Đại biểu Quốc hội: Luật An ninh mạng phải đảm bảo an ninh Quốc gia

Thời sựThứ Tư, 13/06/2018 17:28:00 +07:00

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, cái được lớn nhất của Luật An ninh mạng là đảm bảo an ninh Quốc gia.

Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật An ninh mạng tại phiên họp hôm qua. 

Trả lời báo chí, đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, cái được lớn nhất của Luật An ninh mạng là đảm bảo an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng, hướng đến các lợi ích cao hơn. 

"Tự do không tách rời quy định của luật pháp. Tự do trong khuôn khổ Luật pháp. Luật pháp tạo ra hành lang, tổ chức, cá nhân được tự do đi trong hành lang đó, đi chệch ra ngoài sẽ bị tuýt còi thôi.

Tất nhiên, khi cơ quan nhà nước thực hiện chức năng kiểm tra, thẩm định, đánh giá, giám sát, xử lý vi phạm dẫn tới gây ra một số phiền hà cho doanh nghiệp hoặc ảnh hưởng đến tư tưởng của một số cá nhân. Nhưng đó là hành lang pháp lý cần phải có trên không gian mạng hiện nay. Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng cũng phải được xem xét để hạn chế tối đa rủi ro tác động tổ chức, cá nhân".

xuyen

Đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Đại biểu Xuyền cũng bình luận, việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng với đa số phiếu cao, xét trên bình diện chung, cho thấy Luật An ninh mạng có được sự đồng thuận tương đối lớn.

Điều đó cũng cho thấy băn khoăn của đại biểu Quốc hội và cử tri đã được ban soạn thảo và cơ quan trình xem xét, tiếp thu, chỉnh lý tối đa. Những tiếp thu của ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã thu gọn lại phạm vi, hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Luật An ninh mạng sẽ tập trung vào xử lý kịp thời, quản lý tốt nhất hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân trên không gian mạng đang rất phức tạp hiện nay. Đó là một mục tiêu của luật An ninh mạng đặt ra.

"Các quy định liên quan trong Luật An ninh mạng có đan xen với luật an toàn thông tin mạng, có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vì khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, sẽ tác động đến hoạt động của doanh nghiệp.

Nhưng các quy định đã được xem xét đảm bảo chặt chẽ, chỉ trong trường hợp có vi phạm, xác định có nguy cơ vi phạm hoặc bản chất đang vi phạm, thì doanh nghiệp mới phải phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý, điều tra, xác minh nhanh nhất để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp trên không gian mạng.

Giữ ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là mục tiêu đặt lên trên hết. Dĩ nhiên, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp cũng phải được quan tâm. Nói chung Luật cơ bản cân đối giữa các bên. Còn nói không tác động là không có. 

Sau khi tiếp thu, xem xét, trên bình diện chung, Quốc hội lấy lợi ích lớn hơn để ban hành luật này. Vì lợi ích lớn hơn, chúng ta phải chấp nhận những cái có thể có xung đột, vướng mắc hiện nay. Song những cái đó phải hạn chế tối đa.

Sau này, còn văn bản hướng dẫn của Chính phủ nữa. Ví dụ như công tác thẩm định hệ thống thông tin quan trọng Quốc gia, quy trình thanh kiểm tra, giám sát, quy trình xử lý sau này đối với tổ chức, doanh nghiệp, Chính phủ sẽ có những quy định cụ thể, cách thức làm cụ thể. Các văn bản đó đòi hỏi một bước nữa để chặt chẽ hơn, đảm bảo tối đa quyền cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp".

Video: Thông qua Luật An ninh mạng để tránh nói xấu, xuyên tạc

Xung quanh Luật An ninh mạng, ở góc độ người dân, một số ý kiến cho rằng quyền tự do phát ngôn trên mạng xã hội của người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Về ý kiến này, đại biểu Xuyền nhấn mạnh: "Quyền tự do cá nhân được xác định rất rõ trong Hiến pháp. Luật không ngăn cấm các hành vi không vi phạm pháp luật. Trừ khi anh vi phạm pháp luật thì cơ quan Nhà nước mới xử lý, hạn chế cái sai đó đi. Họ có thể yêu cầu gỡ bỏ thông tin, xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Còn quyền tự do cá nhân, luật xác định rồi. Doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường trên lãnh thổ Việt Nam, không cản trở gì cả.

Khi cơ quan quản lý vượt quá giới hạn của luật cho phép, xâm phạm quyền tự do cá nhân, tổ chức, thì anh có quyền khiếu nại, tố cáo. Không phải ra luật rồi thì cơ quan chức năng muốn làm gì thì làm. Có thể kiến nghị để sửa đổi, bổ sung, nếu cần thiết phải sửa đổi luật. Sau một thời gian, nếu luật gặp nhiều phản hồi từ người dân, doanh nghiệp, tổ chức, hạn chế thực sự, thì tiến hành sửa". 

Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019.

Phạm Thành
Bình luận
vtcnews.vn