'Xây sân bay Long Thành là việc hướng tới lâu dài'

Thời sựThứ Tư, 29/10/2014 08:11:00 +07:00

(VTC News) – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định việc xây dựng sân bay Long Thành là hướng tới mục tiêu lâu dài.

(VTC News) – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói chủ trương xây sân bay Long Thành trong điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ xin chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành mặc dù biết tình hình hiện nay đang khó khăn, nhưng đây là việc hướng tới lâu dài.
Theo ông Nên, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng đã báo cáo chi tiết về việc xây sân bay Long Thành để Quốc hội xem xét. 
“Nếu ta cứ tính gói ghém những gì trước mắt để đảm bảo thu chi ổn định thì có thể được, nhưng đất nước sẽ khó phát triển. Tính trung và dài hạn, thì phải có vốn để đầu tư. Một trong ba nhiệm vụ đột phá là đầu tư kết cấu hạ tầng, nặng nhất là đường giao thông”, ông Nên nói.
Ông Nên cũng thông tin thêm về việc Chính phủ không cắt giảm bất cứ khoản chi nào cho an sinh xã hội và Quốc phòng. 
“Tuy nhiên, tốc độ tăng chi thường xuyên cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, đây là con số không cân đối. Chính phủ đã bàn thảo và thấy rằng cần có giải pháp tính toán, cân đối lại”, ông Nên nói.
Ảnh minh họa 

Liên quan vấn đề phát hành trái phiếu, ông Nên cho biết Chính phủ có nghe sự băn khoăn, lo lắng của nhân dân, của công luận về vấn đề nợ công. 
“Nhưng việc phát hành trái phiếu là việc cần thiết để đầu tư trung, dài hạn cho những dự án lớn mà chúng ta hiện chưa đủ lực đầu tư. Tuy nhiên, giới hạn của nó phải nằm trong giới hạn cho phép mà Quốc hội thông qua”, ông Nên cho biết. 
Theo đó, hằng năm, sau khi được Quốc hội cho phép, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu để đầu tư kết cấu hạ tầng. Đây là việc làm cần thiết, thường xuyên của một quốc gia.
Theo thông cáo báo chí của Cổng thông tin điện tử Chính phủ, nợ công (nợ của Chính phủ cả vay trong nước, ngoài nước; nợ do Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương) đến hết năm 2014 và dự báo năm 2015 cho tới năm 2020 vẫn trong giới hạn cho phép, hiện nợ công đang được kiểm soát chặt chẽ, theo đánh giá đỉnh nợ công quốc gia sẽ đạt mức 64,9% vào năm 2016 và giảm dần, đến năm 2020 chỉ còn 60,2%.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, gần như nợ công là để dành cho đầu tư phát triển (trên 98% dành cho các dự án đầu tư phát triển, 1,5% hòa vào ngân sách, nằm trong tổng thu ngân sách để bố trí chi cũng là chi cho phát triển, chỉ còn hơn 0,4% rơi vào các đơn vị sự nghiệp). 
“Cơ cấu sử dụng nợ công là phù hợp, là đúng hướng, chúng ta chủ trương vay là để đầu tư, chứ không có vay để ăn, để tiêu vào cái khác”, Thủ tướng nói, đồng thời, những năm qua các khoản nợ đều được trả đúng hạn, không để nợ xấu. Dự báo từ nay đến năm 2020 vẫn đảm bảo trả được nợ, theo đúng quy định là trả nợ không quá 25% GDP. 
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh nợ công của chúng ta tăng nhanh, áp lực trả nợ là lớn, từ đó đặt ra 3 mục tiêu là dứt khoát phải kiểm soát nợ công trong giới hạn được Quốc hội cho phép, Chiến lược nợ công quy định, không để vượt, tức tổng nợ công không quá 65% GDP; phải chi đầu tư có hiệu quả và phải bảo đảm tính toán, cân đối ngân sách trong trả nợ vay. Cùng với đó là phải cơ cấu lại nợ theo hướng lành mạnh hơn.
"Lành mạnh ở đây là phải nằm trong giới hạn vay nợ cho phép, không được vượt, thời gian vay dài hơn, lãi suất thấp hơn”, Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, về nợ nước ngoài (bao gồm nợ của Chính phủ, nợ của Chính phủ bảo lãnh, nợ của doanh nghiệp và tổ chức khác được vay theo phương thức tự vay tự trả theo pháp luật của Việt Nam) phải kiểm soát tốt chỉ số về nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Thủ tướng cũng cho biết sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài.

Văn Việt
Bình luận
vtcnews.vn