Xếp hạng ngân hàng rồi không công khai sẽ nguy hiểm hơn

Kinh tếThứ Hai, 18/09/2017 16:53:00 +07:00

Các ngân hàng sẽ được xếp hạng vào hạng A (tốt), hạng B (khá), hạng C (trung bình), hạng D (yếu) hoặc hạng E (yếu kém) và các chuyên gia cho rằng cần công khai nếu không sẽ nguy hiểm.

Thạc sỹ Trần Minh Hiệp, Giảng viên Tổ thuế - tài chính - ngân hàng, Khoa Luật thương mại Trường đại học Luật TP.HCM cho rằng nếu như xếp hạng ngân hàng rồi không công khai sẽ nguy hiểm hơn.

Ông Hiệp cho rằng, nếu mục đích của việc xếp hạng tổ chức tín dụng chỉ để làm căn cứ cho Ngân hàng Nhà nước quản lý, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng thì không cần thiết.

Xếp hạng ngân hàng rồi không công khai sẽ nguy hiểm hơn - Ảnh 1.

Đồ họa: Tấn Đạt

Theo thông lệ quốc tế, việc xếp hạng tổ chức tín dụng nói riêng và bất kỳ một tổ chức kinh tế nào nói chung có ý nghĩa để nâng cao uy tín, năng lực của tổ chức đó trước khách hàng và thường được thực hiện bởi các tổ chức xếp hạng độc lập.

Theo ông Hiệp, mỗi tổ chức xếp hạng sẽ đưa ra các bộ tiêu chí xếp hạng khác nhau. Người nhận thông tin tự mình đánh giá mức độ tin cậy của bảng xếp hạng được công bố.

Vì thế, ông Hiệp đề xuất Ngân hàng Nhà nước không nên xếp hạng các tổ chức tín dụng do chất lượng của việc xếp loại chưa được bảo đảm chính xác, chủ yếu dựa vào kết quả tự xếp loại do các tổ chức tín dụng báo cáo.

"Nếu đã tổ chức đánh giá xếp hạng các tổ chức tín dụng thì phải công bố thông tin này một cách công khai và minh bạch, bởi tính nhạy cảm của việc rò rỉ thông tin còn tác động nguy hiểm hơn" Thạc sĩ Trần Minh Hiệp.

Cần công khai "sức khỏe" của các ngân hàng 

Chuyên gia ngân hàng Bùi Kiến Thành cho rằng việc công khai "sức khỏe" của ngân hàng để người dân biết nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền và cả khách vay tiền.

Chẳng hạn như người gửi tiền biết NH này hoạt động lành mạnh, quản trị điều hành tốt thì họ yên tâm gửi tiền vào bởi gửi tiền tiết kiệm cũng là một cách đầu tư.

Còn đối với doanh nghiệp là khách vay tiền thì khi cần 100 tỉ đồng đầu tư cho thương vụ làm ăn cũng phải biết thanh khoản của ngân hàng mà họ định vay ra sao.

Còn nếu không biết tình hình ngân hàng này trước đây, hiện tại và tương lai làm ăn ra sao, chất lượng hoạt động của ngân hàng như thế nào thì rất khó.

"Đối với người gửi tiền thì công ty này sẽ đứng ra trả tiền mà nhà nước bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi cho chủ tài khoản. Mỗi năm, ở Mỹ có hàng trăm ngân hàng bị giải thể. Đây là chuyện hết sức bình thường ở các nước". Chuyên gia Bùi Kiến Thành

Ông Thành lấy ví dụ ở Mỹ, khi Ngân hàng Trung ương đi thẩm tra các ngân hàng thương mại, nếu thấy ngân hàng nào có tỉ lệ an toàn vốn, nợ xấu... ở mức vượt quá quy định sẽ bị đóng cửa ngay.

Khi đó công ty bảo hiểm tiền gửi sẽ có trách nhiệm soi lại tình hình tài chính của ngân hàng bị đóng cửa, như lỗ thế nào, vốn còn bao nhiêu... để tìm cách giải quyết.

Video: 14 năm 'làm mưa làm gió' ngành ngân hàng của Trầm Bê

Trường hợp thấy ngân hàng bị đóng cửa có khả năng phục hồi thì công ty bảo hiểm tiền gửi sẽ tìm một ngân hàng khác mua lại, còn nếu tình hình tài chính quá bê bết sẽ cho phá sản luôn.

"Đối với người gửi tiền thì công ty này sẽ đứng ra trả tiền mà nhà nước bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi cho chủ tài khoản. Mỗi năm, ở Mỹ có hàng trăm ngân hàng bị giải thể. Đây là chuyện hết sức bình thường ở các nước", ông Thành nói.

 Chị Võ Châu Thủy Triều (người gửi tiền, quận Bình Tân, TP.HCM)

"Tôi hiểu là Ngân hàng Nhà nước khi công bố như vậy sẽ gây thêm khó cho các ngân hàng nhỏ vì khách hàng sẽ chỉ gửi tiền và vay vốn ở các ngân hàng hạng A.

Do vậy, thay vì Ngân hàng Nhà nước tự đánh giá xếp hạng thì nên tạo điều kiện cho các tổ chức đánh giá độc lập hoạt động để người dân có thông tin tham chiếu mà không ảnh hưởng đến hoạt động của cả hệ thống" .Chị Võ Châu Thủy Triều (người gửi tiền, quận Bình Tân, TP.HCM).

(Nguồn: Tuổi Trẻ)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn