Xe bọc thép và hàng chục quả lựu đạn nổ banh xác hai tên cướp

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 24/07/2014 05:04:00 +07:00

(VTC News) – Chiếc xe bọc thép tiến đến cầu Dục Quang, 4 chiến sĩ nhảy xuống liên tục quăng lựu đạn vào gầm cầu.

(VTC News) – Chiếc xe bọc thép tiến đến cầu Dục Quang, 4 chiến sĩ nhảy xuống liên tục quăng lựu đạn vào gầm cầu.


Kỳ 3 (kỳ cuối): Tiêu diệt tên cướp

Sau những loạt đấu súng không thành, nhận thấy sẽ nguy hiểm đến tính mạng của người dân, nên lực lượng công an đã tìm phương án mạnh để tiêu diệt hai tên cướp.

Sau khi thống nhất phương án, chiếc xe thiết giáp số hiệu BTR-152, gắn khẩu đại liên lên đường tiến về phía thị trấn Bích Động (Việt Yên, Bắc Giang).

Lúc đó khoảng 20 giờ, mưa gió đùng đùng, sét nhì nhằng loang lổ trên bầu trời. Đến 22 giờ, nhận lệnh, chiếc xe bọc thép nổ máy chậm rãi chạy trên Quốc lộ 37, đèn pha rọi về phía cầu Dục Quang sáng chói.

Trên xe có 5 sĩ quan thuộc đội trinh sát đặc nhiệm, chỉ huy là Trung tá Nguyễn Trọng Trường. Chiếc xe dừng ở ngay đầu cầu, phía bên phải đường, rọi đèn xuống phía gầm cầu.

Hai tên cướp trốn trong gầm cầu Dục Quang chống trả lực lượng cảnh sát 

Từ trên xe, Trung tá Trường bắc loa kêu gọi hai tên cướp hạ vũ khí đầu hàng để hưởng chính sách khoan hồng. Thế nhưng, mặc cho Trung tá Trường kêu gọi, bằng đủ lý lẽ thuyết phục, hai tên cướp hung hãn chỉ trả lời bằng những loạt đạn AK.

Trung tá Trường ra lệnh cho xe thiết giáp tiến lên trên cầu, đèn pha bật sáng trưng. 4 chiến sĩ đặc nhiệm ôm súng, giắt lựu đạn nhảy xuống mặt cầu, rồi lập tức bò ra 4 góc của thành cầu. Súng đại liên đạn đã lên nòng, hướng về phía mặt cầu, sẵn sàng nhà đạn để yểm trợ nếu chúng ngoi lên tấn công.

4 chiến sĩ cùng bò đến sát mép cầu. Nhận lệnh, cả 4 cùng rút chốt, ném lựu đạn thật sâu vào gầm cầu. Tiếng lựu đạn nổ khiến cây cầu rung bần bật.

Thế nhưng, sau loạt lựu đạn đầu tiên, hai tên cướp lại nã đạn ra ngoài như thách thức. Lệnh tiêu diệt tiếp tục được ban ra. 4 quả lựu đạn tiếp tục được tống vào gầm cầu. Nhưng đáp trả lại vẫn là những loạt AK đinh tai.

Loạt lựu đạn thứ 3, rồi thứ 4 được ném xuống, thì không thấy chúng bắn trả nữa. Thêm loạt lựu đạn thứ 5 được tung xuống gầm cầu cho chắc ăn.

Cầu Dục Quang, nơi diễn ra cuộc đấu súng kinh hoàng 

Trung tá Trường tiếp tục bắc loa kêu gọi đầu hàng. Tuy nhiên, kêu gọi đến gần 24 giờ, không thấy hai tên cướp đáp trả, tiếng súng cũng im bặt.

Mưa mỗi lúc thêm nặng hạt, nước sông dâng lên, dập dềnh, đẩy những bộ phận thi thể của hai tên cướp lập lờ mặt nước. Hai tên cướp chính thức bị tiêu diệt.

Tang vật thu được gồm chiếc xe Dream II mà chúng cướp hồi chiều, 2 khẩu AK và vẫn còn 5 băng đạn, với hơn 100 viên.

Khám nghiệm tử thi, công an thu được giấy tờ mang tên Phạm Trung Kiên, sinh năm 1976, trú tại phường Tân Long, TP. Thái Nguyên. Kiên chính là quân nhân của đơn vị quân đội mà gã vừa cướp súng hồi chiều. Tên còn lại là Phạm Trung Sơn, có bàn tay trái 6 ngón. Phạm Trung Sơn sinh năm 1981, cùng trú ở phường Tân Long, là em họ của Kiên.

Đọc hồ sơ vụ án, thấy nhiều chuyện khá lạ lùng, khó hiểu. Thật khó tin khi một quân nhân, tự dưng lại về đơn vị cũ để cướp súng, để rồi giết người, đấu súng đến khi mất mạng. Chúng tôi đã tìm về TP. Thái Nguyên để tìm hiểu rõ động cơ có phần kỳ lạ của hai tên cướp này.

Thời gian đã hơn 10 năm, nhiều thứ đã thành ký ức, nhưng nhắc lại vụ án này, người dân phường Tân Long đều còn nhớ. Tuy nhiên, điều lạ là ai cũng khẳng định tên cướp Phạm Trung Kiên là một thanh niên tốt.

Vũ khí thu được từ hai tên cướp 

Ngay cả Đại úy Nguyễn Tuấn Tám (Công an phường Tân Long) cũng khẳng định Kiên vốn là một thanh niên tốt, nên không thể hiểu được động cơ gây án của hắn. Đại úy Tám chỉ tôi đến gặp anh Phạm T., là người thân cận với Phạm Trung Kiên.

Anh Phạm T. là anh họ, khá thân thiện với Kiên. Nhắc đến Phạm Trung Kiên, anh T. nghẹn ngào, rưng rưng.

Nhấp ngụm trà, đợi cảm xúc trôi qua, anh nhớ lại: “Hồi đó tôi là Bí thư chi bộ tổ 20, phường Tân Long. Sáng sớm, đồng chí Huỳnh, Phó Trưởng Công an phường Tân Long đến nhà thông báo sự việc. Nghe xong, tôi chết lặng.

Đồng chí Huỳnh kể rằng, hôm trước thằng Kiên rủ Sơn sang đơn vị cũ chơi. Thấy anh em trong đơn vị đang lau súng, Kiên đã đề xuất mượn 2 khẩu súng, đeo lên người chụp làm kỷ niệm.

Thế nhưng, khoác súng lên người, hai anh em Kiên đã ôm thêm thùng đạn lẻn đi. Đồng đội phát hiện ngăn lại, nhưng Kiên và Sơn bỏ chạy, cướp một xe máy trốn thoát rồi gây nên thảm họa.

Sáng hôm sau, nghe tin, tôi và gia đình đã sang ngay Bắc Giang. Nhưng đến nơi thì công an đã làm xong hết thủ tục, chôn cất hai đứa ngay tại bãi mía cách cầu Dục Quang một đoạn.

Tôi đứng ở trên cầu, còn nhìn thấy một bàn chân của nó nổi lập lờ trên mặt sông. Thấy tội cho nó, tôi nhờ người dân ở đó lấy gậy khều vào, rồi đem chôn ngay cạnh mộ. Mấy năm trước gia đình đã đưa xương cốt nó về Thái Nguyên rồi”.

Theo lời anh T., Phạm Trung Kiên là một thanh niên hiền lành, chịu khó, ngoan ngoãn, không có biểu hiện gì nghịch ngợm, tâm thần.

Chúng tôi tìm hiểu thêm từ những người dân ở tổ 20, thì đều nhận được những nhận xét về Phạm Trung Kiên như thế. Nhưng người dân trong vùng thì khẳng định, bố mẹ Kiên sống không chuẩn mực với con cái.

Bố Kiên nghiện rượu. Mẹ không có có việc làm ổn định, từng làm công nhân xây dựng, nhưng bỏ việc không lương, rồi mắc vào cờ bạc, nợ nần.

Anh T. cho biết, học xong phổ thông, Phạm Trung Kiên đi bộ đội, thành lính của Sư đoàn 3, đóng tại Hữu Lũng, Lạng Sơn.

Trong quân ngũ, do rèn luyện tốt, được đi thi chiến sĩ giỏi, được kết nạp Đảng. Anh T. còn tính bồi dưỡng cho Kiên để đưa vào chi bộ địa phương.

Ra quân, về nhà, thấy gia cảnh be bét, Kiên không nản lòng, mà quyết tâm tạo dựng cuộc sống. Kiên dồn tiền tiết kiệm, vay vốn thêm, xây dựng móng nhà vững chãi, rồi dựng tạm căn lều mặt đường làm nghề sửa chữa xe đạp.

Số tiền đơn vị trả cho những người ra quân, được Kiên đầu tư vào việc học nghề. Trong quá trình học nghề, Kiên nuôi thêm cả trăm con gà.

Một hôm, về nhà, thấy mẹ ăn thịt gà, Kiên hỏi gà ở đâu, thì mẹ Kiên bảo bắt gà của Kiên làm thịt. Kiên kiểm lại đàn gà, thấy mất nhiều gà. Hóa ra, Kiên thì nuôi gà, còn mẹ Kiên thì cứ bắt gà làm thịt cho mọi người ăn.

Kiên tỏ ra không vui, nói nặng lời với mẹ. Bố đẻ thấy Kiên khó chịu với mẹ, thì chửi bới con trai rằng có tí tiền đã coi thường bố mẹ. Ông túm đầu con đập vào tường.

Kiên không chống lại, mà lầm lũi bỏ nhà đi. Ra khỏi nhà, không biết đi đâu, Kiên đã rủ cậu em họ là Phạm Trung Sơn sang Lạng Sơn thăm đơn vị cũ của mình.

Phạm Trung Sơn cũng có số phận khá bất hạnh. Sơn bị dị tật, với bàn tay 6 ngón. Bị bạn bè trêu chọc, mặc cảm số phận, nên Sơn bỏ học từ nhỏ.

Bố vào tù, mẹ làm ăn xa, nên thiếu sự chăm sóc của gia đình. Sơn phải làm thuê làm mướn kiếm sống. Năm 18 tuổi, do túng thiếu, gã lấy xe đạp của bạn đem cầm cố, nên có một tiền sự vì tội chiếm đoạt tài sản.

Theo anh Phạm T., ngoài tiền sự đó, thì Sơn cũng không phải là kẻ cộm cán ở địa phương. Cũng theo anh Thu, là người hiểu nhất về 2 cậu em, hành động cướp súng của Kiên và Sơn có lẽ chỉ là bộc phát.


Phong Nguyệt
Bình luận
vtcnews.vn