Xây dựng Nhà hát Thủ Thiêm 1.500 tỷ đồng: Hình như các vị không thấu nỗi đau, nỗi khổ của dân

Thời sựThứ Ba, 09/10/2018 19:08:00 +07:00

Việc xây nhà hát 1.500 tỷ đồng là ý tưởng tốt nhưng qua việc các đại biểu bỏ phiếu cho dự án nhà hát mới này mới thấy rằng, hình như các vị không thấu nỗi đau, nỗi khổ của dân.

Dư luận lại được một phen “dậy sóng” khi Hội đồng Nhân dân TP.HCM biểu quyết thông qua việc xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.

tphcm-xay-nha-hat-giao-huong-1500-ti-dong

 TP.HCM muốn xây nhà hát 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm. Ảnh phối cảnh quảng trường trung tâm và công viên bờ sông.

Ý kiến thuận chiều là cần phải xây Nhà hát xứng với sự phát triển của thành phố và phục vụ cho các nhu cầu văn hóa giải trí khác, nhưng là ở đẳng cấp “hàn lâm”. Theo như lý giải thì nhà hát này không dành cho các loại ca nhạc biểu diễn kiểu “thị trường”... Ý tưởng này rất tốt và một nơi như TP.HCM thực sự cần một nhà hát hiện đại.

Ý tưởng thì tốt, nhưng lật ngược lại vấn đề thì cần biết “phân vân”: Việc xây nhà hát 1.500 tỷ đồng lúc này đã thực sự cần thiết hay chưa?

Có thể trả lời ngay: Chưa cần thiết!

Bởi lẽ TP.HCM đang rất cần tiền để giải quyết những việc cấp bách như: Thiếu bệnh viện, thiếu trường học, chống ngập...

Giá mà khi biểu quyết thông qua dự án xây nhà hát, các đại biểu đặt một câu hỏi rằng: Cần phải xây thêm bao nhiêu bệnh viện để đảm bảo cho người dân khi ốm không phải nằm 2-3 người/ giường bệnh; không phải nằm vạ vật ở hành lang, thậm chí phải chui cả vào gầm giường?

Cần phải đầu tư thêm bao nhiêu tiền để chống ngập một cách cơ bản cho thành phố, để người dân không phải chịu cảnh mỗi năm vài chục lần bì bõm lội nước mỗi khi triều cường hay mưa lớn...?

Qua việc các đại biểu bỏ phiếu cho dự án nhà hát mới này mới thấy rằng, hình như các vị không thấu nỗi đau, nỗi khổ của dân! Các vị không hiểu được đạo lý của người làm quan là phải “lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”.

Lúc này, TP.HCM chỉ cần nâng cấp Nhà hát Thành phố, cải tạo lại một vài nhà hát là có thể thừa sức cho các dàn nhạc danh tiếng biểu diễn.

Vả lại, cũng phải thừa nhận một điều rằng, thẩm mỹ âm nhạc của người dân Việt Nam hiện còn thấp, đặc biệt là thế hệ trẻ! Một dàn nhạc giao hưởng danh tiếng đến mấy, mà biểu diễn kể cả ở TP.HCM hay Hà Nội thì cũng chỉ được đến tối thứ 3 là hết, bởi không có người nghe.

Cho nên xây một nhà hát thật lớn, thật hoành tráng, thật hiện đại chỉ để biểu diễn dòng nhạc thị trường thì... phí tiền!

Rất mong các vị lãnh đạo TP.HCM nên lắng nghe ý kiến của người dân và hãy đặt mình vào vị trí của người dân.

Nguyễn Như Phong
Bình luận
vtcnews.vn