Những kẻ hợp lực kéo dài nỗi buồn chiến tranh

Thời sựThứ Năm, 04/01/2018 12:38:00 +07:00

Sự ngu dốt của những kẻ cưa bom đạn lấy phế liệu đáng trách 1, nhưng sự thờ ơ đến vô cảm của cơ quan quản lý - dẫn đến những vụ nổ khiến bao người vô tội phải chết thảm - là tội ác phải bị lên án.

“Nỗi buồn chiến tranh”

“Nỗi buồn chiến tranh” - tựa đề tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh có lẽ là cụm từ chính xác nhất để miêu tả tâm trạng của không ít người lúc này, khi bàng hoàng chứng kiến cái chết, những người bị thương và khung cảnh hoang tàn sau vụ nổ ở Bắc Ninh sáng qua.

Nhiều người hoang mang, không biết chiến tranh đã kết thúc thật chưa, hay sự ngu dốt của những kẻ ngày ngày cưa bom lấy phế liệu đã nghiền nát mọi hy vọng làm liền vết sẹo chiến tranh qua đi hơn 40 năm?

Những tưởng thế hệ hậu chiến sẽ chỉ còn nhớ đến chiến tranh qua sách vở, tư liệu, hình ảnh lưu giữ trong bảo tàng, hóa ra không phải, chiến tranh chân thực đến nỗi hầu như không ngày nào trên dải đất này không có người chết hoặc bị thương vì tiếng nổ vang trời của bom mìn.

26553524_857076311139777_797230761_n-1230106

 Chiến tranh chân thực đến nỗi hầu như không ngày nào trên dải đất này không có người chết hoặc bị thương vì tiếng nổ vang trời của bom mìn. (Hình ảnh vụ nổ kho phế liệu ở Bắc Ninh)

Hôm qua là 2 cháu bé tử vong, 8 người bị thương ở Bắc Ninh do người dân mua vật liệu nổ về chế xuất phế liệu; hôm trước nữa là 6 người chết tại chỗ, 2 người bị thương tại Khánh Hòa do chính những người này đem đầu đạn đi cưa lấy thuốc nổ và thép dùng làm cán dao; cách đó chưa lâu là 4 người thiệt mạng, 10 người bị thương ở khu đô thị Văn Phú, Hà Nội do chủ cơ sở thu mua phế liệu dùng đèn khò cắt vỏ bom; ….

Tội ác

Cách đây chưa lâu, Mỹ mở gói thầu 2 triệu USD nhằm giúp rà phá bom mìn chưa nổ tại Campuchia; viện trợ thêm cho Lào 90 triệu USD, cộng với con số 100 triệu USD trước đó để tìm phá 80 triệu quả bom chùm chưa nổ còn sót lại từ thời chiến tranh Việt Nam.

Trên dải đất hình chữ S là khoảng 800.000 tấn bom mìn còn rải rác. Mỗi năm nhà nước chi hàng nghìn tỷ đồng, cộng với sự góp sức của các tổ chức trên thế giới triển khai nhiều chiến dịch rà phá những khối thuốc nổ chết chóc nằm đâu đó dưới lòng đất.

Nói thế để thấy, cả ba nước Đông dương – túi đựng bom suốt những năm tháng chiến tranh phải huy động rất nhiều nguồn lực, tiền bạc, thậm chí đánh đổi bằng tính mạng trong thời bình, để nỗ lực hồi sinh những “vùng đất chết”, trả lại người dân đất đai canh tác, phát triển kinh tế.

Theo tính toán, với mật độ bom mìn và tốc độ rà phá như hiện tại, khoảng 300 năm nữa, Việt Nam mới có thể hết bom mìn còn sót lại. Chính xác, đó là cuộc chiến trăm năm, cần thêm nhiều thế hệ để đất đai “sạch” như trước chiến tranh.

Đối nghịch với những nỗ lực đó, là vài ba ngày, người ta lại nghe tiếng nổ chát chúa cướp đi sinh mạng của nhiều người ở đâu đó, giữa khu dân cư, nơi những quả bom mìn được coi là món hàng hoá, khởi nguồn từ sự thiếu nhận thức, hoang dã, hám lợi một cách ngu muội của không ít người dân.

nannhan-1458388915247 (1)

 Vài ba ngày, người ta lại nghe tiếng nổ chát chúa cướp đi sinh mạng của nhiều người ở đâu đó, giữa khu dân cư. (Hình ảnh vụ nổ ở khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội)

Những cái chết đau lòng kia có phải lần đầu, lần thứ hai hay hy hữu không? – Hoàn toàn không. Đó là những cái chết hàng ngày, hàng giờ, được báo trước, đến từ những quả bom được cài sẵn thiết bị hẹn giờ, cụ thể cả địa điểm, chỉ chờ phát nổ.

Thực tế, những vụ nổ chết người liên tiếp thời gian qua là dễ hiểu. Đó là sự tham lam, mông muội không chỉ của những kẻ buôn bán phế liệu là bom mìn, mà còn của một bộ phận không nhỏ người dân.

Hàng ngàn người nô nức, háo hức đi xem vớt bom ở cầu Long Biên như trẩy hội dù đã được cảnh báo; vô tư ngồi xem hàng xóm cưa đầu đạn còn thuốc… Trong vụ nổ thảm khốc ở Bắc Ninh ngày hôm qua, khi mùi chất nổ còn chưa tan hết, những người hiếu kì ùn ùn kéo tới tò mò, rồi tranh thủ thu gom đạn.

Sợ hãi nhất, là tưởng rằng chỉ thiểu số người chưa tiệm cận được với sự văn minh kiếm tiền bằng cách này, hóa ra cưa bom, đùa giỡn với thần chết là một nghề. Nghề ấy tồn tại khắp các làng quê và đô thị do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh rải từ Bắc chí Nam.

Có những ngôi làng ở Quảng Bình, Quảng Trị, 90% người dân làm nghề cưa bom lấy phế liệu. Ngay ở Hà Nội, Bắc Ninh, Sài Gòn…những người ăn ngủ cùng thần chết cũng ở khắp hang cùng ngõ hẻm, ra tận ngoại ô.

Làm nghề "ôm bom", họ có biết nguy hiểm rình rập, cái chết ập đến với bản thân, gia đình bất cứ lúc nào? Chắc chắn họ biết, và biết rõ là khác, nhưng họ vẫn làm, bởi lợi nhuận và không ai kiểm soát, cảnh báo.

Người ta giật mình tự hỏi, có ai quản lý những cơ sở thu mua phế liệu nhỏ lẻ, tự phát, hay cả những “vựa” đựng ký ức chiến tranh khủng khiếp kia không? Câu trả lời là không, hoặc nếu có thì rất lỏng lẻo. Người ta chỉ thấy sự thờ ơ đến vô cảm của cơ quan quản lý.

 
Các cơ quan quản lý tuyệt không thấy động thái gì để ngăn chặn những cái chết thảm được báo trước. Đó là tội ác cần phải bị xã hội lên án.

Sau những vụ nổ liên tiếp, mới thấy, dường như bom mìn có ở khắp mọi nơi.

Những vụ nổ vẫn đang tiếp tục diễn ra với tần suất ngày càng dày đặc và hậu quả ngày càng khủng khiếp. Nhưng các cơ quan quản lý tuyệt không thấy động thái gì để ngăn chặn những cái chết thảm được báo trước.

Đó là tội ác cần phải bị xã hội lên án.

Khát khao ''hoà bình hoá'' di chứng chiến tranh

Năm 1960, nghĩa là khi miền Bắc mới bước ra khỏi chiến tranh chưa lâu, bom mìn, đạn pháo vừa mới quen thuộc bên tai hôm qua, hôm kia, Nguyễn Khải viết “Mùa lạc”.

Nhà văn miêu tả nông trường Điện Biên, nơi mà chiến tranh để lại chằng chịt những vết thương, bước chân nào đặt lên đất cũng run rẩy vì bom mìn, thứ hạnh phúc đơn sơ ở đó là “trong những buổi lễ cưới, người ta tặng nhau một quả mìn nhảy đã tháo kíp làm giá bút, một quả đạn cối tiện đầu, quét lượt sơn trắng làm bình hoa, một ống thuốc mồi của quả bom tấn để đựng giấy giá thú, giấy khai sinh cho các cháu sau này…”.

Khao khát được hòa bình hóa những di chứng của chiến tranh từ hơn nửa thế kỷ trước hóa ra lại cao cả gấp vạn lần ao ước có vài kg sắt vụn trong thời bình.

Thời ấy, người ta mong mỏi thấy “Màu xanh thẫm của đỗ, của ngô, của lạc, màu xanh non của lá mạ, màu đỏ tươi của ớt chín lấn dần lên các màu nham nhở, man rợ khác của đất hoang…”, còn giờ, nỗ lực tái sinh vùng đất chết như khí thế của những năm 60, bị phá nát bởi những kẻ đi buôn thần chết, gieo sự chết chóc cho bao người vô tội, bằng thứ vũ khí người ta chỉ muốn nó không tồn tại.

Phải có người nói cho những kẻ ấy rằng, gỡ những quả bom mìn, đạn pháo chưa phát nổ, là nhiệm vụ của những lực lượng được đào tạo bài bản, với đầy đủ trang thiết bị đảm bảo sự an toàn nhất định, không phải bằng đèn khò, cưa sắt, búa tạ hay nhiệt độ của bếp lửa. Đừng chết trong thời bình, bằng những di chứng của thời chiến.

Video: Công binh thức trắng đêm nhặt vỏ đạn, mảnh bom mìn còn sót lại 

An Yên  
Bình luận
vtcnews.vn