Kịch bản ứng phó sóng thần, lũ lụt ở Đà Nẵng dịp APEC

Thời sựThứ Năm, 02/11/2017 20:48:00 +07:00

Phương án di dân, cứu hộ các lãnh đạo dự APEC ở resort ven biển... được chính quyền Đà Nẵng lên kế hoạch chi tiết.

Trước dự báo về cơn bão Damrey hướng vào Trung Trung Bộ và Nam Bộ gây mưa "đặc biệt lớn" đúng dịp Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ - Trưởng ban phòng chống lụt bão TP Đà Nẵng đã phê duyệt kế hoạch ứng phó với mưa lũ và sóng thần.

Theo bản kế hoạch dài 13 trang, Sở Nông nghiệp sẽ liên tục tổng hợp tình hình bão mưa, lũ để tham mưu cho Ban chỉ đạo Trung ương và địa phương ra quyết định.

Sở Ngoại vụ được giao là đầu mối điều phối thông tin với các đại biểu APEC, Ban thư ký APEC; tiếp nhận và xử lý yêu cầu của các đoàn khách quốc tế trong việc ứng phó thiên tai.

Khi tình huống khẩn cấp xảy ra, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố hiệp đồng với các lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm sơ tán người tại các địa điểm tổ chức APEC, các khu nghỉ dưỡng ven biển đến khách sạn trên đường Ngô Quyền và quận Hải Châu.

1

 Nhiều tấm pano quảng cáo ven biển Đà Nẵng bị gió giật tung sau trận mưa lớn hôm 31/10. (Ảnh: Nguyễn Đông)

Đây cũng là đơn vị đảm trách việc cứu hộ, cứu nạn trên sông Hàn, khu vực vịnh Đà Nẵng, cửa sông Cu Đê, vùng biển Đà Nẵng. Việc cứu hộ, cứu nạn trên bờ, cấp cứu người thương vong được giao cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Sở Y tế. 

Về giao thông, Công an thành phố phối hợp với Sở Giao thông chốt chặn các tuyến đường và khu vực nguy hiểm; bảo vệ tài sản Nhà nước và đại biểu tham dự APEC.

Công trình thi công dang dở, tháp cẩu, cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước được Sở Xây dựng kiểm soát với sự hỗ trợ của Sở Công thương, Tài nguyên Môi trường. Sở Văn hóa xử lý các biển quảng cáo, pano, áp phích...

Lãnh đạo các quận, huyện được yêu cầu trực tiếp có mặt tại hiện trường để kịp thời báo cáo tình hình.

Sau bão và mưa lũ, ngoài việc báo cáo Trung ương khi vượt quá khả năng, các đơn vị liên quan phải tập trung khắc phục giao thông, khôi phục nhà cửa, hạ tầng, điện nước, viễn thông, môi trường...

Thành phố cũng có kế hoạch hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm, chỗ ở tạm cho các hộ mất nhà cửa hoặc bị hư hỏng nặng, nếu có.

Hai tiếng để di dân khi có sóng thần

Khi Viện Vật lý địa cầu phát bản tin động đất, cảnh báo sóng thần, cảnh báo sẽ được truyền đến toàn bộ đơn liên quan, hệ thống thông tin đại chúng cũng như Ban thư ký APEC. Thời gian sơ tán dân chỉ khoảng 2 giờ trước thiên tai nên phải thực hiện nhanh chóng. 

Các lực lượng tại chỗ như Ban An ninh, Văn phòng thường trực Ban thư ký APEC, các đoàn vệ sĩ… sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các lãnh đạo cấp cao, đại biểu tại các resort, khách sạn ven biển sơ tán đến nơi cách biển 500m trở lên. Khi sóng thần kết thúc, các lực lượng tập trung ngay vào việc tìm kiếm cứu nạn.

Video: Lũ về, 1 người chết, 250 con heo bị cuốn trôi ở miền Trung

Trước đó tối 1/11, tại Đà Nẵng đã diễn ra cuộc họp khẩn giữa chính quyền thành phố với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Theo dự báo, việc xuất hiện áp thấp và bão kết hợp không khí lạnh sẽ gây mưa "đặc biệt lớn" từ 3/11.

Ông Hoàng Văn Thắng - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết từ Huế trở vào phía Nam nguy cơ xảy ra lũ và mưa lớn kéo dài, sạt lở đất, lũ quét. Ông Thắng đề nghị chính quyền Đà Nẵng tuyệt đối không chủ quan.

Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11/11, với sự tham dự của khoảng 12.000 đại biểu của 21 nền kinh tế thành viên. Nhiều lãnh đạo các nước Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản... sẽ đến Đà Nẵng dịp này.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn