Xe ôm, rau xanh, thịt, cá "xin trợ cấp" vì xăng tăng

Kinh tếThứ Ba, 13/03/2012 06:03:00 +07:00

(VTC News) - Hậu tăng giá xăng, giá cả nhiều loại hàng hóa đang bắt đầu đà tăng.

(VTC News) - Hậu tăng giá xăng, giá các mặt hàng tại nhiều chợ bán lẻ đang theo đà đi lên.Trong khi đó, giá xe ôm đã rục rịch tăng từ mấy ngày nay, không ít lái xe đang lo lắng lượng khách sẽ giảm do nhiều người chọn đi xe buýt.

Rau xanh, thực phẩm "ngấm đòn" xăng tăng giá

Dạo qua một số chợ lẻ trên địa bàn Hà Nội, những mặt hàng tươi sống như rau, củ, quả và hàng thực phẩm đang rục rịch tăng giá. do giá xăng, dầu tăng. Nhiều tiểu thương ở chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết: “Chi phí vận chuyển của nhiều loại hàng hóa, thực phẩm từ chợ đầu mối về đang bắt đầu nhích giá dần, khiến các mặt rau, củ cũng rục rịch tăng theo”.

Theo khảo sát của PV VTC News vào chiều 12/3,  tại một số chợ lẻ như chợ Thành Công (quận Ba Đình), chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chợ Nhà Xanh (Quận Cầu Giấy),…giá rau xanh, hoa quả, thực phẩm tăng giá nhẹ từ 5 - 7% so với những ngày trước đây.

Giá rau xanh, hoa quả đã tăng giá (Ảnh: Thành Công)

Cụ thể, rau muống có giá 7.000 đồng/mớ đến 8.000 đồng/mớ, tăng 2.000 – 3.000 đồng/mớ, cà chua 15.000 đồng/kg tăng 3.000 đồng/kg còn  bí xanh 12.000 đồng/kg tăng 2.000đồng/kg. Gạo Bắc Hương tăng 10.000 đồng/yến lên mức 170.000 đồng/yến. Giá thủy, hải sản như tôm, cá tăng giá thêm khoảng 5.000 – 10.000 đồng/kg.

Còn vợ chồng anh Đức Thắng (Phố Trần Huy Liệu – Hà Nội) phàn nàn: “Giá tăng không làm tôi sốc, vì tôi nghĩ còn tăng ghê hơn. Nhưng, chắc chắn còn tăng thêm một ít nữa. Trước đây, đi chợ một ngày hết khoảng 200.000 đồng thì nay không thể dưới 300.000 đồng, nếu muốn ăn đủ chất dinh dưỡng”.

Hiện tại, các loại thịt như thịt lợn, thịt gà, thịt bò vẫn chưa có biến động. Chị Hoa – Chủ quầy hàng thịt lợn tại chợ Nghĩa Tân cho biết, hiện tại phía cung ứng thịt chưa tăng giá, nhưng đã đánh tiếng trước sẽ đẩy giá lên khoảng 2.000 đồng/kg, vì giá xăng tăng sẽ kéo theo chi phí vận chuyển, tiền công vận chuyển và có thể cả giá thức ăn chăn nuôi có thể tăng theo.

Không chỉ rau xanh, thực phẩm mà các loại hoa quả cũng đang rục rịch tăng giá. Một số loại loại trái cây cao cấp như nho Mỹ, na, vú sữa... tăng từ 5.000 đồng/kg – 15.000 đồng/kg. Cụ thể nho Mỹ tăng từ 140.000 đồng/kg lên mức 160.000 đồng - 170.000 đồng/kg, giá na tăng từ 40.000 đồng/kg lên 55.000 đồng/kg.

Đi chợ những ngày này, các bà nội trợ lắc đầu ngao ngán vì giá cả đang ở mức cao thì nay thêm việc tăng giá xăng càng, giúp giá có đà “đội” lên. Bà Thu (Cư dân khu tập thể Nghĩa Tân) than thở: “Nhà tôi đã cắt hết các khoản có thể cắt để tiết kiệm chi tiêu, Nhưng, nay giá cả tăng thế này không biết làm thế nào nữa. Hôm thứ Bảy vừa mua 1kg vú sữa hết 35.000 đồng thì sáng nay đã vọt lên 45.000 đồng. Tôi mua 2kg mà thấy được tí tẹo”.

Xe ôm sợ mất khách

Lái xe ôm đã 5 năm nay, anh Tiến (Phúc Thọ - Hà Nội) đang lâm vào cảnh đau đầu, vì bài toán giá cả. Theo lời anh Tiến, thông thường sáng đầu tuần nhiều khách chọn đi xe ôm, nhưng sáng 12/3, lượng khách giảm đáng kể do nhiều người chọn đi xe buýt.

Anh Tiến cho biết: “Tôi chưa tăng giá, nhưng nhiều người đã nghĩ tăng rồi, nên mới chuyển sang đi xe buýt. Từ sáng đến trưa, mới có 1-2 khách chủ yếu là người đi ra bến xe, còn xung quanh chỗ tôi thường đứng không có ai gọi nữa. Thông thường, buổi sáng đầu tuần không dưới 5-6 khách”.

Cánh xe ôm đang phải tăng giá chậm để tránh mất khách

Được biết, với mức giá xăng hiện tại, nếu duy trì giá cũ, cánh xe ôm sẽ chịu thiệt, song nếu tăng giá ngay thì sẽ không phải là cách làm hay. “Tôi chưa dám tăng giá vì sợ mất khách, xăng nói tăng là tăng được, còn xe ôm mà tăng ngay là khách bỏ luôn dù mình là mối quen mấy năm nay của họ rồi. Nên phải tăng từ từ, dần dần thì khách mới thích nghi được”, một lái xe ôm trên đường Nguyễn Khánh Toàn phân trần.

Tuy nhiên, theo khảo sát của VTC News, giá xe ôm tại đường Láng, đường Bưởi, Kim Mã…chủ yếu dao động từ 4.000 đồng – 5.000 đồng, nay đã tăng lên mức 6.000 đồng/km – 7.000 đồng/km. Theo lời một số khách hàng thường đi xe ôm, tuần trước 70.000 đồng có thể đi 15km, thì nay số tiền đó lên mức 80.000 đồng – 85.000 đồng/15 km. Lý giải về việc tăng giá, hầu hết các chủ xe ôm đều cho biết, giá xăng tăng nên cũng phải “tát nước theo mưa”.

Điều khiến nhiều lái xe ôm lo lắng không chỉ là lượng khách giảm mà thu nhập cũng “èo uột” theo. Tính toán chi li, trước đây mỗi ngày anh Thắng (lái xe ôm) phải đổ tới  gần 3 lít xăng hết hơn 65.000 đồng, nhưng nay số tiền đó lên đến gần 70.000 đồng, sau khi trừ chi phí anh Thắng lắc đầu vì thu nhập lại “thâm hụt” đáng kể.

Anh Thắng chia sẻ: “Trước đây, sau khi trừ chi phí một ngày tôi lãi khoảng 70.000 đồng, thì nay số tiền đó chỉ còn khoảng 55.000 đồng, đó là chưa kể đến hao mòn xe và bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên nữa. 15.000 đồng – 20.000 đồng/ngày có thể không lớn với nhiều người, nhưng đối với chúng tôi đó là cả một vấn đề ”.

Bích Thủy - Thành Công

Bình luận
vtcnews.vn