Nước lũ lên cao lịch sử, dân Huế kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ nghề ăn theo

Thời sựThứ Ba, 07/11/2017 14:28:00 +07:00

Nước lũ lên cao, tràn lên đường phố khiến ô tô, xe máy, xe đạp không thể lưu thông, đây cũng là lúc nghề vận chuyển bằng thuyền lên ngôi, giúp người dân kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Kiếm tiền triệu mỗi ngày

Những ngày qua, nước lũ dâng cao khiến nhiều địa phương ở tỉnh Thừa Thiên - Huế bị cô lập. Để vào được những vùng này, người dân chỉ còn cách lội bộ dưới dòng nước lũ chảy xiết hoặc đi bằng thuyền.

Tuy nhiên, không phải lúc nào người dân cũng có thể chuẩn bị thuyền để đi. Từ đây, nghề dùng thuyền chở khách và các loại phương tiện qua các điểm ngập lụt bắt đầu xuất hiện.

Ghi nhận của PV VTC News tại khu phố cổ Bao Vinh (Huế), đoạn đường chính nối về các xã của thị xã Hương Trà vẫn đang bị ngập sâu. Tận dụng điều này, nhiều người có ghe, thuyền tranh thủ làm dịch vụ chở khách trong mưa lũ để kiếm thêm thu nhập.

23336145_1539149129508469_2115738584_o

 Người dân mang thuyền ra điểm ngập lụt ở đường Đinh Tiên Hoàng (TP Huế) để hành nghề. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Tại đây, nhiều lái ghe tất bật cả ngày với công việc đưa đón khách của mình. Không chỉ chở khách, các thuyền, ghe còn nhận chở luôn cả phương tiện và hàng hóa cho người dân... Tùy vào quãng đường di chuyển dài, ngắn mà mức giá cũng được đưa ra khác nhau.

Theo tiết lộ của một chủ thuyền, mỗi ngày họ có thể chở từ 40 đến 50 chuyến và số tiền thu về từ dịch vụ này lên đến tiền triệu. Nhiều người dù chỉ có nhu cầu đi thuyền qua đoạn đường ngập khoảng 200m nhưng phải trả 30-50.000 đồng. Vì thế, việc các chủ thuyền có thể kiếm được từ 1,5 đến 2 triệu đồng/ngày không có gì là lạ.

“Mưa gió lụt lội, nhiều người cần đến thuyền để đi lại trong khi gia đình có sẵn thuyền nên tôi cũng tranh thủ chở khách để kiếm thêm thu nhập. Tuy phải dầm mưa, ướt lạnh cả ngày nhưng công việc này giải quyết được nhu cầu đi lại cho nhiều người, còn tôi cũng kiếm được thêm một khoản để trang trải cuộc sống”, một chủ thuyền cho hay.

23379586_1446118078839260_1068222518_o

 Chở khách qua đoạn đường bị ngập lụt ở phố cổ Bao Vinh (Huế). (Ảnh: LC)

Ngoài dịch vụ chở khách bằng thuyền, dịch vụ cứu hộ ô tô bị mắc kẹt trong lũ cũng là công việc giúp nhiều người kiếm thêm thu nhập.

Tại TP Huế, do lũ lên bất ngờ khiến nhiều tài xế không kịp trở tay, nhiều ô tô bị chìm trong nước hư hỏng, chết máy… Để cứu xe, các tài xế phải thuê đến xe cẩu để đưa xe về nơi khô ráo.

Do thời tiết mưa lũ, nhiều người có nhu cầu nên giá dịch vụ cứu hộ ô tô vì thế cũng được đẩy lên cao ngất ngưởng. Giá để cứu hộ một chiếc xe ô tô liên tục tăng từ 1,5 triệu đồng lên 2 triệu đồng/chiếc.

Một chủ kinh doanh dịch vụ xe cẩu tại TP Huế cho hay, chỉ riêng trong ngày 5/11, cơ sở này được thuê cẩu hơn 50 xe ô tô, thu về gần 100 triệu đồng.

“Ngày thường giá thuê cẩu một chiếc xe chỉ 700.000 đồng, nhưng lợi dụng lũ lụt họ đẩy giá lên lên gấp đôi, gấp ba. Mình không còn cách nào khác nên phải chấp nhận”, chị N.L (trú tại khu chung cư ở tổ 14 phường Xuân Phú) cho biết.

Hơn 70.000 ngôi nhà vẫn bị ngập lụt

Ghi nhận của PV VTC News trong ngày 6/11, mưa ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giảm, nước sông cũng đã rút nhưng rất nhiều điểm ở TP Huế vẫn còn bị ngập sâu trong nước, một số địa phương ở các huyện, thị xã của tỉnh này vẫn bị cô lập. Tại huyện Quảng Điền, hầu hết các lối vào trung tâm của huyện này vẫn đang bị nước lũ làm cho cô lập. 

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, sáng 7/11, tại địa bàn tỉnh vẫn có mưa rất to, nhất là vùng núi; lượng mưa đo được từ 19h ngày 3/11 đến sáng 7/11 tại trạm Bạch Mã (Nam Đông) là 2438 mm; trạm A Lưới tại A Lưới là 1022 mm; Khe Tre (thượng nguồn Tả Trạch) là 931 mm; còn lại phổ biến từ 339 mm - 467 mm.

Do mưa lớn từ thượng nguồn kết hợp với triều cường dâng cao phía hạ lưu nên nước rút rất chậm.

23377234_1139281502875612_1966198872_o 4

 Nước lũ hiện vẫn đang làm cô lập nhiều địa phương của huyện Quảng Điền. (Ảnh: PT)

Các địa bàn vùng thấp trũng của tỉnh gồm huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà và TP Huế bị ngập sâu từ 0,6 - 0,8m.

Ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện nay, nước lũ đang xuống dần, tỉnh đã chỉ đạo nước rút đến đâu khắc phục hậu quả đến đó. Các địa phương triển khai ngay các biện pháp khắc phục thiệt hại theo phương án "4 tại chỗ".

Đối với việc vận hành hệ thống hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn phải đảm bảo an toàn, tuân thủ nghiêm quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa.

Tỉnh cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ thuốc tiêu độc cho vùng ngập lụt và hỗ trợ gạo cho người dân vùng ngập lụt; các bộ, ngành sớm khắc phục các công trình giao thông quốc gia bị hư hại để đảm bảo an toàn giao thông và phục vụ sản xuất. 

23336200_1139281386208957_575237052_o 5

 Một trường mầm non tại huyện Quảng Điền bị cô lập và ngập sâu trong nước. (Ảnh: PT)

Tại huyện Nam Đông, các lực lượng tại chỗ tập trung khắc phục điểm sạt lở đất đường tỉnh lộ 14B đoạn đèo La Hi ở 4 địa điểm với chiều dài khoảng 130m; sạt lở đất đường trục xã với chiều dài 30m; sạt lở đất bờ sông, suối với tổng chiều dài 1550m.

Huyện A lưới tập trung khắc phục sạt lở 6 điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 49 và các tuyến đường liên thôn, cầu Chai 1, 2 thuộc xã Đông Sơn tiếp tục bị sạt mái taluy và sạt mố cầu.

Đáng chú ý, các lực lượng tại chỗ của địa phương đã huy động lực lượng giải cứu 20 người bị cô lập trên đèo Tà Lương (A Lưới) từ 15h30 ngày 6/11 đến 22h cùng ngày mới đưa được số người này ra khỏi vùng nguy hiểm. 

Huyện Phú Lộc tập trung khắc phục bước đầu khu vực sông Bù Lu (xã Lộc Vĩnh) tiếp tục sạt lở sâu vào khu dân cư 1m, dài 300m; sạt lở bờ sông Nước ngọt (xã Lộc Thủy) dài khoảng 1.500m, lấn sâu vào gần nhà dân, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến 3 hộ sống gần bờ sông, hiện đã di dời các hộ này đến nơi an toàn.

Tại vị trí nhà ông Nguyễn Thêm (thôn Xuân Mỹ, xã Xuân Lộc) bị sạt lở đất, có nguy cơ ảnh hưởng đến nhà; hiện địa phương đã tổ chức di dời hộ dân này đến nơi an toàn.

Đèo Hải Vân tại km 897+600 đến 897+800 bị sạt lở đất đá khoảng 70m3, chiếm 1/3 đường Quốc lộ 1A. 

Nhà máy phát điện của Công ty thủy điện Bình Điền bị xói lở bên hông và đoạn đường vào nhà máy hư hỏng, xâm thực nặng có nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận hành.

Công ty đang huy động máy móc, phương tiện và khoảng hơn 50 lao động tập kết vật liêu, rọ thép, đá hộc…, tiến hành biện pháp khắc phục tạm thời để bảo vệ an toàn nhà máy.

Đến ngày 7/11, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 6 người chết, 3 người mất tích và 3 người bị thương do mưa lũ. 

Toàn tỉnh đã có 70.249 nhà bị ngập lụt, trong đó nặng nhất là TP Huế với khoảng 45.200 nhà bị ngập sâu từ 0,3-0,8m. Lực lượng chức năng đã sơ tán, di dời 2.248 hộ với 8.482 người khỏi vùng nguy hiểm.

Video: Thừa Thiên - Huế vỡ đê biển, lũ lên nhanh gây ngập nhiều nơi

NGUYỄN VƯƠNG
Bình luận
vtcnews.vn