Yêu nước hay quá khích, bạo động?

Thời sựThứ Hai, 11/06/2018 09:37:00 +07:00

Đám đông, trong đó có cả những đứa trẻ cầm gạch đá, gậy gộc lao vào cảnh sát, đám đông quá khích giật đổ cổng uỷ ban tỉnh lao vào đốt phá - những hành vi quá khích, bạo động.

Tôi dành cả ngày hôm nay, ngày Chủ nhật mà tôi cho rằng đây có lẽ là ngày Chủ nhật đáng quên nhất trong suốt nhiều năm gần đây hầu như chỉ để theo dõi diễn biến tình hình các cuộc ‘biểu tình bày tỏ thái độ’ mà thực chất ở nhiều nơi là các cuộc bạo loạn.

Dù đã nắm bắt được trước thông tin về các cuộc biểu tình “ôn hòa” sẽ được diễn ra, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn cảm thấy lo ngại, sửng sốt. Và tôi có cảm giác, càng xem càng đau xót. Càng xem, càng cảm thấy bất lực, nghẹn uất không nói lên lời.

Không thể hiểu nổi tại sao, vì lý do gì mà ở một huyện tại Nghệ An, từ sáng, đã có những đứa trẻ còn đang độ tuổi học sinh tiểu học, vốn nhiệm vụ của chúng là chỉ biết cắp sách tới trường, chưa hiểu gì nhiều về “đặc khu” với “An ninh mạng”, mà người ta lại nỡ đẩy các cháu xuống đường dưới cái nắng chang chang, trên tay cầm những tấm biển với dòng chữ phản đối, đả đảo cho Trung Quốc thuê đất.

Tin rằng, khi đọc nó lên, những cháu bé đang cầm biển đầy hào hứng kia cũng không hề hiểu được ý nghĩa của nó. Các cháu quá ngây thơ nên không hề biết rằng, mình đang bị lạm dụng.

Những kẻ đứng sau đã cố tình đưa các cháu, vốn được coi là tương lai của đất nước xuống đường, tham gia vào những hoạt động phục vụ cho lợi ích, mưu đồ của người lớn, đơn giản, là để hình ảnh ấy “ấn tượng” hơn, các cơ quan chức năng khó “đối phó” hơn chăng?

Đây chính là sự độc ác được núp bóng dưới hành động biểu tình “ôn hòa”, chứ không còn là hành động để biểu thị lòng yêu nước nữa.

Nói về “biểu tình ôn hòa”, lại thấy uất nghẹn khi liên tục được xem những cip, hình ảnh chụp từ một số địa phương.

Có thật ôn hòa không khi tại TP.HCM, biết bao người đã kêu lên đầy bất lực vì bị đám đông người biểu tình tràn xuống đường, gây cản trở, ùn tắc giao thông, khiến họ phải nhảy xuống xe để chạy bộ cả vài kilomet ra sân bay Tân Sơn Nhất.

Ôn hòa, trật tự cái kiểu gì mà đến nỗi một bác tài lái xe cấp cứu đã phải kêu lên thảm thiết: Xin nhường lối cho xe cấp cứu đi.

Nhưng đó chưa phải điều đau đớn, đáng sợ nhất. Sự thật của từ “ôn hòa” ở Phan Thiết- Bình Thuận là cả đám đông hàng trăm, hàng nghìn người tụ tập, hò hét, kích động ném gạch đá, cầm gậy vụt vào lực lượng cảnh sát khi họ đang đứng im chịu trận.

Sau đó, dường như chưa thỏa mãn, không ít kẻ quá khích còn hò nhau giật đổ cả cổng ủy ban tỉnh, đốt cháy xe công vụ, ném vỡ các cửa kính…Manh động, ngông cuồng hơn, đám đông quá khích còn hò nhau chiếm giữ, đốt tài liệu của một số cơ quan của tỉnh, tràn cả vào doanh trại quân đội.

Phải gọi thẳng tên, đó chính là bạo động, là bạo loạn, chống phá. Đó là hành vi vượt quá giới hạn cho phép, dù ở bất cứ đất nước nào cũng đều phải bị trừng trị.

 
Phải gọi thẳng tên, đó chính là bạo động, là bạo loạn, chống phá.

Trong khi không ít người miệng hô đả đảo bán đất cho Trung Quốc nhưng lại cầm quốc kỳ của Mỹ có in hình tổng thống Donal Trump?

Xâu chuỗi lại các nội dung sự việc, có thể thấy, đây không phải là cuộc xuống đường biểu tình để phản đối dự thảo luật đơn thuần, mà chắc chắn nó là kế hoạch, âm mưu đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ trước của nhóm tổ chức hoạt động chống phá nào đó đứng sau đạo diễn, giật dây.

Nhiều người tham gia đã vô tình bị “dắt mũi”, trở thành những kẻ a dua mà cứ nghĩ rằng mình đang tham gia một hoạt động nghĩa hiệp, công chính, đúng pháp luật. Họ không hề biết rằng, mình đang tiếp tay cho hoạt động bạo loạn.

Tôi gần như tức hết lồng ngực khi chứng kiến hàng chục chiến sĩ bị trọng thương, hay nhìn cảnh những chiếc xe công bị đốt cháy, cổng, cửa cơ quan bị ném vỡ, giật đổ, khung cảnh tan hoang. Nỗi xót xa càng nhân lên khi nhận được thông tin ở Nha Trang, một cậu phiên dịch tiếng Trung đã bị đám biểu tình đánh nằm bất tỉnh, không biết vì lý do gì?

Cùng với đó, là thông báo nhanh của một người bạn làm lữ hành, nhiều tour du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam đã bị hủy bỏ, một số đơn hàng của đối tác nước ngoài cũng bị hủy sau khi họ chứng kiến tình trạng hỗn loạn đang xảy ra. Đấy, đó là khái quát những “thành quả” của cuộc biểu tình “ôn hòa”, có đủ để đau đớn và xót xa, uất nghẹn chưa?

Đã xuất hiện rất nhiều cuộc biểu tình không hề xuất phát từ phía những người dân chân chính, với những nội dung và cách thức văn minh, thượng tôn pháp luật.

Vì vậy, ngoài xử lý nghiêm khắc những kẻ cầm đầu lôi kéo, kích động những hành vi quá khích, bạo loạn hôm qua, một hành lang pháp lý với những ràng buộc, quy định cụ thể để đối phó, xử trí từ lúc manh nha đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Video: Đoàn người quá khích tràn vào trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận

Chiến Văn
Bình luận
vtcnews.vn