Xăng dầu thế giới lại tăng, giá trong nước sẽ ra sao?

Thị trườngThứ Bảy, 30/07/2022 08:42:41 +07:00
(VTC News) -

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo giá mặt hàng này có thể giảm từ 1/8 nhưng không nhiều, do giá thế giới đồng loạt tăng trở lại vì căng thẳng nguồn cung.

Dữ liệu cập nhật mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore đã tăng trở lại. Cụ thể, với RON92 là 114,6USD/thùng, xăng RON95 là 117,5 USD/thùng, dầu diesel là 130,5 USD/thùng. Mức giá trên cao hơn khoảng 2 USD/thùng so với thời điểm ngày 20/7 (khi đó xăng RON92 mức 112,8 USD/thùng, xăng RON95 là 116 USD/thùng và dầu diesel là 130,4 USD/thùng).

Xăng dầu thế giới lại tăng, giá trong nước sẽ ra sao? - 1

Xăng dầu có thể tiếp tục giảm giá nhưng không nhiều do giá thế giới đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. 

Chia sẻ với VTC News, một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết giá xăng dầu thế giới tuần qua liên tục biến động không ngừng. Đầu tuần, giá dầu thế giới giảm mạnh, nhưng gần đây bất ngờ tăng vọt sau khi Mỹ tăng mạnh lãi suất. Diễn biến này khiến giá xăng dầu bán lẻ trong nước khó có thể giảm sâu trong kỳ điều chỉnh ngày 1/8.

“Tôi cho rằng giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục giảm. Nhưng mức giảm sẽ không nhiều và tùy thuộc vào việc trích lập quỹ Bình ổn giá (BOG). Khả năng xăng, dầu sẽ giảm dưới mức 1.000 đồng/lít”, vị này cho biết.

Trước đó, tại kỳ điều hành liền trước, giá xăng RON95 giảm 3.605 đồng/lít, về mức 26.070 đồng/lít; giá xăng E5 RON92 giảm 2.715 đồng/lít, về mức 25.073 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel giảm 1.735 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 24.858 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 1.099 đồng/lít, còn 25.246 đồng/lít. Dầu mazut không cao hơn 16.548 đồng/kg, tương đương mức giảm 1.164 đồng/kg.

Kỳ điều hành lần này, cơ quan quản lý tiếp tục không chi quỹ BOG với tất cả mặt hàng xăng, dầu. Đồng thời thực hiện trích lập vào quỹ 950 đồng/lít với xăng E5 RON92, xăng RON95 là 950 đồng/lít, dầu diesel là 550 đồng/lít, dầu hỏa là 700 đồng/lít (kỳ trước là 800 đồng/lít) và dầu madut là 950 đồng/kg.

Có cần thiết giữ quỹ Bình ổn giá?

Nhiều chuyên gia đánh giá vai trò của quỹ Bình ổn giá (BOG) ngày càng mờ nhạt, không thể hiện được vai trò, khiến thị trường xăng dầu vận hành kém minh bạch. Theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh, vai trò của quỹ BOG với xăng dầu ngày càng mờ nhạt. Diễn biến thị trường gần đây cho thấy quỹ BOG không còn phù hợp, nên cân nhắc việc có tiếp tục duy trì hay để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Theo chuyên gia, cần thiết phải có nghiên cứu đánh giá lợi ích từ việc trích lập và thực hiện quỹ BOG trong suốt thời gian qua với nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp. “Doanh nghiệp và người dân nếu không được lợi gì từ việc trích lập và chi sử dụng quỹ BOG thì không nên duy trì quỹ”, ông Trinh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng quỹ BOG đã tồn tại được hơn mười năm, có những đóng góp nhất định đối với việc giảm bớt sự biến động của thị trường xăng dầu.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, vai trò của quỹ BOG chỉ được thể hiện khi giá xăng dầu biến động ở phạm vi hẹp, trong thời gian ngắn. Nếu giá xăng dầu biến động mạnh, tăng giảm trong thời gian dài thì quỹ BOG gần như “hết phép”.

“Tôi cho rằng có thể mạnh dạn bỏ Quỹ BOG với xăng dầu vì đến thời điểm này, duy trì quỹ không còn phù hợp, tác dụng can thiệp đến thị trường là rất nhỏ, không đáng kể”, chuyên gia nói.

Chia sẻ với báo chí, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cũng cho rằng quỹ BOG chỉ có tác dụng khi giá xăng dầu lên xuống ở mức độ nhẹ. Nhưng giá xăng dầu thế giới rất khó đoán, nếu chúng ta cứ duy trì một quỹ BOG xăng dầu thì không có ý nghĩa gì.

Ông Độ cho biết thêm, về bản chất, quỹ BOG được thu từ tiền người tiêu dùng để cơ quan quản lý giá sử dụng làm công cụ điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường. Vào các thời điểm giá tăng sốc, quỹ là công cụ cực kỳ quan trọng giúp mức tăng giá trong nước không gây sốc cho nền kinh tế.

Nhưng thực tế trong thời gian qua, giá xăng dầu thế giới có nhiều thời điểm tăng sốc, quỹ được chi ồ ạt đến âm. Thế nên, khi giá giảm, người dân lại không mua được xăng giá thấp do phải trích quỹ để dành dùng sau. Hoặc như trong những đợt tăng dài và mạnh như vừa qua, thực tế không có quỹ nào để bù nổi.

Từ đó, chuyên gia cho rằng “nên bỏ quỹ này đi, để giá cả vận hành theo thị trường”.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp