Xe tải cán chết cả đàn bò: Lái xe có phải bồi thường?

Pháp luậtThứ Ba, 21/07/2015 05:34:00 +07:00

Xác bò chết nằm rải rác trên một đoạn đường dài khoảng 20m và cả trong gầm xe tải.

(VTC News) - Xác bò chết nằm rải rác trên một đoạn đường dài khoảng 20m và cả trong gầm xe tải.

Mới đây, một số thành viên mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh về việc chiếc xe tải cán phải một đàn bò khi đang chạy trên đường. Sự việc được cho là xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Bình vào sáng 19/7.

Hình ảnh cho thấy, có ít nhất 6 con bò đã bị xe tải cán chết tại chỗ. Xác bò nằm rải rác trên một đoạn đường dài khoảng 20m và cả trong gầm xe tải.

Hiện trường xe tải cán chết ít nhất 6 con bò. Ảnh: Otofun

Chứng kiến hình ảnh này, nhiều người thắc mắc rằng liệu tài xế xe tải có phải bồi thường hay hỗ trợ cho chủ sở hữu của những con bò đã chết hay không?

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VTC News đã phỏng vấn Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla, Hà Nội.

- Trong trường hợp này, nếu điều khiển phương tiện đúng luật thì người tài xế xe tải có phải bồi thường cho chủ sở hữu những con bò đã chết hay không, thưa ông?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS và khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì xe tải là phương tiện giao thông vận tải cơ giới và là nguồn nguy hiểm cao độ. Người điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ trong trường hợp này đã gây ra thiệt hại cho chủ sở hữu đàn bò.

Theo khoản 3 Điều 623 BLDS 2005 thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại và thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Như vậy, đối với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ vẫn có thể phải bồi thường thiệt hại kể cả trong trường hợp không có lỗi.

Trong trường hợp này, kể cả khi người lái xe tải đã chấp hành đúng quy định an toàn giao thông đường bộ nhưng đã gây thiệt hại là đâm chết bò thì vẫn phải bồi thường thiệt hại, trừ 2 trường hợp sau đây.

Thứ nhất, thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại. Cụ thể, tại Điều 34 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định:

“Người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới”.

Như vậy trong trường hợp chủ sở hữu đàn bò cố ý không tuân thủ quy định này dẫn đến thiệt hại thì người lái xe tải sẽ không phải bồi thường.

Xác bò nằm trong gầm xe tải. Ảnh: Otofun

Thứ 2, thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trong trường hợp này đương nhiên người lái xe tải cũng không phải bồi thường.

- Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu tài xế xe tải vì chạy quá nhanh, không làm chủ được tốc độ, đâm chết đàn bò sẽ bị xử lý thế nào?

Trong trường hợp người lái xe có hành vi chạy quá nhanh, không làm chủ được tốc độ nghĩa là đã có sự vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ và ra gây thiệt hại thì sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 623 BLDS (Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra).

Ngoài ra, hành vi chạy quá tốc độ dẫn đến đâm chết đàn bò của người tài xế còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 Bộ luật hình sự về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Cụ thể, khoản 1 Điều 202 quy định: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.”.

Căn cứ theo hướng dẫn tại điểm e khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông thì:

“Điều 2. Một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt

1. Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 202 đến Điều 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220; khoản 2 các điều 206, 207, 216, 218, 219, 222, 223 Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:

e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ bảy mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.”.

Rõ ràng, hành vi chạy quá tốc độ của người lái xe tải là hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ. Do đó, nếu hành vi này dẫn đến thiệt hại về tài sản là sáu con bò bị đâm chết nếu có giá trị từ bảy mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng  thì ngoài việc bồi thường, người lái xe tải còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh như trên.

Trong trường hợp thiệt hại về tài sản chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì ngoài việc bồi thường, người lái xe tải sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông căn cứ theo quy định tại Nghị định 71/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 600.000 đồng – 800.000 đồng (quá tốc độ từ 05km/h đến dưới 10km/h); bị phạt từ 2.000.000 đồng – 3.000.000 đồng (quá tốc độ từ 10km/h – 20km/h); bị phạt từ 4.000.000 đồng – 6.000.000 đồng (quá tốc độ từ trên 20km/h – 35km/h); bị phạt từ 7.000.000 đồng – 8.000.000 đồng (quá tốc độ từ trên 35km/h)….

- Giả sử trong trường hợp này, xe tải bị lật và tài xế bị thương vong thì ai phải chịu trách nhiệm và trách nhiệm như thế nào?

Nếu xe tải bị lật và tài xế bị thương vong thì trong trường hợp này cả hai bên đều đã phải chịu thiệt hại. Trách nhiệm của mỗi bên trong trường hợp này được xác định tùy theo từng trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Người lái xe tải điều khiển xe đúng quy định về điều khiển phương tiện giao thông theo Luật giao thông đường bộ và các văn bản có liên quan còn chủ sở hữu của đàn bò không tuân thủ đúng quy định tại Điều 34 Luật giao thông đường bộ, không dắt hoặc cố ý cho đàn bò đi vào làn đường của xe tải … dẫn đến tai nạn.

Trong trường hợp này, chủ sở hữu đàn bò phải bồi thường cho người điều khiển xe tải căn cứ theo quy định tại Điều 625 về Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, đó là:

“Điều 625. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.

2. Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường;

4. Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”.

Ngoài ra, tại Điều 10, Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt có đề cập chi tiết tới việc xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ với mức phạt cao nhất là 120.000 đồng. Do đó, chủ sở hữu đàn bò còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định này.

Trường hợp 2: Người lái xe tải vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông và chủ sở hữu đàn bò cũng có lỗi cố ý dẫn đến thiệt hại:

Trường hợp này cả hai bên đều phải bồi thường cho nhau.

Bên cạnh đó, vì người điều khiển phương tiện cũng có lỗi dẫn đến thiệt hại nên người điều khiển phương tiện cũng phải bồi thường cho chủ sở hữu đàn bò.

Hai bên đều đã có hành vi vi phạm pháp luật nên đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo như các quy định đã phân tích ở trên.

Trường hợp 3: Người lái xe tải tuân thủ đúng quy định về điều khiển phương tiện giao thông, không có sự kiện bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết dẫn đến việc xe tải tông vào đàn bò, chủ sở hữu có lỗi cố ý dẫn đến thiệt hại.

Lúc này, chủ sở hữu đàn bò phải bồi thường thiệt hại cho người lái xe tải và chủ sở hữu của chiếc xe (nếu xe tải là do người lái xe thuê, mượn… của chủ sở hữu xe) căn cứ theo quy định tại Điều 625 về Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Chủ sở hữu đàn bò còn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi điều khiển, chăn dắt gia súc vi phạm luật giao thông như trích dẫn ở trên.

Trường hợp 4: Người lái xe tải điều khiển xe đúng quy định, chủ sở hữu cũng tuân thủ đúng quy định về điều khiển xúc vật trên đường, không có sự kiện bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại hoặc người lái xe tải điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông đường bộ.

Trong trường hợp này người điều khiển xe tải phải bồi thường cho chủ sở hữu đàn bò theo Điều 623 về Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra và có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 Bộ luật hình sự nếu thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội phạm như đã phân tích ở trên trong trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ.

- Đối với những người dân chăn thả gia súc thiếu kiểm soát, gây nguy hiểm cho người đi đường thì xử lý ra sao?

Việc gia súc di chuyển trên các tuyến quốc lộ gây bất an cho những người tham gia giao thông bởi người nông dân đôi khi không nhận thức được hết mối nguy hiểm của hành động chăn thả thiếu kiểm soát, trong khi đó việc xử phạt này lại không dễ dàng.

Video: Lật xe tải, lợn tháo chạy


Điều 10, Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt có đề cập chi tiết tới việc xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ với mức phạt cao nhất là 120.000 đồng.

Tuy nhiên, việc xử phạt các trường hợp vi phạm này là không dễ, do đa phần người chăn thả trâu, bò không mang theo giấy tờ tùy thân, tiền mặt, và nhìn chung điều kiện kinh tế rất khó khăn.

Trên thực tế, số lượng các vụ va chạm có liên quan tới gia súc được xử lý theo luật rất hiếm. Bởi thế, người tham gia giao thông trong hoàn cảnh này đều phải tự bảo vệ mình bằng cách chú ý quan sát hơn khi đi qua nơi có tập quán chăn thả gia súc.

Mặt khác, những trường hợp người chăn dắt gia súc không kiểm soát được hướng đi của gia súc đã dẫn đến tình trạng xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng và tài sản của nhiều người tham gia giao thông khác trên đường. Vậy nếu chỉ xử phạt hành chính thì hoàn toàn không thoả đáng, không có tính răn đe, giáo dục và không công bằng.

Quan điểm của cá nhân tôi là các cơ quan chức năng cần sớm thực hiện quyết liệt các giải pháp, đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xem xét trách nhiệm hình sự không chỉ của người điều khiển xe cơ giới mà phải của cả người chăn dắt gia súc.

Đây là việc làm cần thiết, hướng tới việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người chăn thả gia súc đối với vấn đề ATGT, góp phần mang tới sự bình yên cho mỗi người dân khi tham gia giao thông.

- Xin cảm ơn luật sư!

Minh Quyết(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn