Xâm hại trẻ em: tăng do luật chưa nghiêm

Tổng hợpThứ Sáu, 13/01/2012 03:36:00 +07:00

Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em đang gia tăng có một phần nguyên nhân là việc thực thi các văn bản pháp luật còn nhiều hạn chế.

Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em đang gia tăng có một phần nguyên nhân là việc thực thi các văn bản pháp luật còn nhiều hạn chế – đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự hội thảo Thực hiện chính sách, pháp luật phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em giai đoạn 2008 – 2010 do uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại TP.HCM sáng 27.12.
Trẻ em chưa phát triển đầy đủ về mặt thể chất và trí tuệ, do đó dễ tổn thương nếu bị
đối xử bạo lực, xâm hại (ảnh chỉ mang tính minh hoạ).
 

Số vụ phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng
Theo kết quả giám sát của uỷ ban nói trên, tình trạng xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra trong cộng đồng, tại nơi lao động mà ngay tại gia đình và nhà trường cũng ngày một nhiều. Đối tượng vi phạm cũng thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi: từ người thân trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè đến hàng xóm, người lạ, thậm chí người nước ngoài… tạo nên những nhức nhối trong công luận. Các vấn đề mang tính chất nổi cộm như xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động đối với trẻ em và bạo lực học đường đều gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. 
Theo báo cáo của bộ Lao động – thương binh và xã hội, năm 2007 có 1.001 trẻ em bị bạo lực, xâm hại thì năm 2008 là 1.613 em, năm 2009 là 1.805 em, con số của năm 2010 theo báo cáo mới chỉ 46/63 tỉnh thành là 1.245 em. Còn báo cáo của các sở giáo dục và đào tạo địa phương cho thấy, từ đầu năm học 2009 – 2010 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 1.598 vụ việc học sinh đánh nhau, nhiều vụ có tính chất nguy hiểm, gây thương tích. 
Đặc biệt, năm học 2010 – 2011 có bốn vụ học sinh đánh nhau dẫn đến chết người trong và ngoài nhà trường. Bình quân cứ 5.260 học sinh thì xảy ra một vụ đánh nhau, cứ chín trường thì có một vụ; 10.000 học sinh thì có một bị kỷ luật khiển trách; 5.555 em thì có một bị kỷ luật cảnh cáo; cứ 11.111 em thì một bị buộc thôi học có thời hạn vì đánh nhau. Bên cạnh đó, theo đại diện của UNICEF tại Việt Nam, nếu tính cả các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương khác như trẻ bị mua bán, bóc lột, bạo lực… và trẻ em trong các gia đình nghèo thì tổng số trẻ cần được hỗ trợ tăng lên tới gần 4,3 triệu em, tương đương 18% tổng số trẻ em toàn quốc.
Ông Nguyễn Văn Tuyết, uỷ viên thường trực uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng cho biết, đáng lo ngại là các vụ việc xâm hại, bạo lực, bóc lột… trẻ em ít được cộng đồng chủ động phát hiện, trình báo cơ quan chức năng mà phần lớn do các phương tiện truyền thông đưa tin tố giác trước công luận. Những hành vi vi phạm nói trên được thống kê mới dựa trên tiêu chí về thể chất, chưa tính đến bạo lực và xâm hại về tinh thần. Do đó, số vụ việc được phát hiện chỉ mới là phần nổi của tảng băng.
Luật nhiều nhưng thực thi không nghiêm
TS Phạm Hạnh Sâm, trưởng ban tuyên giáo Trung ương hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cho biết quá trình đô thị hoá, sự du nhập của nhiều trào lưu văn hoá kéo theo sự xuống cấp đạo đức của môi trường xã hội, thậm chí trường học. Những bất cập trong việc giáo dục, quản lý con em cũng dẫn đến gia tăng bạo lực và xâm hại trẻ em. Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ còn thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ.
Tuy nhiên, theo TS Hạnh Sâm, nguyên nhân không kém quan trọng chính là sự lỏng lẻo và những khoảng trống trong hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em. Đồng tình với ý kiến trên, bà Phan Thanh Minh, nguyên trưởng phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em thuộc sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM nói: “Luật thì có nhiều nhưng thực thi không nghiêm chính là nguyên nhân”. Hệ thống pháp luật của ta có gần 14 văn bản luật liên quan đến trẻ em từ luật Giáo dục, luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, luật Phòng chống bạo lực gia đình… cho đến luật Hình sự và hàng chục văn bản dưới luật của nhiều cơ quan từ cấp thủ tướng đến các đoàn thể, nhưng chưa có điều khoản nào quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng; chưa có quy định đặc biệt trong trường hợp nhận tố giác từ trẻ em. Tiếng nói và cách xử lý của đoàn thể, chính quyền đối với các vụ bạo hành còn rất yếu. “Nghị định 91 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em mới có hiệu lực có quy định nhiều mức phạt rất rõ nhưng áp dụng trong thực tế thì không dễ. Do có quy định khu dân cư văn hoá, làng xã văn hoá sẽ bị trừ điểm, hạ bậc nếu để xảy ra tình trạng vi phạm, nên nhiều địa phương bao che, bưng bít để bảo vệ thành tích và bỏ rơi việc trẻ bị xâm hại”, bà Thanh Minh phát biểu.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuyết thừa nhận hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn thiện đã gây khó khăn trong thực thi pháp luật đối với tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em. Vai trò và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc hỗ trợ cha mẹ và trẻ em có nguy cơ cao chưa được xác định cụ thể và chưa có cơ chế, giải pháp trợ giúp chỗ ở tạm thời, chăm sóc y tế, tham vấn, trị liệu… Đặc biệt, ông Tuyết nhấn mạnh: “Nước ta vẫn còn thiếu những nghiên cứu tổng thể về các vấn đề trẻ em để xây dựng các cơ sở dữ liệu về trẻ em một cách có hệ thống. Điều này ảnh hưởng đến việc giáo dục pháp luật cũng như khiến khả năng nắm bắt tình hình vi phạm pháp luật về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em bị hạn chế. Trong phiên giải trình sắp tới tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 2.2012, uỷ ban sẽ đưa những vấn đề này ra để thảo luận”.

Theo thống kê chưa đầy đủ của cục Cảnh sát hình sự, tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm bộ Công an, năm 2011 toàn quốc phát hiện 1.548 đối tượng xâm hại 1.397 trẻ em (tăng 25 vụ so với năm 2010). Trong đó, có 51 vụ sát hại trẻ em, 427 vụ hiếp dâm trẻ em; cố ý gây thương tích 128 vụ, xâm hại 140 em; 32 đối tượng mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em… Đáng chú ý là các vụ án xâm hại tình dục trẻ em chiếm hơn 60% tổng số vụ xâm hại trẻ.

Theo SGTT
Bình luận
vtcnews.vn