Luật Giá không có 'Trạm thu giá', chỉ có trong thông tư của Bộ GTVT

Thời sựThứ Năm, 24/05/2018 17:32:00 +07:00

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết trong nội dung của Luật Giá và trong Nghị định 07 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật này, không có cụm từ nào là “Trạm thu giá”.

Ngày 24/5, trả lời VTC News, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho biết trong nội dung của Luật Giá và trong Nghị định 07 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật này, không có cụm từ nào là “Trạm thu giá”.

"Chỉ có ở Thông tư 49 của Bộ GTVT, khi hướng dẫn thi hành Nghị định 07 mới gọi tắt cụm từ “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ” thành “Trạm thu giá”, đại biểu Lê Thanh Vân nói. Vì vậy, Bộ GTVT đã tự đặt ra cụm từ này gây khó hiểu và bức xúc cho dư luận.

le-thanh-van-2

 Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho biết trong nội dung của Luật Giá và trong Nghị định 07 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật này, không có cụm từ nào là “Trạm thu giá”.

Vị đại biểu Cà Mau cho rằng việc sử dụng ngôn ngữ trong khái niệm “trạm thu giá” là không bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt. Chữ "giá" trong "trạm thu giá" của Bộ GTVT là không có nghĩa căn cứ theo từ điển tiếng Việt.

"Bộ GTVT đã sai thì nên sửa", ông Vân đề nghị.

"Trong trường hợp này, Bộ GTVT đã chọn sai ngôn ngữ, mà đã sai rồi thì nên khắc phục, đừng có biện hộ bằng cách giải thích từ gốc rễ là luật với nghị định, không nên như thế", đại biểu Lê Thanh Vân lưu ý.

Vị Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng Bộ GTVT nên để rõ là "Trạm Thu giá dịch vụ BOT" chứ không nên cắt gọt là "Trạm Thu giá".

Vị đại biểu Cà Mau cũng cho rằng người dân phản ứng là có căn cứ để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, sự chuẩn mực của ngôn ngữ pháp lý. Nhà nước phải dùng ngôn ngữ phổ thông, chuẩn mực, dễ hiểu và trước hết là thuần Việt.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng những gì mà Nhà nước thu của nhân dân thông qua thuế, ngân sách, Nhà nước phải đảm bảo giao thông tối cần thiết cho nhân dân.

Các tuyến quốc lộ thì nhất định không được thu phí. Chỉ những chỗ các doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư để người dân có sự lựa chọn tốt hơn thì mới được thu tiền.

Video: Chuyên gia ngôn ngữ nói "thu giá" rất mơ hồ và vô nghĩa

Trong khi đó, sáng 24/5, trao đổi với báo chí tại hành lang kỳ họp Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết vừa qua có nhiều ý kiến trao đổi của đại biểu Quốc hội về việc đổi tên thu phí sang thu giá tại các trạm BOT. Tuy nhiên, từ thu giá chưa từng được sử dụng.

Bà Hải cho rằng khi sử dụng dịch vụ phải trả giá liên quan tới mức độ sử dụng dịch vụ đó, tuân theo nguyên tắc thị trường. Vì vậy, bà Hải cho rằng có thể gọi là "trạm bán vé, trạm kiểm soát vé" khi sử dụng dịch vụ BOT do doanh nghiệp cung cấp. 

“Tôi nghĩ nếu vẫn dùng chữ giá phải dùng đầy đủ là trạm thu giá sử dụng dịch vụ BOT do doanh nghiệp A, B, C cung cấp. Giá đó do doanh nghiệp điều tiết. Nếu trạm đông người qua thì lấy thu bù chi thì sẽ giảm giá. Nếu trạm ít người qua lại thì không đủ bù chi doanh nghiệp sẽ tăng giá. Tôi nghĩ tên gọi gây ra sự hiểu lầm, nghe không hợp lý với từ ngữ trước nay mà mình sử dụng”, bà Hải nói.

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đồng Nai

duong-trung-quoc

Đại biểu Dương Trung Quốc (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Dùng chữ giá, tôi cảm thấy không phải. Nếu đó là con đường của anh thì anh mới ra giá được. Có lẽ dùng chữ phí đúng hơn. 

Đây không phải là câu chuyện thuần tuý ngôn từ, mà điều quan trọng, là quyền của người khai thác đến đâu. Đây không phải là con đường của anh, mà là con đường của xã hội. Anh tham gia vào một phần nào đó thì anh chỉ được hưởng một phần nào đó mà thôi. Cái đó, theo tôi nên gọi là phí sử dụng. 

Tất nhiên, cuối cùng là cách tính toán thế nào, để không thiệt thòi cho doanh nghiệp vừa phù hợp với khả năng chi trả của người dân, khai thác ưu thế tối đa, công năng của con đường.

Giải pháp quan trọng nhất là Nhà nước phải can thiệp, tìm ra một giải pháp hài hoà lợi ích và minh bạch hoá.

Bà con không phải không biết đóng góp của doanh nghiệp. Nhưng làm thế nào để hợp lý.

Bà con hỏi tại sao không làm bảng điện tử thông báo cho người dân biết nhà đầu tư đầu tư bao nhiêu tiền, phương thức chi trả cho lợi ích của nhà đầu tư thế nào, hàng ngày thu bao nhiêu tiền. Người dân sẽ giám sát tất cả, để yên tâm việc sử dụng đấy là hợp lý. 

Một trong những yêu cầu quan trọng là minh bạch. Lâu nay từ khâu đấu thầu đến khâu thi công, thu phí đều trong “hộp đen” cả. Người dân không biết và người dân có quyền thắc mắc.

Phạm Thịnh - Phạm Thành
Bình luận
vtcnews.vn