Xây dựng 1000 siêu thị ở Hà Nội: Con số quá phiêu lưu?

Thời sựThứ Bảy, 27/09/2014 11:50:00 +07:00

(VTC News) – Xây dựng mới khoảng 1000 trung tâm thương mại và siêu thị để phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ Hà Nội được cho là 'con số quá phiêu lưu'.

(VTC News) – Xây dựng mới khoảng 1000 trung tâm thương mại và siêu thị để phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ Hà Nội được cho là 'con số quá phiêu lưu'

Mới đây, Hà Nội đưa ra bản Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó dự kiến Hà Nội sẽ xây khoảng 1000 siêu thị bao gồm 64 trung tâm thương mại và 999 siêu thị các loại. Con số này làm nhiều người không khỏi giật mình bởi hiện nay Hà Nội đang có 28 trung tâm thương mại và 135 siêu thị đã rơi vào tình trạng nhiều nơi ế ẩm.

Ngay bản thân ông Phan Đăng Long – Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội cũng ngạc nhiên:
“Mới đầu khi nghe thông tin này tôi cũng rất bất ngờ, không biết con số đó ở đâu ra".

Tiền và đất ở đâu ra?


Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là tại sao phải xây nhiều siêu thị thế? Tiền và đất ở đâu để đáp ứng xây dựng số siêu thị gấp gần 6 lần hiện tại. Trong khi đó, báo cáo trình HĐND vào tháng 7 vừa qua, UBND TP Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố đã “hết quỹ đất” để xây dựng chợ.

Lý giả điều này, Bà Trần Thị Phương Lan (Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội) cho biết, bản kế hoạch được xây dựng trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2013, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo bà Lan, bản quy hoạch được lập ra dựa trên nhiều cơ sở dự kiến tình hình phát triển kinh tế, xã hội, tốc độ tăng dân số, thu nhập của người dân.

Chẳng hạn, dự báo đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2013, quy mô dân số của Hà Nội đạt khoảng 9,4 triệu người; mức thu nhập bình quân đầu người đến năm 2010 là 7.500 USD/người, năm 2013 đạt 17.000 USD/người; tổng mức bán lẻ hàng hoá năm 2010 đạt 45,6 tỷ USD (40% dịch vụ bán lẻ hiện đại); năm 2020 có khoảng 20 triệu lượt khách du lịch nội địa và 3,4 triệu lượt khách quốc tế; tỷ lệ đô thị hoá năm 2020 đạt 58-60%; diện tích đất xây dựng đô thị sẽ tăng 4,69 lần từ năm 2008 đến năm 2020…

 Không ít người 'sốc' khi nghe tới kế hoạch xây dựng hơn 1000 siêu thị và trung tâm thương mại tại Hà Nội.

Còn trước sức ép về quỹ đất và tiền ở đâu ra để biến bản quy hoạch hơn 1000 trung tâm thương mại và siêu thị nói trên thành hiện thực? 

Bà Lan cho rằng, 1000 siêu thị này không phải sẽ được xây dựng hoàn toàn trên những nền đất mới, mà rất nhiều trong số đó sẽ được đặt trong các toà nhà cao tầng, các khu chung cư để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. 

Về vốn đầu tư xây dựng hơn 1000 siêu thị và trung tâm thương mại này, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, một phần là của Nhà nước, còn lại là các nguồn vốn xã hội hoá. Cũng theo bà Lan, mặc dù cần số vốn đầu tư lớn nhưng không phải huy động cùng một thời điểm mà được chia làm nhiều giai đoạn. Trước mắt, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, trung bình mỗi năm sẽ huy động hơn 10 nghìn tỷ đồng để triển khai đề án.

"Con số quá phiêu lưu"

Dù Phó Giám đốc Sở Công thương đã lý giải hết sức cặn kẽ về nguồn gốc và cách thực hiện cho bản quy hoạch xây dựng 1000 siêu thị Hà Nội nhưng dường như áp vào thực tế vẫn thấy chưa thực sự thuyết phục.

Ở thời điểm hiện tại, Hà Nội mới chỉ có khoảng gần 170 trung tâm thương mại và siêu thị nhưng đã diễn ra tình trạng ế ẩm.

Là một trong những trung tâm thương mại lâu năm ở Hà Nội, Trung tâm thương mại Parkson Thái Hà đi vào hoạt động được hơn 5 năm với nhiều mặt hàng của các thương hiệu nổi tiếng thế giới. 90% diện tích ở trung tâm mua sắm này được lấp đầy. Tuy nhiên, khách hàng đến Parkson Thái Hà lại ngày càng thưa thớt. Những lối đi trong trung tâm vắng bóng khách hàng.

Cùng chung tình trạng này, một số trung tâm thương mại khác như The Garden (Mễ Trì, Nam Từ Liêm), IPH (Xuân Thủy, Cầu Giấy), Mipec Tower (Tây Sơn, Đống Đa), Parkson tại Keangnam Landmark (Phạm Hùng)…, không khí mua sắm khá trầm lắng. Mặc dù các trung tâm thương mại phối hợp với các gian hàng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn song vẫn không níu được chân người mua.

Sức mua thấp, kinh doanh thua lỗ, nhiều gian hàng phải đóng cửa hoặc chuyển nhượng, không ít tiểu thương phải ngậm ngùi rời bỏ các trung tâm thương mại. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các trung tâm thương mại lớn, mà còn xảy ra ngay với cả với mô hình chợ truyền thống sau khi được nâng cấp lên trung tâm thương mại. Điển hình như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), chợ Việt Hưng (quận Long Biên)…

Nhận xét về bản quy hoạch xây dựng 1000 siêu thị ở Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - trả lời trên Infonet rằng: "Con số đó là quá phiêu lưu".  Theo ông Vinh, chúng ta nên có những quy hoạch cụ thể chứ không nên đề ra lớn quá rồi không thực hiện được lại hụt hẫng. Hà Nội giờ có khoảng 100 siêu thị,  phải củng cố số lượng này cho tốt sau đó có thể mở rộng dần. Đừng để 3 siêu thị ở cùng một con phố, hoạt động chồng chéo giẫm chân lên nhau.

Vậy trước kế hoạch xây hơn 1000 trung tâm thương mại và siêu thị này, Hà Nội xử trí thế nào?
Ông Phan Đăng Long – Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội nói: 

“Các nhà làm quy hoạch căn cứ vào tình hình phát triển thực tiễn, trên cơ sở khoa học, có ý kiến của các chuyên gia chứ không phải làm liều".

The ông Long, đây mới chỉ là bản quy hoạch. Trong quá trình thực hiện từ nay tới năm 2030 thì tình hình kinh tế, xã hội sẽ có nhiều thay đổi. Kế hoạch này cũng vì vậy mà có thể thành công hoặc phải điều chỉnh.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn