Đại biểu Quốc hội: Yêu cầu người để xảy ra oan sai bồi hoàn cho ngân sách nhà nước

Thời sựThứ Hai, 09/01/2017 11:38:00 +07:00

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, phải xác định lỗi cụ thể của người có trách nhiệm như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán khi để xảy ra oan sai, yêu cầu họ bồi hoàn cho ngân sách nhà nước.

Sáng nay (9/1), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). 

chanh-an-nguyen-hoa-binh-1

Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Hoà Bình

Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Hoà Bình cho rằng hiện nay vấn đề khó nhất là định lượng mức bồi thường chứ không phải nguồn tiền bồi thường. 

Vị Chánh án Toà án nhân dân Tối cao dẫn chứng ở Australia, chính quyền hình thành quỹ để bồi thường oan sai. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm này.

"Nếu không chấp nhận thì chúng ta vẫn phải chịu áp lực trước câu hỏi tiền thuế của dân sao mang đi bồi thường cho những sai sót của cán bộ? Đằng nào thì cũng là tiền ngân sách thôi”, ông Bình nói.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải lại cho rằng cần có sự tách bạch trong việc tiến hành bồi thường nên đề xuất lập quỹ lấy tiền từ xử phạt bồi thường để người dân khỏi băn khoăn.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, hoạt động của Nhà nước thì phải do ngân sách đảm nhiệm là nguyên tắc, dù là tiền xử phạt hay khoản thu khác cũng đều là tiền ngân sách. Việc còn lại là giải thích cho dân hiểu.

ba-le-thi-nga-khong-an-thi-chet-an-thi-benh

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

“Anh nhân danh Nhà nước mà tuyên án không đúng thì phải bồi thường và lấy nguồn từ ngân sách. Không nên lập quỹ vì ta có nhiều quỹ quá rồi, mà quỹ thì cũng hoạt động từ ngân sách”, ông Phùng Quốc Hiển nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tất cả hoạt động gây oan, sai thì phải bồi thường, không đổ cho không khả thi hay điều kiện đất nước.

Video: Vì sao người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén chỉ được bồi thường 2,6 tỷ đồng

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị quy định rõ cấp nào ra quyết định sai thì cấp đó phải bồi thường, xin lỗi. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm liên đới từ điều tra, truy tố đến xét xử để không đổ trách nhiệm, đảm bảo minh bạch.

Ông Hiển gợi ý nên quy định mức bồi thường cho các tổn thất về tinh thần, danh dự theo quy đổi mức lương cơ sở. Việc xác định tổn thất tinh thần cần lấy cơ sở từ tính chất các loại vụ án, thời gian người bị oan phải chịu oan sai.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, nhân danh Nhà nước, công quyền mà làm oan, sai thì trước mắt lấy ngân sách bồi thường để đảm bảo quyền lợi của người bị oan.

“Đồng thời phải xác định lỗi cụ thể của người có trách nhiệm như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán để yêu cầu họ bồi hoàn cho ngân sách nhà nước. Khoản bồi hoàn này cũng phải xứng đáng để họ có trách nhiệm hơn”, bà Nga nói.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn