Xây trụ sở hàng nghìn tỷ đồng: Đại biểu Quốc hội phản đối

Thời sựThứ Ba, 10/11/2015 11:40:00 +07:00

xây trụ sở hoành tráng hàng nghìn tỷ đồng, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với đề xuất từ địa phương.

(VTC News) – Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm không đồng tình xung quanh sự việc Hải Phòng vừa lên kế hoạch xây trung tâm hành chính gần 10.000 tỷ đồng.


Trả lời PV bên lề kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện sự không đồng tình khi nhiều tỉnh, thành phố đua nhau xây trụ sở hoành tráng hàng nghìn tỷ đồng.

Mới đây nhất là TP Hải Phòng, lên kế hoạch xây trung tâm hành chính gần 10.000 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương gần 7.000 tỷ đồng).

Phối cảnh tổng dự án Trung tâm hành chính TP Hải Phòng
Phối cảnh tổng dự án Trung tâm hành chính TP Hải Phòng 
Bình luận về phong trào đua nhau xây dựng trụ sở hàng nghìn tỷ đồng, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng bối cảnh ngân sách eo hẹp, nợ công gần kịch trần thì việc xây trụ sở gần 10 nghìn tỷ đồng là không hợp lý.

“Lúc này cả hệ thống chính trị phải tiết kiệm. Ở một số địa phương như Đà Nẵng, họ làm trung tâm hành chính với nguyên tắc lấy quỹ đất từ chính cơ quan rải rác để bán, lấy “nó nuôi nó". Khánh Hòa cũng thế. Nói nôm na, nhiều mâm nhiều bát nay gom lại một mâm một bát để tiết kiệm chi phí không tốn ngân sách. Xây trụ sở như thế thì chấp nhận được”, đại biểu Trần Du Lịch nêu ý kiến.

Đại biểu Trần Du Lịch nêu quan điểm sẽ không đồng tình nếu dùng tiền ngân sách, lấy tiền thuế của dân để xây trụ sở hoành tráng bất cứ địa phương nào.

“Trong tình trạng nợ nần thế này, xây dựng trụ sở hoành tráng, không biết ăn nói với dân thế nào?”, đại biểu Trần Du Lịch băn khoăn.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM)
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) 
Bên cạnh đó, lý giải về thực trạng trong điều kiện khó khăn nhưng các tỉnh vẫn đua nhau xây trụ sở, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng nguyên nhân do việc phân bổ ngân sách.

Để khắc phục tình trạng này phải thay đổi theo hướng hợp nhất ngân sách Trung ương và địa phương thành một loại ngân sách nhà nước.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng cần ngân sách phải cân đối thu trước rồi mới chi. “Nếu địa phương “vung tay quá trán” thì không cân đối chi bổ sung. Làm như thế mới có kỉ luật ngân sách”, đại biểu Lịch đề xuất.

Vị đại biểu Quốc hội TP.HCM mạnh dạn đề xuất “Quốc hội phải cấm ít nhất 5 năm tới không được dùng thuế, phí xây trụ sở để tập trung giải quyết bài toán nợ”.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa)
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) 
Trong khi đó, đại biểu Lê Nam cho rằng, việc xây dựng trung tâm hành chính, đặc biệt trong yêu cầu cải cách hành chính hiện nay là cần thiết, nhưng cần xem lại cụ thể.

Thứ nhất, hệ thống công sở mà chúng ta đầu tư xây dựng mấy chục năm qua còn dùng được không? Vì có nơi khi xây dựng trung tâm hành chính xong lại để không.

Khi làm đề án, nhiều địa phương nói bán trụ sở cũ đi để lấy tiền xây mới, nhưng rồi lại không bán được, gây lãng phí lớn.

Thứ hai, việc xây dựng làm sao phải bảo đảm thống nhất.

“Tôi thấy hình như chưa có quy định xây trung tâm hành chính phải như thế nào? Đó là khoảng trống cần được quy định, thống nhất, không để mỗi nơi xây với số lượng tiền bạc, kiến trúc khác nhau. Việc chi tiêu cho cơ quan quyền lực phải theo quy định chung, nếu không thì có tỉnh chỉ xây trụ sở với vài trăm tỷ, nhưng ngược lại có tỉnh phải cần mấy nghìn tỷ cũng không xong”, đại biểu Lê Nam nêu ý kiến.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh 
Bình luận về phong trào xây trụ sở hàng nghìn tỷ đồng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định tinh thần chung là phải tiết kiệm và tùy thuộc vào cân đối ngân sách của từng địa phương.

“Tôi thấy, nhiều nơi người ta lo các vấn đề khác cho dân trước, song rồi mới làm trụ sở. Như Bình Dương, người ta làm nông thôn, trường học, bệnh viện trước rồi mới quay lại làm đô thị. Như vậy rất tốt và đáng hoan nghênh. Hay như Đà Nẵng, dù có thuận lợi hơn, vì ít xã, nông thôn ít”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.

Tuy nhiên, hầu hết các địa phương khi trình đề án xây dựng trụ sở mới đều có đề xuất Trung ương hỗ trợ. Vừa qua, Hải Phòng đề xuất gần 10.000 tỷ đồng thì có tới gần 7.000 tỷ đồng xin ngân sách Trung ương.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng về nguyên tắc, tất cả các dự án, địa phương có quyết định gì thì quyết định nhưng phải cân đối được nguồn, kể cả nguồn vốn Trung ương thì cũng phải được Trung ương đồng ý rồi mới quyết định.

“Không có chuyện địa phương quyết định để Trung ương đầu tư. Luật Đầu tư đã quy định rõ như thế.Nếu nguồn vốn Trung ương nhiều, còn giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.

Địa phương có nguồn của địa phương rồi nhưng khi đề xuất phần chênh lệch từ Trung ương thì Trung ương đồng ý mới được làm. Quy định rất chặt chẽ, không có chuyện địa phương quyết xong là Trung ương chi.

Ngân sách Trung ương phân bổ cho địa phương được công bố ngay từ đầu kỳ, đầu khóa cho cả giai đoạn 3 năm, 5 năm.

Trong các phiên họp gần đây, Chính phủ có bàn đến việc xây dựng trụ sở của các địa phương và đưa ra yêu cầu quy hoạch.

“Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung nguồn vốn để kêu gọi đầu tư, kể cả thanh toán nợ cơ bản, lần này cân đối ngân sách cũng đưa quy định này vào. Thậm chí, Chính phủ còn đề xuất mạnh mẽ hơn là phải thanh toán xong nợ mới bố trí cái mới”, Phó Thủ tướng thông tin.

Phó Thủ tướng thêm lần nữa khẳng định tinh thần chung là phải tiết kiệm, không có cách nào khác.

“Không chỉ việc xây dựng trụ sở mà nhiều thứ như xe công mấy năm nay không mua sắm thêm mà chỉ điều chuyển là chủ yếu”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn