Xả rác bừa bãi, dân 3 quận Hà Nội sẽ bị xử phạt nặng

Thời sựThứ Hai, 27/06/2016 08:46:00 +07:00

Cụ thể, người dân 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng sẽ bị xử phạt nếu vứt rác, xả rác bừa bãi trên đường phố, nơi công cộng.

Theo ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian tới Sở sẽ phối hợp với quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng xử phạt người dân vứt rác, xả rác bừa bãi trên đường phố, nơi công cộng. Người dân đổ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định cũng bị xử phạt.

Về vấn đề trên ông Hoàng Công Khôi - Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cho biết, đây là việc phức tạp, việc khó nhưng không phải là không làm được.

xa-rac-bua-bai-nguoi-dan-ha-noi-bi-xu-phat-nang_26827463

 Nạn vứt rác bừa bãi vẫn đang hoành hành

Theo ông Khôi, Hoàn Kiếm là quận trung tâm Thủ đô, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, vì vậy đảm bảo vệ sinh môi trường là vấn đề cấp thiết. Do vậy, quận Hoàn Kiếm đã có những chỉ đạo để đảm bảo vệ sinh trật tự môi trường trên địa bàn.

Ông Khôi cho biết, đến nay quận Hoàn Kiếm đã thống nhất với Công ty Môi trường đô thị phương án thu gom rác trong 3 múi giờ: sáng từ 6h-7h30, trưa từ 12h-13h30 và tối từ 19h30-21h.

Nhân dân trong quận Hoàn Kiếm phải đổ rác vào 3 múi giờ đó, nếu không tuân thủ thì bị coi là vi phạm. Riêng các tuyến phố đi bộ, quận Hoàn Kiếm bổ sung thêm một múi giờ là sau 24h.

Về chế tài xử lý các hành vi vi phạm, ông Khôi cho biết, người dân, tổ chức, đơn vị (kể cả các trường học, bệnh viện, cửa hành kinh doanh) nếu vi phạm đều bị xử phạt và thông báo trên loa truyền thanh.

Quận Hoàn Kiếm cũng xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu từng cấp, ngành của từng phường trong vấn đề vệ sinh môi trường. Với Công ty Môi trường đô thị nếu vi phạm nhiều lần sẽ bị cắt hợp đồng.

“Theo Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành vi vi phạm vệ sinh môi trường với hành vi vứt rác, thải rác trên hè và đường phố mới chỉ từ 300.000 - 400.00 đồng. Chúng tôi cho rằng chế tài này chưa đủ sức răn đe, đề nghị HĐND TP nghiên cứu tăng mức xử phạt với hành vi này”, ông Khôi kiến nghị.

Về vấn đề trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, các quận, huyện, thị xã phải có trách nhiệm tuyên truyền để người dân đổ rác vào đúng giờ nhân viên các công ty vệ sinh môi trường đi thu gom rác thải.

Các Chủ tịch và Bí thư các quận, huyện, thị xã và cấp phường, xã cũng phải phân công theo từng địa bàn để đôn đốc nhân viên công ty và người dân tham gia vào công tác vệ sinh môi trường xanh sạch.

“Từ nay đến tháng 9, các công ty vệ sinh môi trường phải đáp ứng đủ 6 tiêu chuẩn, trong đó có cơ giới hóa. Nếu đơn vị nào không đủ điều kiện thành phố sẽ không cho đấu thầu”, ông Chung nêu rõ quan điểm.

Trước đó, theo thống kê của các đơn vị vệ sinh môi trường, mỗi ngày Hà Nội thải ra khoảng 5.000 tấn rác, đó chỉ là con số tương đối, phản ánh khối lượng rác thu gom được.

Nhưng vẫn còn vô vàn rác thải khác không ai có thể thống kê hết; nhỏ như chiếc vỏ kẹo, đầu lọc thuốc lá cho đến lớn như những đống phế liệu, bùn đất thải vương vãi khắp đường phố, ứ đọng trong kênh mương, cống rãnh, trôi nổi trên sông hồ…

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) Trần Văn Huynh từng nhận định: “Không chỉ xả rác bừa bãi bất kể nơi chốn, ngay cả cách thu gom, vứt rác cho đúng cũng còn là một ý thức khá xa lạ đối với không ít người”.

Theo ông Huynh, hiện nay, cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường là chính quyền, công an từ cấp phường, xã trở lên. Tuy nhiên, việc xử phạt lâu nay vẫn thường bị “lờ” đi do 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, cán bộ địa phương chưa thực sự nhận thức hết vai trò, tầm quan trọng của việc xử phạt, cho rằng khó và “lắt nhắt” nên thường “tránh” làm. Thứ hai, cơ chế xử phạt chưa phù hợp, linh hoạt. Việc lập biên bản, rồi đi nộp phạt tại Kho bạc vừa “nhiêu khê”, vừa khó thực hiện.

Video: Rác thải tấn công 'thiên đường xanh' Lý Sơn

(Nguồn: Báo Đất Việt)
Bình luận
vtcnews.vn