Tận diệt Tờ Trung ở Gia Lai để bán cho thương lái Trung Quốc

Thời sựChủ Nhật, 09/04/2017 17:52:00 +07:00

Việc người dân tại xã Đăk Rong (huyện Kbang, Gia Lai) thi nhau vào rừng đào rễ cây Tờ Trung bán cho thương lái Trung Quốc đã khiến loại cây này bị tận diệt.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai lại rộ lên chuyện thương lái Trung Quốc thu mua rễ cây Tờ Trung giữ nước đầu nguồn tại huyện Kbang một cách bí ẩn khiến nhiều người hoang mang.

Ông Bùi Trọng Lượng, phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rong cho biết, việc người dân vào rừng đào rễ cây Tờ Trung bán là có thật. Một số làng có người dân vào rừng lấy rễ cây là  Kon Trang 1, Kon Bông 1, Kon Bông 2,… Số lượng đào khá lớn dẫn đến tình trạng giống cây này đang dần biến mất.

1

 Những rễ cây Tờ Trung được người dân đào xới ở trong rừng, đem về phơi khô và bán lại cho thương lái Trung Quốc.

Được biết, cây Tờ Trung là loại cây sống ở tầng thấp, dưới tán rừng và mọc rất nhiều ở những khu rừng có suối chảy qua.

Mỗi làng tại xã Đăk Rong đều có người thu mua rễ cây, gom hàng lại để bán cho thương lái từ nơi khác đến. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không biết họ đến từ đâu, mua rễ cây làm gì hay đưa đi tiêu thụ ở đâu.

Ông Đinh Văn Viên, phó trưởng thôn Kon Bông 1 (xã Đăk Rong, Kbang) cho biết, tình trạng trên đã diễn ra 5 năm nay. Trước đây, rễ cây Tờ Trung thường có rất nhiều ở các cánh rừng, dọc 2 bên bờ suối. Sau đó, có thương lái đặt vấn đề mua loại rễ cây này với giá từ 3.000-5.000 đồng/kg tươi nên người dân thi nhau vào rừng đào xới để bán.

Ông Viên cho biết thêm, không ai thắc mắc gì về việc những thương lái này thu mua rễ cây, chỉ biết đi đào để bán kiếm tiền. Có giai đoạn cả làng Kon Bông 1 đi đào rễ cây, cả một cánh rừng bị đào xới vô tội vạ. Đến nay, những cây này chỉ còn ở đầu nguồn các con suối hoặc phải vào sâu trong rừng mới tìm thấy.

2

Không ai biết thường lái Trung Quốc mua loại rễ cây này để làm gì. 

Từ trước đến nay, cây Tờ Trung tại đây chỉ có một số tác dụng như cung cấp nước uống cho người dân khi họ đi rừng, vì trong thân cây có chứa một lượng nước đủ cho vài người. Ngoài ra, cây Tờ Trung mọc chủ yếu ở đầu nguồn các con suối nên rễ cây còn có tác dụng giữ nước đầu nguồn, tránh tình trạng cạn nước vào mùa khô và lũ quét vào mùa mưa. Từ khi xảy ra tình trạng đào xới rễ cây để bán, dòng nước tại các con suối trong khu vực đã giảm đáng kể.

Một người thu mua rễ cây Tờ Trung ở xã Đăk Rong cho biết, anh chỉ là người trung gian thu mua rễ cây rồi về phơi khô, bán lại cho những thương lái người Trung Quốc. Anh cũng không biết loại cây này có tác dụng gì đặc biệt mà thương lái Trung Quốc phải thu mua với số lượng lớn trong nhiều năm qua.

Địa điểm người dân thường vào đào rễ cây Tờ Trung là khu rừng do công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Rong quản lý. Ông Trương Văn Bốn (Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Rong) cho rằng loại cây này không ảnh hưởng gì đến rừng, thậm chí trước đây công ty còn phải cho nhân viên vào rừng chặt bớt loại cây này để không ảnh hưởng đến sự phát triển của các loại cây khác.

Tuy nhiên, Ông Nguyễn Văn Hoàn (Giám đốc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh) lại cho rằng muốn chặt bỏ cây gì đều phải có văn bản đồng ý của Sở NN&PTNT. “Không ai thần kinh mà vào rừng để chặt các rễ cây cả”, ông Hoàn khẳng định.

Hiện nay, sau nhiều lần chính quyền xã Đăk Rong và huyện Kbang vận động, tình trạng người dân tại đây vào rừng để chặt rễ cây Tờ Trung bán gần như không còn tồn tại. Tuy nhiên, thiệt hại vì việc đào xới loại cây giữ nước đầu nguồn này sẽ mất thêm một thời gian dài nữa mới có thể khắc phục.

Video: Thương lái Trung Quốc ngừng mua, Cà Mau "ế" 5.000 con cá sấu

Tân Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn