Xe tăng hạng nhẹ T-60: Vũ khí huyền thoại của Liên Xô trong Thế chiến II

Quân sựThứ Bảy, 19/12/2020 14:13:00 +07:00
(VTC News) -

Do thiếu xe tăng hạng trung và hạng nặng, Liên Xô đã sử dụng tăng hạng nhẹ T-60 trên nhiều mặt trận trong giai đoạn đầu Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Trước thời điểm diễn ra Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941-1945), Hồng quân Liên Xô sử dụng một số xe tăng lội nước hạng nhẹ như T-37, T-38, T-40. Mục đích chính là trinh sát và hỗ trợ các đơn vị bộ binh khi vượt chướng ngại vật dưới nước. Các phương tiện này lần đầu tiên được sử dụng làm xe tăng lội nước trong chiến tranh Liên Xô-Phần Lan.

Trong giai đoạn đầu tiên của Chiến tranh Vệ quốc, những cỗ máy của Liên Xô, trang bị súng máy và áo giáp mỏng chống đạn, bắt đầu chiến đấu trong đội hình xe tăng bộ binh thông thường. Tuy nhiên, kết quả chiến đấu trên chiến trường rất đáng thất vọng.

Xe tăng hạng nhẹ T-60: Vũ khí huyền thoại của Liên Xô trong Thế chiến II - 1

Xe tăng hạng nhẹ T-60 duyệt binh trên Quảng trường Đỏ tháng 11/1941. 

Sau đó, vai trò xe tăng lội nước được giao cho T-34 và T-50 đảm nhận. Nhà máy số 37 ở Matxcơva được lệnh chuyển từ sản xuất xe tăng T-40 sang xe tăng T-50 tiên tiến hơn. T-50 đã có thể trở thành một trong những xe tăng hạng nhẹ tốt nhất, nếu cuộc chiến ác liệt không ngăn cản việc sản xuất rộng rãi dòng xe này.

Kiến trúc sư chính của Nhà máy số 37 Nikolai Aleksandrovich Astrov, người phụ trách chế tạo và tổ chức sản xuất xe tăng lội nước, hiểu rõ rằng việc chuyển đổi nhanh chóng từ sản xuất T-40 sang sản xuất T-50 là điều không thể thực hiện được.

Astrov sau đó đã quyết định cải tiến T-40 và biến nó thành một xe tăng hạng nhẹ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của mặt trận.

Theo đó, xe tăng mới, được gọi là T-30 chính là chiếc T-40 lội nước được chuyển đổi thành xe tăng trên mặt đất. Tổng cộng 200 chiếc đã được sản xuất trong tháng 9/1941 và thêm 138 được chế tạo vào tháng 10 năm đó. Trong số này, 308 xe tăng đã được điều đến mặt trận bảo vệ Matxcơva. Năm 1942, nhà máy chế tạo trên tiếp tục sản xuất thêm 247 chiếc xe tăng khác tại Kirov.

Do các yêu cầu chiến đấu ở mặt trận, các nhà máy sản xuất của Liên Xô phải tiến hành tăng cường lớp giáp bảo vệ cho tăng T-40. Dòng xe cải tiến này được gọi là T-60.

Xe tăng mới này khác với T-30 ở hình dáng thấp hơn. Kích thước của tháp pháo giảm đáng kể và lớp giáp của xe được tăng lên. Ở khoảng cách lên đến 500 m, pháo tự động của T-60 có thể xuyên thủng giáp của xe tăng hạng trung đối phương. Số lượng đạn dự trữ của T-60 lên tới 752 viên.

T-60 được trang bị thêm vũ khí bổ sung là súng máy DT-29 được lắp vào tháp pháo (băng đạn có 15 đĩa, với sức chứa 63 viên/đĩa). T-60 được trang bị động cơ 70 mã lực. Tốc độ tối đa đạt 42 km/h. Kíp lái gồm 2 người.

Do thiếu xe tăng hạng trung và hạng nặng nên T-60 được sử dụng trên chiến trường từ giai đoạn đầu Chiến tranh Vệ quốc đến cuối năm 1942. Trong các trận đánh xe tăng, T-60 ngày càng có ít cơ hội đối đầu với xe tăng đối phương. Nhưng chúng gây nhiều khó khăn cho bộ binh và pháo tự hành hạng nhẹ, loại xe tăng cơ động khác của quân Phát xít.

Xe tăng hạng nhẹ T-60: Vũ khí huyền thoại của Liên Xô trong Thế chiến II - 2

T-60 có tốc độ 42 km/h, kíp lái gồm 2 người.

Vì vậy, Tư lệnh Lực lượng Thiết giáp Liên Xô M.E. Katukov viết trong cuốn hồi ký, tại các trận đánh ở hướng Voronezh vào mùa hè năm 1942, hai chiếc T-60, ẩn nấp trên cánh đồng lúa mạch, đã lao tới tấn công phía sau bộ binh Đức khiến kẻ thù phải bỏ chạy.

T-60 hạng nhẹ sau đó ngày càng ít đi và nhường chỗ cho dòng xe tăng T-70 và T-80 mạnh hơn. Đồng thời, sự phát triển nhanh chóng của vũ khí chống tăng đã làm cho xe tăng hạng nhẹ dễ bị tiêu diệt. Do đó, việc sản xuất loại xe bọc thép này của Liên Xô bị ngừng vào năm 1943.

Một trong những hoạt động trên chiến trường cuối cùng mà tăng T-60 tham gia với số lượng lớn là trận đánh phá vòng phong tỏa Leningrad vào tháng 1/1944. Sau đó, các xe tăng T-60 tiếp tục được biên chế riêng lẻ trong quân đội Liên Xô, nhưng do tính chất dễ bị tổn thương nên chúng ít được sử dụng. Trên cơ sở T-60, Liên Xô đã cải tiến sản xuất thành các máy kéo và tên lửa tự hành.

Đình Nguyễn(Nguồn: Rambler.ru)
Bình luận
vtcnews.vn