Xe thiết giáp cứu thương Việt Nam tại Nam Sudan

Quân sựThứ Năm, 03/02/2022 07:30:00 +07:00
(VTC News) -

Xe thiết giáp BTR-152 hoán cải được đánh giá là “trợ thủ đắc lực” cho những người lính Mũ nồi xanh Việt Nam trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở Nam Sudan.

Nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình thu dung thương bệnh binh cũng như chính lực lượng cứu thương trong quá trình tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, ngay từ những ngày đầu, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam (GGHB) đã đề xuất biên chế xe thiết giáp cứu thương cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. Đề xuất này được Phái bộ Liên Hợp Quốc (LHQ) nhất trí, với điều kiện phương tiện này phải được Phái bộ đánh giá, kiểm tra trước khi đi vào hoạt động.

Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự (KTCGQS) thuộc Tổng cục Kỹ thuật được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ chế tạo một mẫu xe thiết giáp cứu thương dành riêng cho Bệnh viện dã chiến cấp 2, đáp ứng được các yêu cầu của Phái bộ LHQ.

Trước đó, Bộ Quốc phòng đã tìm hiểu một mẫu phương tiện thiết giáp cứu thương của Đức, nhưng giá thành khá cao. Trong khi đó, việc chế tạo một mẫu xe thiết giáp cứu thương hoàn toàn mới, về cơ bản sẽ khó có thể thực hiện với công nghệ hiện có trong nước. Vì vậy, Tổng cục Kỹ thuật đưa ra phương án hoán cải một trong số dòng xe thiết giáp đang có trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Xe thiết giáp cứu thương Việt Nam tại Nam Sudan - 1

Xe thiết giáp chở quân BTR-152 được hoán cải phục vụ Đội công binh tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc.

Trợ thủ đắc lực

Sau khi đánh giá nhiều dòng xe thiết giáp, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự quyết định sử dụng xe thiết giáp chở quân BTR-152 để hoán cải thành xe thiết giáp cứu thương phục vụ Bệnh viện dã chiến cấp 2.

Còn về việc lựa chọn BTR-152 cho một nhiệm vụ đặc biệt như cứu thương chiến trường được đánh giá dựa trên các cơ sở khoa học, với sự tham vấn từ Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), Bệnh viện Quân y 175 và các cơ quan chức năng. Kết quả cho thấy, phương tiện thiết giáp này có các tính năng kỹ chiến thuật phù hợp với yêu cầu đặt ra.

Thiếu tá Đinh Văn Thanh, Phân đội trưởng Phân đội 2 thuộc Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam cho biết, chiếc xe này được hoán cải từ xe thiết giáp BTR-152 có trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vai trò chính của xe là vận chuyển quân ra ngoài khu vực đóng quân của Phái bộ để thực hiện nhiệm vụ, cũng như thu dung những quân nhân bị thương, sau đó chuyển lên các cơ sở quân y như Bệnh viện dã chiến số 2 hoặc các trung tâm y tế tuyến trên.

Xe thiết giáp cứu thương Việt Nam tại Nam Sudan - 2

Xe thiết giáp cứu thương BTR-152 hoán cải hoạt động ở Bệnh viện dã chiến số 2 của Việt Nam tại phái bộ Liên Hợp Quốc ở miền Nam Sudan. (Ảnh: Cục Gìn giữ Hòa bình)

Những nâng cấp cải tiến trên nhóm xe thiết giáp BTR-152 hoán cải đang được biên chế cho Cục GGHB Việt Nam đều được chế tạo dựa trên các cơ sở tiêu chuẩn do Phái bộ Liên Hợp Quốc đưa ra. Do đó, cả 2 phương tiện này đáp ứng tốt các yêu cầu cho hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ tích cực việc xây dựng các bệnh viện dã chiến cấp 1, cấp 2 và cấp 3 của Việt Nam tại Phái bộ.

Để thực hiện các nhiệm vụ nói trên, xe thiết giáp cứu thương BTR-152 được tích hợp rất nhiều loại trang thiết bị phục vụ việc sơ cứu ban đầu cho thương bệnh binh. Phương tiện này đã chứng minh được độ tin cậy sau một thời gian hoạt động ở Phái bộ Liên Hợp Quốc.

Chế tạo trong 3 tháng

Đại tá, Tiến sĩ Trần Hữu Lý, Viện trưởng Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự, Chủ nhiệm đề tài ''Nghiên cứu cải tiến xe thiết giáp bánh lốp BTR-152 thành xe thiết giáp cứu thương phục vụ lực lượng GGHB'' cho biết, từ khi nhận nhiệm vụ nghiên cứu đến khi bàn giao sản phẩm cho Cục GGHB Việt Nam chỉ có 3 tháng.

Được biết, dù chỉ là cải hoán và thay đổi một phần thiết kế của BTR-152, nhưng mẫu xe mới vẫn phải bảo đảm tốt các tính năng kỹ chiến thuật đề ra, đạt các tiêu chuẩn quy định của LHQ, đáp ứng các điều kiện hoạt động và tác chiến, dễ dàng sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, sữa chữa; bảo đảm an ninh, an toàn về con người và trang bị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Xe thiết giáp cứu thương Việt Nam tại Nam Sudan - 3
Xe thiết giáp cứu thương Việt Nam tại Nam Sudan - 4

Việc hoán cải BTR-152 được nhóm đề tài thuộc Viện Kỹ thuật Cơ giới Quân sự thực hiện với các công nghệ sẵn có trong nước

Về kết cấu, xe phải có chỗ cho từ 1 đến 2 vị trí nằm cứu thương, 2 vị trí ngồi cho thương binh và kíp cứu thương; có khả năng mở rộng tối đa vị trí nằm và ngồi cho thương binh trong trường hợp cần thiết phục vụ chở quân hoặc cứu thương. Không gian bên trong xe có chiều cao tối thiểu để nhân viên y tế có chiều cao hơn 1,7m đứng thao tác bình thường.

Một điểm khá quan trọng là xe phải có khả năng chống đạn các loại súng bộ binh (tiểu liên, súng trường, súng ngắn…) đến đạn 7,62mm.

Từ yêu cầu về tính năng kỹ thuật, chiến thuật, lắp đặt các trang thiết bị y tế và thực hiện nhiệm vụ của xe, các cán bộ, kỹ sư Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự đã nỗ lực nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, tạo sản phẩm đáp ứng các yêu cầu.

Nhóm đề tài của Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự đã nghiên cứu, áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới để tích hợp lên xe BTR-152 hoán cải. Sản phẩm được thử nghiệm kỹ từng cụm, hệ thống và đạt các chỉ tiêu kỹ thuật. Xe đã thử nghiệm trên quãng đường hơn 2.000km với nhiều loại địa hình khác nhau và đều đạt các yêu cầu, khẳng định tính năng việt dã, tính năng thông qua cao, khả năng vượt cản tốt, rất phù hợp cho thực hiện nhiệm vụ GGHB tại Nam Sudan.

Xe thiết giáp cứu thương Việt Nam tại Nam Sudan - 5
Xe thiết giáp cứu thương Việt Nam tại Nam Sudan - 6

Bên cạnh việc mở rộng khoang chở quân, khả năng chống đạn của xe cũng được tăng lên đáng kể.

Để tăng khả năng bảo vệ của BTR-152, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự đã ứng dụng công nghệ hàn vỏ thép chống đạn cho phần thân xe được mở rộng, đi kèm với đó là kính chống đạn, camera ảnh nhiệt hỗ trợ lái xe và chỉ huy, thiết bị định vị vệ tinh kết hợp bản đồ số. Ngoài ra, xe cũng được tích hợp thêm hệ thống điều hòa chuyên dụng làm việc tốt trong điều kiện nhiệt độ bên ngoài tới 55 độ C, bụi đất dày đặc.

Sau khi hoàn thành các nghiệm thu cấp cơ sở và cấp Bộ Quốc phòng, xe thiết giáp cứu thương BTR-152 được Phái bộ GGHB của LHQ kiểm nghiệm, đánh giá hợp chuẩn quốc tế và đưa vào hoạt động ngay sau đó, tham gia các nhiệm vụ của lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam ở Nam Sudan.

Thành công của xe thiết giáp cứu thương BTR-152 tạo tiền đề quan trọng để Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự tiếp tục phát triển các nhóm phương tiện cơ giới được cải hoán cho đơn vị Công binh số 1 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, bao gồm: Xe thiết giáp cứu thương; xe thiết giáp chở quân (cũng được hoán cải từ BTR-152); xe công trình bảo dưỡng, sửa chữa nhà xưởng; xe công trình bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, xe máy, xe hút chất thải; các loại rơ moóc chở dầu, chở nước.

Riêng nhóm xe thiết giáp cải hoán từ BTR-152 cũng đã được nghiên cứu và nâng cấp, hoàn thiện hơn so với phiên bản trước đó, với nhiều cải tiến đi kèm tính năng mới.

Trà Khánh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn