Uy lực vũ khí nổi tiếng của khối XHCN trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Thời sựThứ Tư, 31/01/2018 10:52:00 +07:00

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, những vũ khí do khối XHCN anh em viện trợ đã tỏ rõ uy lực trong địa bàn thành phố, thị xã.

Vũ khí lý tưởng cho tác chiến đô thị

Cuộc tiến công nhằm vào các cơ quan, sở chỉ huy của Mỹ-ngụy nằm trong thành phố, thị xã, nơi khoảng cách giao chiến ngắn, nhiều chỗ nấp, vật cản. Một trong những vũ khí hiệu quả, quan trọng nhất trong tay bộ đội ta tại chiến trường đặc thù ấy là tiểu liên AK.

Khả năng chống chịu bùn, nước, đất cát nổi tiếng của súng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong tay các chiến sĩ, những khẩu tiểu liên AK đã từ rừng núi hiểm trở tiến công quân thù trên toàn miền Nam, vượt sông Hương chiếm lĩnh trận địa trong thành phố Huế, theo nhiều “hành lang” bí mật cùng các chiến sĩ biệt động Sài Gòn giáng đòn vào cơ quan đầu não của Mỹ-ngụy, khiến nước Mỹ bàng hoàng, sửng sốt.

290118hha91

 Bộ đội ta tiến công với súng AK và B41. Ảnh tư liệu

Tiếng súng AK nổ to, đanh thép rất đặc trưng, có tác động áp chế tâm lý đối phương. Trong tay xạ thủ kinh nghiệm, tiếng điểm xạ AK hai phát một còn đáng sợ hơn nhiều lần. Đạn cỡ 7,62mm của súng có sức công phá lớn, có thể xuyên qua vật cản như tường gạch, vách gỗ… những trở ngại thường thấy trong môi trường đô thị.

Phiên bản AK xuất hiện nhiều nhất có báng gỗ cố định. Báng súng làm bằng gỗ cứng và thép rất bền chắc, hữu ích khi đánh giáp lá cà. Phiên bản “Kiểu 56” có thêm lưỡi lê ba cạnh, biến súng thành vũ khí cận chiến lợi hại. Ít phổ biến hơn là AKS và AKMS, có báng gấp gọn, tiện lợi hơn khi vận chuyển và tác chiến trong không gian hẹp.

Trong cuộc chiến giành giật từng căn phòng, góc phố, tiểu liên AK là vũ khí đặc biệt phù hợp với chiến thuật “nắm thắt lưng địch mà đánh”.

Khẩu súng ngắn “nhỏ mà có võ”

Địa bàn hoạt động trong lòng địch đầy nguy hiểm khiến các chiến sĩ biệt động, tình báo viên cần một vũ khí dễ cất giấu. Súng ngắn là lựa chọn duy nhất đáp ứng được những yêu cầu trên, trong đó TT-33 tỏ ra vượt trội hơn cả.

Ra đời vào năm 1930 tại Liên Xô, TT-33 được sản xuất bởi nhiều nước XHCN, đến Việt Nam với định danh K-54. Cụm trưởng cụm tình báo H.63, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang) đã sử dụng một khẩu K-54 hạ gục hai sĩ quan Mỹ trong lúc theo dõi cuộc tấn công của biệt động Sài Gòn vào Dinh Độc Lập.

Súng K-54 có đầu đạn nhỏ, nhẹ, lượng thuốc phóng nhiều, sơ tốc lớn hơn các loại đạn súng ngắn khác của Mỹ. Đạn có khả năng xuyên qua mũ sắt và áo chống đạn tiêu chuẩn trang bị cho lính Mỹ khi đó từ khoảng cách khá xa.

K-54 vượt trội ở kích thước nhỏ gọn, đặc biệt ở bề ngang 29,7mm, nặng 0,91kg so với súng ngắn tiêu chuẩn M1911 của Mỹ, có bề ngang 34mm, nặng 1,36kg. Nhờ vậy, K-54 là vũ khí tin cậy, độ chính xác cao, xuyên giáp tốt, có thể cất giấu dễ dàng trong các vật dụng hoặc bí mật mang theo người.

Video: Tâm sự của những đứa con Biệt động Sài Gòn

“Pháo binh” cầm tay và vác vai

Việc chuẩn bị các loại thuốc nổ, lựu đạn, súng phóng lựu vác vai trước chiến dịch được ưu tiên hàng đầu. Do có thể ném qua vật cản, góc tường, thả từ trên cao, sát thương lớn đặc biệt trong không gian hẹp nên lựu đạn, thủ pháo ném tay tỏ ra có ưu thế hơn súng khi chiến đấu trong các tòa nhà. Chiến đấu bằng thủ pháo, bộc phá là một phần không thể thiếu trong cách đánh của lực lượng đặc công-biệt động.

Loại lựu đạn được sử dụng phổ biến nhất là lựu đạn “mỏ vịt”, do khối XHCN sản xuất như lựu đạn F1, RG-42. Lựu đạn mỏ vịt thường có kích thước vừa đủ để nắm trong lòng bàn tay. Một thiết kế cũ hơn là lựu đạn “chày”, cấu tạo có cán để cầm, ném. Mặc dù nặng, cồng kềnh hơn nhưng “cán chày” giúp người sử dụng ném lựu đạn đi xa hơn.

Uy lực nhất trong số những vũ khí ném tay là “thủ pháo”, có cấu tạo như khối bộc phá thu nhỏ. Tùy vào khối lượng, sức công phá của thủ pháo có thể mạnh tương đương lựu đạn hoặc đánh sập được tường bê tông, công sự của địch. Tiếng nổ của bộc phá, thủ pháo là hiệu lệnh mở đầu cho cuộc tiến công vào những mục tiêu Mỹ-ngụy không thể lường trước ngay giữa lòng Sài Gòn.

Nhưng vũ khí gây thiệt hại nhiều nhất cho quân đội Mỹ-ngụy, khiến chúng hoang mang nhất là những khẩu “pháo dã chiến” vác vai, biệt danh của loại súng chống tăng RPG do Liên Xô sản xuất. Vào thời điểm tiến hành chiến dịch, bộ đội ta sử dụng chủ yếu súng RPG-2 (B40) và số lượng ít phiên bản RPG-7 (B41) hiện đại hơn.

Súng chống tăng B40 ra đời năm 1949, có tầm bắn hiệu quả đạt 150m. B40 rất hiệu quả khi bắn mục tiêu công sự, lô cốt, xe tải, tăng-thiết giáp, nhưng đạn B40 có cơ chế kích nổ đơn giản, có thể bị bao cát, lưới thép chống B40 ngăn chặn. Nhược điểm trên được khắc phục ở B41, ra đời năm 1958. Đạn B41 có sức xuyên mạnh hơn, có ngòi nổ áp điện rất nhạy. Đạn có thêm cơ chế tự hủy, vẫn có thể kích nổ sau khi mắc vào bao cát, thiết giáp có dùng lưới chống B40.

Các “pháo dã chiến” vác vai tỏ rõ uy lực đáng sợ trong tay các xạ thủ của bộ đội chủ lực và quân giải phóng. B40, B41 là vũ khí hiệu quả trong chiến thuật đối phó với ưu thế hỏa lực mạnh của địch bằng đánh gần, khiến chúng luôn phải nhích từng mét trong hoang mang, lo sợ. Nhiều nỗ lực phản kích bằng tăng-thiết giáp của địch đều gặp kết cục là xe bị bắn cháy.  

Mặc dù vậy, B40 và B41 có khối lượng chiến đấu khá nặng, cồng kềnh, khó mang vác tác chiến hơn các vũ khí cá nhân khác. Khi bắn súng cần tối thiểu hai mét không có tường cản sau lưng để tránh luồng lửa phụt ra sau gây nguy hiểm. Tiếng súng nổ khi bắn lớn khiến xạ thủ không thể bắn liên tục. Nhưng nhiều chiến sĩ ta vẫn kiên cường chiến đấu, đánh địch bất chấp luồng lửa và tiếng súng.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là lần đầu tiên vũ khí chống tăng vác vai của ta được đưa vào sử dụng tại các thành phố, thị xã, là hỏa lực cá nhân nhưng uy lực ngang tầm pháo binh tấn công ngay tại nơi địch cho rằng chúng được an toàn. Khoảng cách giao chiến gần trong đô thị khắc chế ưu thế tầm bắn của tăng-thiết giáp, đồng thời phát huy yếu tố hỏa lực mạnh, cơ động, bất ngờ của B40, B41.

(Nguồn: Quân đội nhân dân)
Bình luận
vtcnews.vn