nhanh chóng làm đổi màu cấp độ dịch. Nhiều vùng sẽ biến thành vùng vàng, vùng đỏ, đồng nghĩa với việc buộc phải phong tỏa, cách ly hoặc hạn chế đi lại, sản xuất kinh doanh", ông Dũng phân tích.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định việc không xét nghiệm với hành khách đã tiêm 2 mũi vaccine là phù hợp trong bối cảnh hiện tại.

Tiến sĩ Hùng cho rằng, điều cần sợ nhất là những ca COVID-19 nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên vaccine đã ngăn chặn phần lớn nguy cơ này, đồng thời hình thành miễn dịch cộng đồng nên không cần quá phải e dè.

Mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không gửi công văn lấy ý kiến các hội viên là hãng bay hoặc doanh nghiệp trong hệ sinh thái hàng không góp ý về các biện pháp phòng, kiểm soát dịch là hành động có trách nhiệm cao với chính khách hàng của mình và với cộng đồng, đất nước.

Các hãng hàng không kiến nghị chính quyền cơ sở cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm những người không thực hiện 5K. Đồng thời, cần quy định bắt buộc tất cả khách bay nội địa phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi bay. Quy định này sẽ làm tăng chi phí cho khách bay, nhất là khi mùa cao điểm tết Dương lịch và tết cổ truyền đang đến gần. Nhưng kinh phí phải chi thêm hơn 100.000 đồng cho mỗi lần bay sẽ là quá nhỏ nếu so với sức khỏe của mỗi người, của cộng đồng và càng không đáng kể so với thiệt hại kinh tế rất lớn mà mỗi F0 gây ra.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để đơn giản, thuận tiện cho khách và tránh ùn ứ xét nghiệm tại cảng hàng không trong bối cảnh vừa tăng các chuyến bay nội địa và chuẩn bị đón khách quốc tế, các hãng, các cảng hàng không cần tăng cường phối hợp với ngành y tế địa phương để xét nghiệm nhanh cho cho khách. Kết quả xét nghiệm nên trả online, trên những ứng dụng chuyên ngành như PC Covid. Khách không phải cập nhật, khai báo kết quả test khi bay. 

CÔNG HIẾU
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp