ĐBQH: 'Doanh nghiệp lại quả là ví dụ điển hình nhất hành vi tham nhũng trong khu vực tư'

Thời sựThứ Tư, 13/06/2018 16:25:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội cho rằng để tiếp cận nhanh nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, một số doanh nghiệp đã trích phần trăm tiền mặt (dưới 5% giá trị hợp đồng) để cảm ơn cán bộ tín dụng và đây là ví dụ điển hình nhất về hành vi tham nhũng trong khu vực tư.

Ngày 12/6, góp ý vào Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Nam Định cho biết trước đây khi nói hành vi tham nhũng quan niệm thường chỉ là hành vi của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan Nhà nước có hành vi chiếm đoạt, vụ lợi với tài sản Nhà nước mà ít ai cho rằng hành vi của một giám đốc doanh nghiệp cổ phần mà không có phần vốn góp Nhà nước chiếm đoạt tài sản doanh nghiệp cũng là hành vi tham nhũng.

Nữ đại biểu Nam Định cho rằng đến lúc chúng ta cần thay đổi quan niệm vấn đề này và nhất trí quy định luật áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng ở khu vực tư.

mai-thi-phuong-hoa

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Nam Định. 

"Thứ nhất, hiện nay tham nhũng trong khu vực tư diễn ra nghiêm trọng, phức tạp làm méo mó môi trường kinh doanh, làm suy yếu sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2010 - 2016 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu chính sách và phát triển thực hiện cho thấy tham nhũng được coi là 1 trong 5 yếu tố ảnh hưởng nhất môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Theo nghiên cứu này, để tiếp cận nhanh nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, một số doanh nghiệp đã trích phần trăm tiền mặt để cảm ơn cán bộ tín dụng. Các khoản lại quả mà doanh nghiệp thường trích là khoảng dưới 5% giá trị hợp đồng. Có thể nói rằng, đây là ví dụ điển hình nhất về hành vi tham nhũng trong khu vực tư", đại biểu Phương Hoa dẫn chứng.

Bên cạnh đó, tham nhũng trong khu vực tư không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực tư mà còn ảnh hưởng đến khu vực công. Trong một số trường hợp khu vực tư chính là nơi trú ẩn, rửa tiền, sân sau của những hành vi tham nhũng trong khu vực công. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ không đạt hiệu quả nếu chúng ta bỏ qua khu vực tư.

"Thứ ba, tham nhũng trong khu vực tư còn ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế, đến người tiêu dùng sản phẩm và làm do dự các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi các nhà đầu tư không thể dự đoán trước được những chi phí không chính thức có thể phát sinh trong hoạt động kinh doanh và chắc chắn sẽ không thoải mái khi làm ăn với những đối tác áp dụng các phương thức kinh doanh thiếu liêm chính. Cuối cùng khách hàng là người tiêu dùng sản phẩm, chính là người cuối cùng phải chịu những chi phí này, từ đó gián tiếp làm chậm sự phát triển của nền kinh tế", đại biểu Hoa phân tích thêm.

Vì vậy, nữ đại biểu này cho rằng trước mắt chỉ áp dụng đối với hai nhóm chủ thể, đó là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.

Tuy nhiên, đại biểu Hoa cho rằng cũng chỉ nên áp dụng một số chế định, ví dụ công khai, minh bạch hoạt động, trách nhiệm người đứng đầu mà không áp dụng toàn bộ các chế định của Luật Phòng, chống tham nhũng đối với khu vực công. 

"Thứ nhất, việc mở rộng phòng, chống tham nhũng cho khu vực tư không được làm phân tán nguồn lực, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực công đã và đang được thực hiện bước đầu có hiệu quả trong thời gian qua. Hay nói một cách khác phòng, chống tham nhũng trong khu vực công vẫn phải là chủ đạo.

Thứ hai, cần tránh nguy cơ chuyển định hướng của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng từ khu vực công sang khu vực tư. Bởi phòng, chống tham nhũng trong khu vực công thường là khó khăn và động chạm. Nên các cơ quan này có thể ưu tiên phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư hơn. Theo tôi, đây là một nguy cơ cần phải tránh. Trong công tác thanh tra, kiểm tra phòng, chống tham nhũng của cơ quan có thẩm quyền tại các doanh nghiệp tổ chức nêu trên thì cần tránh nguy cơ lạm dụng quyền lực, gây khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp, tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế.

Cuối cùng, tôi rằng đây là chính sách mới, có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xã hội nên cần có tuyên truyền, phổ biến pháp luật một cách rộng rãi và thấu đáo để doanh nghiệp, người dân có nhận thức sâu sắc và đúng đắn về vấn đề này", đại biểu Hoa nói.

Video: Đại biểu Quốc hội đề xuất có `Dũng sĩ diệt tham nhũng`

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn