Xem video người Đức nhường đường xe cứu thương: Ở VN, bệnh nhân chỉ có nước chờ chết

Thời sựThứ Hai, 19/01/2015 12:09:00 +07:00

Có trường hợp bị tai nạn, nếu xe cứu thương chở theo cán bộ y tế đến hiện trường nhanh chỉ tích tắc thôi là cứu được nạn nhân.

(VTC News) – Có trường hợp bị tai nạn, nếu xe cứu thương chở theo cán bộ y tế đến hiện trường nhanh chỉ tích tắc thôi là cứu được nạn nhân.

Một video ghi lại cảnh hàng trăm ô tô trên 1 tuyến đường cao tốc của nước Đức nhanh chóng dạt vào 2 bên lề đường để nhường khoảng trống cho chiếc xe cứu hộ tiếp cận hiện trường vụ tai nạn phía trước được truyền đi trên mạng internet đã thu hút sự chú ý của dư luận tại Việt Nam.

Nhiều người tỏ ra nể phục trước cách hành xử và văn hóa tham gia giao thông của người Đức. Nhưng cũng nhiều người ngán ngẩm khi so sánh các xe cứu thương của Việt Nam phải vật lộn giữa rừng người trên phố để đi cứu người.

* Thượng tá Lê Đức Đoàn - Công dân ưu tú thủ đô Hà Nội, nguyên chiến sĩ Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội:

- Ông đánh giá thế nào về cách hành xử của người Đức trong video nói trên?

Thượng tá Lê Đức Đoàn
Tôi từng ở châu Âu nhiều năm và rất hiểu văn hóa của họ. Họ cư xử với nhau rất văn hóa, bằng sự nồng ấm tình người. Khi ai đó gặp khó khăn, gặp sự cố trong cuộc sống họ đều bắt tay vào giúp đỡ lẫn nhau.

Trong lĩnh vực giao thông, người châu Âu có sự nhường nhịn nhau rất tuyệt vời. Trên các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, xe bus… mọi người xếp hàng rất trật tự.

Trên các phương tiện này, thanh niên và những người khỏe mạnh đều tự giác nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ… mà không cần ai phải hỏi, phải nhắc nhở gì cả.

Hình ảnh hàng trăm ô tô nhường đường cho xe cấp cứu mà chúng ta đang nói tới ở đây cũng là điều thường thấy và thể hiện lối sống văn minh ở châu Âu và một số nước phát triển khác. Đó là điều đáng để chúng ta phải học hỏi. 

- Từ cách hành xử của người Đức, có thể so sánh thế nào về văn hóa giao thông của người Việt?

Trước hết, cần phải nói là văn hóa giao thông ở nước ta còn rất kém. Có thể thấy rõ nét nhất là ở các ngã ba ngã tư, dù đèn đỏ bật thì nhiều người vẫn cố tình vượt như thường. Bên cạnh đó, nhiều người còn điều khiển xe trèo qua dải phân cách, nơi có hàng rào thì họ còn phá bỏ để đi tắt cho nhanh.

Trường hợp đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố, lại không có cảnh sát phân luồng thì cảnh tượng rất khủng khiếp. Mọi người không ai chịu nhường ai, mạnh ai người ấy đi miễn là được việc của họ. Điều đó khiến giao thông trở nên ùn tắc, hỗn loạn.

- Ông có từng chứng kiến việc các xe cứu thương chở người đi cấp cứu hú còi nhưng không ai nhường đường?

Có những nơi, có những lúc khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông thì người đi đường vẫn có những cách ứng xử không đúng chuẩn mực. Chính vì vậy mà gây khó khăn, làm chậm trễ trong vấn đề cứu hộ, cứu nạn. 

Chẳng hạn nhiều người không chịu nhường đường cho xe cấp cứu. Khi xe cứu thương gặp lúc đường đông mà chẳng ai chịu nhường ai.
 Xe cứu thương "mắc kẹt" giữa dòng phương tiện chật cứng là điều không hiếm gặp ở Việt Nam. Ảnh: VNE

Có trường hợp bị tai nạn, nếu xe cứu thương chở theo cán bộ y tế đến hiện trường nhanh chỉ tích tắc thôi là cứu được nạn nhân. Nhưng chỉ vì tắc đường, chẳng ai chịu nhường mà xe cứu thương tới chậm và nạn nhân đã tử vong.

Bên cạnh đó, nhiều người còn dừng xe để đứng xem. Thậm chí, có trường hợp người ta còn chạy tới “hôi của”. Tôi lấy vị dụ, cách đây không lâu, trong Sài Gòn có xe tải chở bia đổ ra đường. Nhiều đi đường khi đó đã dừng lại để lấy bia của người gặp nạn. 

Nếu ở Châu Âu thì điều này sẽ không xảy ra, họ sẽ xúm vào để giúp tài xế thu gom bia. Như vậy vừa có lòng tốt giúp người bị nạn, lại nhanh chóng giải tỏa tắc đường. Còn ở Việt Nam, nhiều người lại cứ coi như đó là của trên trời rơi xuống, rồi đi lấy của người ta.

Những điều nói trên không chỉ phản cảm, gây nguy hiểm tới tính mạng người tham gia giao thông mà còn thể hiện sự vô cảm của một bộ phận người dân. Đây không chỉ là vấn đề văn hóa giao thông, mà đó là vấn đề văn hóa nói chung, là ý thức của người dân.

 

Chỉ vì tắc đường, chẳng ai chịu nhường mà xe cứu thương tới chậm và nạn nhân đã tử vong.
Thượng tá Lê Đức Đoàn
 
- Hiện nay chúng ta có chế tài xử phạt đối với người không nhường đường, cản trở các phương tiện ưu tiên hay không, thưa ông?

Chúng ta có chế tài xử phạt người không nhường đường xe ưu tiên. Tuy nhiên, việc xử phạt này là rất khó, thậm chí là không phạt được, đặc biệt là trường hợp cản trở xe cứu thương. Bởi khi xử phạt, người ta sẽ nói là do đường đông, họ không thể di chuyển đi đâu để nhường đường cả.

- Theo ông, vấn đề cơ sở hạ tầng, đường xá của nước ta có phải là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông hay không?

Hệ thống hạ tầng giao thông của chúng ta sẽ dần dần sẽ tốt lên. Nhưng quan trọng là ý thức của mỗi người. Nếu đường xá tốt mà ý thức người dân còn kém thì tắc đường vẫn xảy ra, giao thông còn lộn xộn.

Muốn giao thông tốt lên thì mỗi người dân phải có ý thức tự giác chấp hành luật pháp. Khi gặp phương tiện ưu tiên, trong đó có xe cứu thương, cứu hỏa… thì người dân phải đặt mình vào hoàn cảnh của người đang gặp hoạn nạn đang cần được cấp cứu khẩn cấp.

Hãy thử suy nghĩ khi mình và người thân không may gặp nạn cần được đưa tới bệnh viện gấp mà người khác không chịu nhường đường thì mình mong muốn điều gì?

* Ông Nguyễn Văn Chánh – Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội:

- Các xe cấp cứu của Trung tâm có hay gặp phải cảnh tắc đường, người dân không chịu nhường đường hay không, thưa ông?

Tắc đường là điều khó tránh khỏi, nhất là vào giờ cao điểm. Bây giờ đến các ngã tư, người ta cứ tràn hết cả ra. Nếu có ai đó muốn nhường cho mình cũng không nhường được. Khi gặp hoàn cảnh đó, tất nhiên là lái xe cấp cứu phải kiên nhẫn, đành phải đi chậm một chút chứ biết làm thế nào được.

- Tại Hà Nội, đã có trường hợp nào tử vong vì tắc đường, xe cấp cứu tới bệnh viện chậm hay không?

Điều này tôi không đánh giá được vì chưa có nghiên cứu, thống kê nào về vấn đề này cả. Tuy nhiên, việc tắc đường và xe cứu thương phải chạy chậm là điều khó tránh khỏi. 

- Ông có suy nghĩ gì khi tại Đức, hàng trăm ô tô trên đường quốc lộ đều dạt hết vào lề đường để nhường đường cho xe cấp cứu tới hiện trường một vụ tai nạn?

Ý thức giao thông của người dân nước mình còn rất kém. Nhưng tôi cho rằng, ở nước ta, không phải người dân ai cũng cố tình chắn đường mình (xe cấp cứu) đâu. Họ cũng sẽ phải nhường đường thôi. Tất nhiên, cá biệt có trường hợp họ làm như vậy. Điều đó là rất khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, điều kiện hạ tầng giao thông của mình cũng khác, chưa bằng được các nước phát triển. Như tôi đã nói, khi đường đã tắc, có người muốn nhường đường cũng không nhường được. 

Video: Người Đức nhường đường cho xe cấp cứu


- Ông có cho rằng, nếu ý thức tham gia giao thông của người dân tốt lên thì cảnh tắc đường sẽ không xảy ra hay không?

Cơ sở hạ tầng là một phần, ý thức giao thông là một phần. Nếu ý thức của người dân được nâng lên thì đương nhiên là tình trạng giao thông sẽ tốt lên.

Dù đường của chúng ta có hẹp, người có đông, nhưng người ta đi trật tự, đi theo hàng theo lối thì sẽ không xảy ra tắc đường. Xe cứu thương có phải dừng thì cũng chỉ phải dừng vài phút đèn đỏ mà thôi.

Còn nếu người dân cứ chen lên thì đường sẽ bị tắc, xe ưu tiên cũng chẳng thể đi được. Dù đường xá có rộng hơn một chút mà người dân cứ đi nghênh ngang thì cũng gây cản trở giao thông.

- Trung tâm cấp cứu 115 đã từng có đề xuất gì với các cơ quan chức năng để giải quyết tình trạng này hay không?

Chúng tôi cũng chỉ mong mọi người chấp hành tốt luật giao thông thôi. Mọi người chấp hành luật giao thông đường bộ là tốt lắm rồi. Cơ sở hạ tầng thì phải từng bước mới được cải thiện.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn