Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát vùng tâm bão số 16 đổ bộ

Thời sựThứ Hai, 25/12/2017 12:00:00 +07:00

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đang cùng đoàn công tác của Chính phủ vào khu vực dự kiến tâm bão đổ bộ tại Sóc Trăng để kiểm tra, đôn đốc ứng phó bão.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 16 (tên quốc tế là Tembin), sáng 25/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra công tác phòng chống bão tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Tại đây, Phó Thủ tướng thị sát công tác kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu vào nơi trú ẩn an toàn; đồng thời chỉ đạo, động viên các lực lượng tham gia phòng chống bão.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết, sáng 25/12, ông trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó bão tại cảng cá Trần Đề.

ST A D2

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát, đôn đốc ứng phó bão tại Sóc Trăng

Trước đó, tại phiên họp chỉ đạo ứng phó bão, Chủ tịch Sóc Trăng cho biết, tại các điểm xung yếu, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó với bão số 16. Hiện nay, công tác sẵn sàng ứng cứu phải được coi là nhiệm vụ số một của các lực lượng chức năng. 

Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, chiều qua, tỉnh đã chỉ đạo di dời dân ngoài tuyến đê biển vào nơi trú, tránh bão đã được bố trí; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các hộ dân chấp hành nghiêm việc di dời; chăm lo cuộc sống cho người dân tại nơi trú tránh bão; đảm bảo vệ sinh, môi trường, nước sạch và an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh, học viên, sinh viên, giáo viên và cơ sở vật chất của các trường trên địa bàn tỉnh đã cho học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học 2 ngày (ngày 25 và 26/12). Trong những ngày nghỉ này, thủ trưởng các đơn vị phải phân công người trực 24/24 tại cơ quan, đơn vị và thực hiện đúng nội dung chỉ đạo của lãnh đạo.

Tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành văn bản số 2487, chỉ đạo các sở ngành, địa phương khẩn trương ứng phó bão với tinh thần tránh chủ quan, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Để công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả cao, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng trách nhiệm của người dân; lực lượng cứu hộ tại chỗ là quyết định nhưng cũng cần phải có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang cũng như các địa phương trên địa bàn. 

Cang tran de

Toàn bộ 1.198 tàu thuyền, trong đó có 350 tàu đánh bắt xa bờ của Sóc Trăng đã kết nối được liên lạc và vào các khu vực trú ẩn an toàn như Côn Đảo – Vũng Tàu, những tàu đánh bắt gần bờ vào khu vực Mỏ Ó, Bãi Giá, cảng cá Trần Đề trú ẩn.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu nhấn mạnh, hiện các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở cần phải tập trung toàn diện cho công tác ứng phó với bão số 16; không chủ quan, lơ là; làm phải quyết liệt, hết sức mình.

Bí thư Sóc Trăng yêu cầu tập trung di dời dân, khi di dời thì cần phải bảo vệ người dân và tài sản của bà con; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cứu hộ; công tác hậu cần, y tế… tránh thiệt hại đến mức thấp nhất.

Ngày 24/12, đại tá Trần Ngọc Diệp, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9 và lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP Sóc Trăng đã kiểm tra tình hình ứng phó bão Tembin tại các huyện, thị xã ven biển tỉnh Sóc Trăng.

Tại buổi kiểm tra, đoàn đã nghe báo cáo tình hình ứng phó bão, phương án, khu vực cần di dời khi có bão đổ bộ. Theo đó, TX. Vĩnh Châu dự kiến di dời trên 12.000 người khu vực nguy hiểm thuộc các xã: Lai Hòa, Vĩnh Tân, Lạc Hòa, Vĩnh Hải và phường Vĩnh Phước, Phường 1, Phường 2.

Huyện Cù Lao Dung dự kiến di dời 5.535 người ở các xã: An Thạnh 1, An Thạnh 2, An Thạnh 3, An Thạnh Nam, Đại Ân 1 và thị trấn Cù Lao Dung; Huyện Trần Đề dự kiến di dời 3.063 dân thuộc các xã: Đại Ân 2, Trung Bình và thị trấn Trần Đề.

Video: Siêu bão Tembin sắp đổ bộ miền Nam mạnh đến cỡ nào?

Huyện Kế Sách dự kiến di dời 3.036 dân thuộc các xã: Phong Nẫm, An Lạc Thôn, An Lạc Tây, Nhơn Mỹ, An Mỹ; huyện Long Phú dự kiến di dời dân ở các xã: Song Phụng, Long Đức và thị trấn Đại Ngãi với khoảng 2.551 dân.

Đồng thời, đoàn cũng kiểm tra thành phần, lực lượng, trang thiết bị cần thiết để ứng phó với bão. Cụ thể, những địa bàn xung yếu đã huy động khoảng 2.000 người là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ sẵn sàng thực hiện các biện pháp di dời nhân dân đến các khu vực an toàn.

Đại tá Trần Ngọc Diệp yêu cầu Bộ CHQS tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tăng cường các kíp trực cứu hộ, cứu nạn, giữ vững thông tin liên lạc thông suốt, sẵn sàng lực lượng ứng cứu giao thông, cấp phát lương thực, thực phẩm, vận chuyển, cứu chữa nạn nhân và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn khi có bão đổ bộ vào.

Theo dõi, cập nhật thông tin và nắm chắc diễn biến tình hình bão nhằm bảo đảm an toàn về người và phương tiện tham gia ứng phó. Phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Thy Huệ - Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn