Quốc hội sẽ xem xét Luật đặc khu trong kỳ họp thứ 6

Thời sựThứ Sáu, 13/07/2018 21:21:00 +07:00

Kỳ họp thứ 6 sắp tới, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xem xét Luật đặc khu...

Chiều 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và thảo luận dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14.

Trong báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội tại phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc lùi thời hạn thông qua dự án luật đặc khu thể hiện tinh thần cầu thị, sự thận trọng cần thiết của Quốc hội và Chính phủ.

nguyenhanhphuc

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh công tác lập pháp tại kỳ họp này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và được đông đảo cử tri quan tâm . (Ảnh: VGP)

Tổng thư ký Quốc hội nêu rõ, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt Luật đặc khu), trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Quốc hội quyết định điều chỉnh thời gian thông qua dự án luật này từ Kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi.

Kết quả kỳ họp cũng cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng hướng tới chiều sâu, gắn bó mật thiết với nhân dân, được cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi, giám sát, đóng góp ý kiến thẳng thắn, kịp thời, có tính xây dựng. Quốc hội đã trân trọng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các quyết định của Quốc hội.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh công tác lập pháp tại kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng và được đông đảo cử tri quan tâm để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Các dự án luật, nghị quyết đều được Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn, có trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thể hiện chính kiến rõ ràng và quyết định phù hợp trên cơ sở nghiêm túc nghiên cứu tài liệu, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân.

Nhìn nhận một số hạn chế của kỳ họp thứ 5, dự thảo báo cáo nêu rõ, các phiên thảo luận vẫn còn một số ít đại biểu đọc văn bản thuần túy, nặng về tham luận, chưa thể hiện rõ chính kiến của người đại biểu nhân dân trước những vấn đề quan trọng của đất nước hoặc tranh luận chưa đúng yêu cầu.

Việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu.

Dự kiến Quốc hội làm việc 21 ngày, khai mạc vào ngày 22/10 và bế mạc vào ngày 19/11/2018. Trong đó, Quốc hội sẽ dành một ngày để lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo giám sát, đồng thời đánh giá cao sự cố gắng của Đoàn giám sát, sự phối hợp tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình giám sát của Quốc hội.

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến xác đáng, Quốc hội thông qua nghị quyết tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội tiếp tục giám sát nội dung này, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng, tạo sự chuyển biến tích cực hơn trong việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn