Xăng lập kỷ lục giá, vẫn 'cõng' loạt thuế là phản cảm

Thị trườngThứ Năm, 23/06/2022 11:04:00 +07:00
(VTC News) -

Chuyên gia kinh tế cho rằng ngoài giảm thuế bảo vệ môi trường thì cần xem xét bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu để “hạ nhiệt” giá mặt hàng này.

Chia sẻ với VTC News sáng 23/6, chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh cho rằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu là bất hợp lý, cần sớm bãi bỏ. Ngoài lý do là mặt hàng thiết yếu, thì giá xăng dầu đang rất cao và phải “cõng” quá nhiều thuế, phí.

“Xăng dầu là mặt hàng dùng cho cả sản xuất và tiêu dùng. Trong khi giá xăng dầu đang rất cao, thì việc gánh hàng loạt thuế phí, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt là rất phản cảm. Tôi cho rằng nên xóa bỏ sắc thuế này với xăng dầu. Đồng thời tiếp tục giảm thuế môi trường, thuế nhập khẩu… với mặt hàng này”, TS Trinh nói.

Xăng lập kỷ lục giá, vẫn 'cõng' loạt thuế là phản cảm - 1

Chuyên gia cho rằng nên giảm một số thuế, bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt để "hạ nhiệt" giá xăng dầu.

Chuyên gia phân tích thêm, Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, không lý do gì người dân lại phải chịu quá nhiều thuế phí trên mỗi lít xăng. Chính phủ nên có phương án trợ giá cho người dân và doanh nghiệp. Nguồn ngân sách lấy từ chính nguồn lợi từ xuất khẩu dầu thô, vì đây là tài sản của người dân, người dân được quyền hưởng lợi.

PGS. TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng trong bối cảnh hiện nay nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu.

“Xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu, không phải xa xỉ phẩm nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng này không hợp lý. Hơn nữa đây là thời điểm cần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi kiệt quệ vì dịch COVID-19”, ông Long nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cũng cho rằng cơ quan điều hành cần phải tính toán để giảm thêm các loại thuế khác trong cơ cấu giá xăng, dầu chứ không chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường. Bởi với mức giá xăng dầu hiện tại, nếu chỉ giảm thêm thuế môi trường sẽ chỉ mang tính thời điểm khó có thể khiến giá xăng “hạ nhiệt”.

Đồng quan điểm, chuyên gia Trương Thanh Đức (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu nên cũng cần được đưa vào danh sách được giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% như các sản phẩm khác, thậm chí có thể nghiên cứu giảm về 5%.

“Xăng dầu tăng giá làm tăng chi phí doanh nghiệp, chi phí cao thì thu nhập lại giảm đi làm cho phần thuế thu nhập cũng giảm. Vì vậy cần giảm giá xăng dầu xuống nhiều hơn nữa”, ông Đức chia sẻ.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quýnh, đại diện hãng Vận tải Bắc Nam cho biết trước đây mỗi ngày đơn vị vận chuyển trên 100 tấn hàng hóa. Nhưng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và giá xăng dầu leo thang, nên nay mỗi ngày hãng chỉ vận chuyển khoảng 40 – 50 tấn hàng, tức giảm khoảng 50% khối lượng.

“Doanh nghiệp vận tải như chúng tôi đang hết sức khó khăn. Nhiên liệu tăng làm tăng chi phí, kéo giảm doanh thu và lợi nhuận. Với mức giá xăng dầu như hiện nay, kinh doanh may lắm chỉ cầm hòa, nếu tiếp tục tăng thì chắc chắn thua lỗ, nguy cơ phá sản cận kề”, ông Quýnh nói.

Ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho biết xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí vận tải, trong thời gian qua giá mặt hàng này tăng mạnh đã khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên rất nhiều, thu không đủ bù chi.

“Xăng dầu liên tục tăng cao thời gian qua khiến các doanh nghiệp vận tải điêu đứng, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản nếu không sớm có giải pháp hạ nhiệt”, ông Bằng nói.

Tương tự, ông Lê Tiến Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bắc Kỳ Logistics cho biết, giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh logistics. Với mức giá xăng dầu như hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh chỉ mong… cầm hòa.

“Chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng khoảng 30 - 35% trong chi phí hoạt động của doanh nghiệp logistics. Xăng dầu tăng giá liên tục khiến cả doanh nghiệp logistics và đối tác lo lắng. Bởi khi giá xăng dầu tăng, chí phí vận chuyển tăng, giá cước cùng phải điều chỉnh nếu không doan nghiệp logistics sẽ lỗ nặng do thu không đủ bù chi”, ông Nam chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cho biết đang lo lắng bởi giá nhiên liệu tăng sẽ làm tăng cước vận tải. Khi cước vẫn chuyển tăng sẽ tác động trực tiếp tới các khâu khai thác, vận chuyển nguyên liệu, lưu thông hàng hóa và bán sản phẩm.

“Chúng tôi chưa có kế hoạch tăng giá bán sản phẩm mà tiếp tục nghe ngóng thị trường để có chiến lược kinh doanh cho phù hợp. Thực tế, việc kinh doan đang khó khăn, nhưng không thể lập tức tăng giá bán sản phẩm, bởi trong tình hình hiện nay hầu hết vẫn còn đang khó khăn do sức mua trên thị trường chưa có dấu hiệu cải thiện, lượng hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp vẫn ở mức cao”, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cho biết.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Nội dung góp của VCCI trên cơ sở tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia.

Theo VCCI, cơ quan này đồng tình với tính cần thiết và cấp thiết của việc giảm các nghĩa vụ thuế của mặt hàng xăng dầu nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Đáng chú ý, VCCI nêu quan điểm, về lâu dài, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn