Lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Trung ương vào tháng 12

Thời sựThứ Bảy, 06/10/2018 19:11:00 +07:00

Tại hội nghị vào tháng 12 tới, Ban chấp hành Trung ương sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Trung ương...

Chiều 6/10, ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, trong chương trình nghị sự năm 2018 còn một Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần 9 vào tháng 12.

Hội nghị này sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương và thường trực cấp ủy các cấp.

Theo quy định của Đảng, Nhà nước, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương sẽ được thực hiện sau khi lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn. Dự kiến trong kỳ họp thứ 6 khai mạc ngày 22/10 tới, Quốc hội khóa XIV sẽ tiến hành quy trình này.

le-quang-vinh-2 8

 Ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Trước đó, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh cho biết, tại hội nghị Trung ương 8, khi biểu quyết, Trung ương thống nhất cao 100% giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Ông Lê Quang Vĩnh thông tin chi tiết là khi biểu quyết, 175/175 ủy viên Trung ương thức có mặt đều đồng ý (các ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng chưa có quyền biểu quyết).

Ông Vĩnh cho hay, trong lịch sử của chúng ta, đã có hàng chục năm Bác Hồ là Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước nên đã có kinh nghiệm, truyền thống, không có gì đáng ngại.

"Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức công việc của Đảng và Nhà nước", ông Vĩnh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vĩnh, nhìn ra thế giới, người đứng đầu Đảng cầm quyền luôn là người đứng đầu Chính phủ hoặc nguyên thủ quốc gia, hoặc cả hai.

"Đây là tập quán chính trị, thông lệ quốc tế, vì vậy, Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước cũng là việc tự nhiên, hợp ý Đảng, lòng dân mà như báo chí phản ánh được nhân dân rất hoan nghênh.

Còn các nhiệm kỳ tới, tùy theo quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Tổng Bí thư có là Chủ tịch nước hay không và phụ thuộc vào tình huống cụ thể.

Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là việc tự nhiên trong đời sống chính trị của nhiều nước. Người đứng đầu Đảng cầm quyền, đều là người đứng đầu Nhà nước hoặc đứng đầu Chính phủ. Đây không phải việc lạ hoặc học theo ai đó", ông Vĩnh nói.

Theo điều 18 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 về lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng, Phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn